“Muốn dũng cảm, hãy làm một điều khiến bạn sợ hãi mỗi ngày” là châm ngôn mà chị Huyền Lê – HR Manager tại SP Group luôn tâm niệm và nhắc nhở bản thân mình từng ngày trên hành trình sự nghiệp. Vì đối với chị Huyền, điều khiến cho ý chí của chị bị yếu đi không phải là những khó khăn, thách thức mà là khoảnh khắc chị lựa chọn bỏ cuộc. Bạn hãy cùng VietnamWorks học hỏi tinh thần không ngại khó của chị qua bài chia sẻ này nhé!

Thời điểm “3 tại chỗ” – Khoảnh khắc đấu tranh giữa ý chí và nỗi sợ

Theo như chị Huyền Lê chia sẻ, bản thân chị chưa bao giờ nghĩ mình sẽ nhận một công việc HR trong một công ty sản xuất ở tỉnh vì chị không mong muốn phải đi làm xa do muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, và vì tự bản thân thấy mình không phù hợp với môi trường nhà máy. “Vậy mà cuối cùng tôi lại bị thuyết phục để về làm Quản lý Nhân sự tại một công ty sản xuất ở Bình Dương”.

Sau khi nhận lời mời tại công ty đó, chỉ vừa vào công ty được 10 ngày thì công ty đã có ca nhiễm Covid, bị CDC phong tỏa và sau đó là khoảng thời gian 03 tháng 10 ngày chấp hành chính sách “3 tại chỗ”.

“Tôi nhớ mãi câu nói “Trong nguy có cơ” của anh sếp và sau khi cân nhắc chuyện “được và mất” thì tôi đã không bỏ cuộc, mặc dù lúc đó tôi đã rất sợ hãi và muốn bỏ chạy. Nếu tôi tiếp tục ở lại làm, tôi có thể sẽ gặp nguy hiểm, tôi cũng sẽ phải cố gắng rất nhiều để thích nghi và vượt qua khó khăn chung, còn nếu tôi bỏ cuộc, tôi sẽ được an toàn, được ở bên gia đình trong thời gian dịch bệnh leo thang, nhưng tôi sẽ mất việc làm, mất cơ hội được làm việc, được thể hiện năng lực, được thử thách bản thân xem độ bền bỉ của mình tới mức độ nào”.

Và hơn cả là đối với chị Huyền, chị sẽ thấy thất vọng về bản thân mình rất nhiều nếu bỏ cuộc giữa chừng như vậy, vì chị vốn dĩ là người không bỏ cuộc một cách dễ dàng.

“Tôi đã từng là một runner, tham gia nhiều giải marathon và luôn hoàn thành, cho dù có mệt và đau chân đến mức nào, tôi cũng chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Vì tôi biết, nếu tôi bỏ cuộc, tôi sẽ day dứt và tự trách mình rằng mình đã không cố gắng hết sức, mình thật là tệ, mình là người thất bại”.

Tư duy khi gặp khó khăn là chìa khóa quyết định thành bại

Khoảng thời gian làm việc tại đó tuy không quá dài nhưng chị Huyền cho hay bản thân chị đã học được rất nhiều điều, bởi vì tại đó chị được đặt vào một nơi khắc nghiệt với một vai trò hơi quá sức với mình.

“Lúc đó, tôi đọc được câu này và rất tâm đắc: “Muốn dũng cảm, hãy làm một điều khiến bạn sợ hãi mỗi ngày”. Ngoài kỹ năng chuyên môn, tôi học được cách tư duy tích cực khi gặp khó khăn, cách quan sát và nhìn nhận vấn đề. Khi một sự việc xảy ra, nhìn nhận nó là mối nguy hay cơ hội, sẽ phụ thuộc vào tư duy của mỗi người. Từ cách thức đón nhận vấn đề, chúng ta sẽ có hướng xử lý tương ứng”.

