Hãy cùng VietnamWorks tìm hiểu 05 dạng phỏng vấn phổ biến nhất hiện nay để chuẩn bị trạng thái tốt nhất bạn nhé!
Phỏng vấn kiểm tra kiến thức
Một phương pháp phỏng vấn phổ biến nhất hiện nay chính là phỏng vấn kiểm tra kiến thức và cách giải quyết các bài kiểm tra. Đây là một phần rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng mà nhà tuyển dụng dùng đánh giá kỹ năng và năng lực của ứng viên, đặc biệt là đối với những vị trí đòi hỏi kiến thức chuyên môn cụ thể hoặc kỹ năng kỹ thuật.
Các bài kiểm tra kiến thức thường bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm, câu hỏi tự luận hoặc các bài tập thực hành liên quan đến lĩnh vực công việc cụ thể. Mục tiêu của phần này là đánh giá sự hiểu biết, khả năng áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế và khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên. Một bài kiểm tra có thể bao gồm những phần như sau
– Kiến thức chuyên môn: Phần này bao gồm các câu hỏi hoặc bài tập liên quan đến kiến thức cụ thể mà ứng viên đang ứng tuyển vào trong lĩnh vực công việc chuyên môn.
– Giải quyết vấn đề: Đây là phần gồm các bài tập hoặc câu hỏi được thiết kế để đánh giá khả năng của ứng viên trong việc xử lý vấn đề và tìm ra giải pháp hiệu quả. Thông thường, đây là các tình huống thực tế hoặc các câu hỏi mô phỏng về các vấn đề mà ứng viên có thể gặp phải trong công việc hàng ngày.
– Kỹ năng tư duy logic và suy luận: Nhiều bài kiểm tra còn yêu cầu ứng viên giải các câu đố logic, các bài toán suy luận hoặc các tình huống, vấn đề để đánh giá khả năng suy nghĩ logic và phản xạ nhanh của họ.
Phỏng vấn tập trung và nhóm
Có thể thấy hiện nay rất nhiều doanh nghiệp áp dụng cách thức phỏng vấn này trong các chương trình tuyển ứng viên tài năng. Trong buổi phỏng vấn tập trung, ứng viên thường được yêu cầu tham gia vào các buổi làm việc nhóm để cùng tập trung vào việc giải quyết một tình huống thực tế (Case study). Ứng viên sẽ phải phân tích tình huống, đưa ra các phương pháp giải quyết, đề xuất cho vấn đề đang gặp phải.
Phương pháp phỏng vấn tập trung có thể giúp nhà tuyển dụng đánh giá khả năng làm việc nhóm, giao tiếp và quản lý thời gian của ứng viên. Kế đến là khả năng phân tích vấn đề, tư duy logic và đề xuất chiến lược của ứng viên. Cách thức phỏng vấn này giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về khả năng của ứng viên trong việc giải quyết các vấn đề và thích ứng với môi trường làm việc thực tế.
Phỏng vấn về kỹ năng mềm
Phương pháp phỏng vấn đang được áp dụng nhiều không kém chính là phỏng vấn về kỹ năng mềm. Cách thức này được dùng để đánh giá khả năng của ứng viên về các kỹ năng và phẩm chất không liên quan nhiều đến kiến thức chuyên môn. Cụ thể thì cách này tập trung nhiều vào những yếu tố nhân cách, tư duy, và kỹ năng giao tiếp cần thiết trong môi trường làm việc.
Trong buổi phỏng vấn về kỹ năng mềm, nhà tuyển dụng thường đặt ra các câu hỏi và tình huống mô phỏng để đánh giá các khía cạnh như khả năng truyền đạt ý kiến của bản thân, khả năng lắng nghe, khả năng tương tác với người khác. Ngoài ra, cũng có nhiều câu hỏi xoay quanh kỹ năng làm việc nhóm như chia sẻ ý tưởng, giải quyết xung đột, quản lý công việc, v.v.
Không chỉ riêng những kỹ năng trên, cách phỏng vấn này giúp nhà tuyển dụng đào sâu vào nhiều dạng kỹ năng khác nữa của ứng viên như quản lý thời gian, xác định vấn đề, thu thập thông tin, phân tích tình huống, đối phó với thách thức và áp lực, v.v.
Phỏng vấn đa kênh (Multi-channel interview)
Phỏng vấn đa kênh, hay còn được gọi là phỏng vấn đa phương tiện (Multi-channel interview), là một phương pháp phỏng vấn mà nhà tuyển dụng dùng nhiều kênh truyền thông khác nhau để tiếp xúc và đánh giá ứng viên. Với cách phỏng vấn này, nhà tuyển dụng có thể tiếp cận và phỏng vấn ứng viên qua những kênh như sau:
– Phỏng vấn trực tiếp (Face-to-face interview): Đây là loại phỏng vấn truyền thống, diễn ra trực tiếp giữa nhà tuyển dụng và ứng viên, thường được tổ chức tại văn phòng công ty hoặc nơi làm việc.
– Phỏng vấn qua video (Video interview): Đây là buổi phỏng vấn mà nhà tuyển dụng và ứng viên gặp nhau thông qua các ứng dụng video như Zoom, Skype hoặc Google Meet. Cách này được áp dụng nhiều khi ứng viên ở xa hoặc khi điều kiện địa lý không cho phép gặp trực tiếp.
– Phỏng vấn qua điện thoại (Phone interview): Quá trình phỏng vấn này diễn ra qua cuộc gọi điện thoại giữa nhà tuyển dụng và ứng viên. Thông thường đây là bước đầu tiên sau khi xét duyệt CV để đánh giá sơ bộ ứng viên trước khi vào vòng phỏng vấn sâu hơn.
– Phỏng vấn qua tin nhắn trực tuyến (Chat interview): Cách phỏng vấn này có thể diễn ra qua các ứng dụng nhắn tin như Facebook Messenger, WhatsApp hoặc Zalo. Đây là một cách tiện lợi để nhà tuyển dụng trao đổi thông tin cơ bản với ứng viên.
– Phỏng vấn qua email (Email interview): Cũng khá giống với Chat interview, cách phỏng vấn này sử dụng giao tiếp văn bản thay cho giao tiếp lời nói. Nhà tuyển dụng và ứng viên sẽ giao tiếp với nhau qua email, trong đó các câu hỏi phỏng vấn được gửi và trả lời bằng văn bản.
Phương pháp phỏng vấn đa kênh cho phép nhà tuyển dụng linh hoạt trong việc tương tác và đánh giá ứng viên, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả hai bên. Đặc biệt, đối với các vị trí cần tuyển dụng từ xa hoặc ứng viên ở các quốc gia khác nhau, phỏng vấn đa kênh là một lựa chọn rất phổ biến và hiệu quả.
Trên đây là những phương pháp phỏng vấn đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng nhất hiện nay. Mong rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn đọc trong việc chuẩn bị kỹ năng phỏng vấn phù hợp và đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng. Đừng quên theo dõi HR Insider và VietnamWorks để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác bạn nhé!
🔥 Tại VietnamWorks, hơn 2000+ cơ hội việc làm thực tập/mới tốt nghiệp không yêu cầu kinh nghiệm, phù hợp khả năng của các bạn trẻ năng động: https://bit.ly/3QAFEOQ 🔥 Hệ sinh thái việc làm dành riêng cho Newbie tăng lợi thế khi tìm việc: https://lnkd.in/gkWGdKRC 🔥 Trở thành ứng viên được tìm kiếm tại VNW tại: https://bom.so/gUzyCN |
Xem thêm: 3 nhóm ứng viên mà doanh nghiệp lớn đang ra sức tìm kiếm
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.