Lý do dân văn phòng không nên xem nhẹ bữa ăn trưa?
Tiến sĩ Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, cho biết bữa trưa nơi văn phòng thường bị xem nhẹ do đặc thù công việc. Thực tế bữa trưa là bữa ăn lớn thứ hai trong ngày và cần cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động của cơ thể vào buổi chiều. Đây là thời gian cơ thể cần lấy lại cân bằng sau buổi sáng làm việc.
Theo tiến sĩ Ngữ, giờ nghỉ trưa thường không quá dài trong khi phải thực hiện các việc ăn uống, đi lại, ngủ nghỉ khiến bữa ăn trở nên vội vàng. Khi ấy hệ tiêu hóa bị quá tải do nhai không kỹ, nuốt quá nhanh, thực phẩm thô đi thẳng vào dạ dày. Thói quen này kéo dài gây hại đường ruột và hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày phải liên tục co bóp thức ăn. Ngay sau khi ăn phải tập trung trở lại với công việc, cơ thể hầu như không được nghỉ ngơi đủ.
Vì vậy, để hệ tiêu hóa khỏe mạnh, bạn nên ăn đúng giờ, ăn chậm nhai kỹ và cung cấp các nhóm chất cần thiết. Không ăn trước màn hình máy tính. Hãy tập trung vào bữa ăn ít nhất 20 phút.
Thế nào là một bữa trưa đảm bảo dinh dưỡng?
Bữa ăn trưa nên hạn chế tinh bột, bổ sung rau tươi, trái cây. “Kể cả ưu tiên nhanh gọn nhẹ nhưng đây là bữa ăn chính, không nên coi thường”, bác sĩ Ngữ nói. Ví dụ, bữa trưa ăn xôi đủ năng lượng nhưng thiếu rau, nên ăn kèm hoa quả. Chỉ ăn bún, phở thì không đủ chất dinh dưỡng.
Bạn có thể chuẩn bị bữa trưa từ nhà mang theo để kiểm soát lượng dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. Bổ sung protein trong bữa trưa từ trứng, thịt gà, cá, giá, nấm, đậu… Bữa trưa cũng cần có axit béo thiết yếu từ hạt, quả bơ, dầu oliu, hạt lanh… hoặc cá thu, cá ngừ.
Hạn chế uống nước ngọt, bia, hay nhậu gây kích thích không tốt cho công việc buổi chiều. Những món ăn cay, nóng cũng nên hạn chế tránh đầy bụng, khó tiêu.
— HR Insider/ Theo vnexpress —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.