Trong tư duy đối diện với vấn đề của chị Huyền, nếu ta xem đó là mối nguy, ta sẽ né tránh, còn ngược lại, nếu thấy đó là cơ hội, ta sẽ lao vào làm để xử lý vấn đề và không có phương thức học hỏi nào hiệu quả hơn là học từ trải nghiệm. Nếu thành công thì chắc chắn 100% đó là cơ hội của chúng ta, còn nếu thất bại, đó vẫn là cơ hội, cơ hội để mình hiểu bản thân mình mạnh yếu chỗ nào, cơ hội để mình thể hiện rằng mình có sự dấn thân và sự dũng cảm, dám đương đầu với thách thức, cơ hội để mình học được bài học làm thế nào để không lặp lại thất bại đó trong tương lai. Và có một điều chắc chắn rằng: “Những gì không đánh bại được bạn sẽ làm bạn mạnh mẽ hơn”.

“Tôi đã dừng chân tại đây chỉ sau một năm, lý do như tôi đã viết ở đoạn đầu: tôi thật sự không phù hợp với môi trường này. Nhưng tôi chưa bao giờ hối tiếc vì lựa chọn của mình. Tôi trân trọng tất cả những gì đã trải qua. Không thể có được những bài học vô giá ở một nơi quá dễ dàng, với một công việc hoàn hảo. Những khoảng thời gian bị stress, mệt mỏi đã tôi luyện cho tôi trở nên mạnh mẽ và cứng cỏi hơn.  Vì vậy, sau này, khi gặp khó khăn hay thử thách trong cuộc sống, cảm xúc đầu tiên của tôi là sự bình tâm chứ không còn lo lắng, sợ hãi, tim đập nhanh như lúc trước”.

“Tôi hiểu là mức độ chấp nhận, chịu được khó khăn, độ bền bỉ của mình đã tăng lên đáng kể. Đi cùng với nó là sự trưởng thành về mặt nhận thức, điều mà chúng ta chỉ có được sau những trải nghiệm, biến cố, quan sát và chiêm nghiệm. Và tôi cũng hiểu rằng, nếu ví những việc mình làm mỗi ngày giống như việc gieo mầm thì có khi phải chờ rất lâu mới đến ngày có quả. Quả càng ngọt thì công sức mình bỏ ra, tổn thương mà mình phải chịu đựng và thời gian chờ đợi càng xứng đáng”.

Trong nguy có cơ – Đừng bỏ lỡ cơ hội của chính mình

Với chị Huyền Lê thì trong “nguy” luôn luôn có “cơ”. Chị chia sẻ rằng nếu chúng ta xác định đó là mối nguy và lựa chọn bỏ cuộc, chính là chúng ta đang tự đánh rớt cơ hội của mình.

“Bạn hãy luôn nhớ rằng, ngay cả khi gặp thất bại, bạn vẫn có được thứ vô giá đó là trải nghiệm. Kiến thức từ sách vở chỉ có thể biến thành kỹ năng thông qua sự thực hành và trải nghiệm. Cuộc sống luôn chuyển động không ngừng, khó khăn và thách thức vẫn luôn hiện diện, bạn lựa chọn đối mặt, vượt qua để trưởng thành và tiến thêm các nấc thang mới trên hành trình đi đến thành công, hay né tránh và bỏ cuộc để rồi dậm chân tại chỗ? Quyết định sẽ tùy thuộc vào cách mà bạn tư duy và nhìn nhận sự việc”.

“Tôi không khuyến khích việc đưa ra những quyết định sai lầm rồi sau đó ngụy biện rằng “thất bại là mẹ thành công” hay “hãy học hỏi từ trải nghiệm”, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều rằng, hãy nhìn nhận mọi vấn đề một cách thận trọng, sáng suốt và từ nhiều góc độ khác nhau. Chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống là để trưởng thành chứ không phải để gục ngã và thất bại. Ngoài sức mạnh về cơ bắp, sức mạnh về ý chí, tinh thần mới là thứ quyết định giúp bạn về đích trong mọi cuộc đua”.

Thông qua những chia sẻ đầy tâm huyết và giá trị trên, VietnamWorks cũng như chị Huyền Lê luôn mong muốn sẽ truyền tải được nguồn động lực dồi dào cũng như ý chí mạnh mẽ với mỗi người đi làm để tiếp tục hành trình sự nghiệp vẫn còn nhiều gian truân phía trước.

 

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers