Dường như các chuyên gia nhân sự dạo gần đây đang nỗ lực tìm cách để thu phục nhân tài thuộc thế hệ Millennials. Tuy nhiên, song song đó, vẫn có một thế hệ trẻ khác đó là Gen-Z đang dần tấn công vào thị trường tuyển dụng với tỷ lệ thất nghiệp cực thấp trong lịch sử. Điều này đòi hỏi các nhà tuyển dụng cần phải học cách làm quen và nâng cao cách tiếp cận của họ với những nhân tố mới nổi này.
Trong một khảo sát gần đây, một nhóm nghiên cứu kinh tế đã phát hiện ra những vấn đề nổi trội sau:
- Thế hệ Gen-Z đang khao khát làm việc trong lĩnh vực công nghệ. Phần lớn các công việc mà Gen-Z đang ứng tuyển đều là các công ty trong ngành công nghệ, tiếp theo là dịch vụ kinh doanh, tài chính và bán lẻ. Các công ty như IBM, Google, Amazon, Microsoft và Deloitte là năm công ty hàng đầu mà Gen Z đang theo đuổi.
- Theo khảo sát đánh giá bởi Gen-Z, môi trường làm việc, thời gian làm việc linh hoạt, là những từ khóa phổ biến nhất được sử dụng để mô tả những ưu điểm khi làm việc cho một công ty. Thực phẩm cung cấp hàng ngày, những ưu đãi giảm giá của công ty và công việc dễ dàng luôn xuất hiện trong top 10 cụm từ phổ biến nhất dành cho nhân viên Gen Z.
- Giống như thế hệ trước của họ, Gen Z đang ứng tuyển cho các công ty ở hầu hết những thành phố lớn.
- Kỹ sư phần mềm là công việc mà những người tìm việc thuộc thế hệ Gen Z đang theo đuổi và ứng tuyển nhiều nhất.
Vậy điều này có ý nghĩa gì với một nhà tuyển dụng hoặc một công ty? Điều đó có nghĩa là nhà tuyển dụng sẽ cần tăng gấp đôi việc quảng bá thương hiệu công ty và đầu tư vào việc tuyển dụng các Gen-Z chất lượng nhất trên thị trường. Dưới đây là một vài cách để bắt đầu thu phục nhân tài thuộc thế hệ này:
Đầu tư vào công nghệ mới
Các công nghệ mới thường thu hút thế hệ Gen Z, do đó quá trình tuyển dụng của bạn cũng cần phải theo kịp xu hướng ở thế hệ này. Từ việc đảm bảo một video tuyển dụng của bạn cần được tối ưu hóa trên thiết bị di động để dễ dàng giới thiệu văn hóa và lợi ích thú vị của công ty, cho đến việc suy nghĩ thấu đáo như một Gen Z đích thực. Những bài đăng công việc truyền thống không còn hiệu quả nữa với thế hệ này.
Ngoài ra, Gen Z cũng là một thế hệ 100% sống trên Digital, điều đó có nghĩa là họ là những người tìm việc đầu tiên được sinh ra trong thời đại của smartphone, các công cụ trực tuyến và trợ lý ảo hỗ trợ AI như Siri và Alexa. Họ sẽ không thể nào quen được với một môi trường mà hoàn toàn không được bao bọc trong sự tiện lợi và tốc độ tương tác nhanh nhạy của kỹ thuật số. Đó là chia sẻ của Kurt Heikkinen, CEO tại Montage sau một thời gian nghiên cứu và tuyển dụng Gen Z vào công ty.
Nguyên nhân bởi vì thế giới của Gen Z xoay quanh Digital, sự nhanh chóng và nguồn thông tin vô tận, họ sẽ mong đợi trải nghiệm tương tự khi tìm kiếm việc làm và trong quá trình tuyển dụng. Để tạo ra loại trải nghiệm mà các ứng viên Gen Z đang mong mỏi, nhà tuyển dụng cần khám phá các công nghệ phỏng vấn giúp ứng viên có nhiều sự lựa chọn và kiểm soát quá trình ứng tuyển hơn như việc lên lịch tự động, trợ lý tuyển dụng ảo AI và phỏng vấn theo yêu cầu mà ứng viên cung cấp, tạo cơ hội để họ thể hiện kinh nghiệm về công nghệ mà họ muốn trong quá trình săn việc. Hãy cân nhắc đến các công cụ AI phổ biến hiện nay như Montage, AllyO, Textio và TextRec để nâng cấp quá trình tuyển dụng của bạn.
Xây dựng các kênh truyền thông mạng xã hội
Gen Z-ers dành phần lớn thời gian trong ngày để sử dụng các ứng dụng mạng xã hội được tạo ra để giúp cuộc sống của họ tiện nghi hơn. Việc nhà tuyển dụng chú trọng quảng bá công việc hay hình ảnh công ty của mình trên các kênh xã hội, thiết bị và nền tảng này sẽ ảnh hưởng đến các ứng viên am hiểu mạng xã hội, nâng cao độ phủ sóng cho công ty và cho họ thấy lý do tại sao họ nên làm việc cho bạn. Hãy tạo ngay tài khoản và thường xuyên cập nhật trạng thái công ty trên Twitter, Facebook, Instagram và YouTube. Khuyến khích tất cả nhân viên sử dụng phương tiện truyền thông xã hội hoặc trang cá nhân của họ để thông báo tuyển dụng.
Xác định các nguồn lực của công ty
Hãy theo dõi các kênh tuyển dụng nào là hiệu quả nhất với đối tượng Gen Z và điều chỉnh chi tiêu cho phù hợp. Bên cạnh đó, bạn cũng cần chia sẻ nội dung có liên quan với các ứng cử viên bạn cảm thấy phù hợp. 74% thế hệ Gen Z khẳng định họ thà được kết nối trực tiếp với các đồng nghiệp hơn là thông qua các định dạng khác. Nhà tuyển dụng do đó nên sử dụng các công nghệ phỏng vấn video trên thiết bị di động để phỏng vấn trực tiếp và theo yêu cầu. Điều này giúp các nhà tuyển dụng và quản lý tuyển dụng tiếp cận và giao tiếp với Gen Z theo cách họ thích, thông qua thứ công nghệ đã có sẵn trong tay họ gần như 24/7.
Gia tăng lợi ích nhân viên nhiều hơn
Mặc dù những lợi ích như món ăn miễn phí, phòng trò chơi, văn phòng thân thiện với vật nuôi và company trip có vẻ như là những đặc quyền tuyệt vời giúp nhà tuyển dụng thu hút nhân tài Gen Z. Thế nhưng nghiên cứu đã chỉ ra rằng các ứng viên thế hệ này thường quan tâm đến nhiều lợi ích hơn nữa. Để thu hút được sự chú ý của thế hệ nhân lực này và ứng viên tiềm năng Gen Z, nhà tuyển dụng cần tạo ra lợi thế cạnh tranh cho công ty thông qua mô tả công việc, quy trình phỏng vấn và các diễn đàn trực tuyến khác. Hãy đề cập đến những vấn đề mà Gen Z coi trọng như văn hóa, cơ hội nghề nghiệp và danh tiếng của các lãnh đạo, cùng với những lợi ích khác thu hút được Gen Z.
Chứng tỏ và thể hiện yếu tố đa dạng trong văn hóa
Hãy thể hiện yếu tố văn hóa đa dạng trong các câu chuyện của nhân viên như video, blog và phương tiện truyền thông xã hội. Hãy luôn chứng tỏ rằng công ty bạn không có bất kỳ một sự thiên vị nào trong quá trình sàng lọc và phỏng vấn ứng viên và đảm bảo rằng, mọi ứng viên đa dạng đều có được sự công bằng khi ứng tuyển.
Khi nói đến các vấn đề về sự đa dạng, việc công ty của bạn chỉ nói về vấn đề này thôi vẫn chưa đủ để truyền tải đến ứng viên. Nhà tuyển dụng cần dành thời gian cho mỗi cuộc phỏng vấn để thể hiện nỗ lực của công ty và thể hiện sự coi trọng của bạn đến ứng viên tiềm năng này.
Vận dụng nội dung truyền thông một cách thông minh
Một cách hay để thu hút nhân tài đó là công tycần làm nổi bật chiến lược phát triển sản phẩm mới, các sáng kiến từ thiện, giải thưởng và các tin tức khác trong thông cáo báo chí và bài đăng trên blog. Hãy sử dụng video để giới thiệu những câu chuyện của nhân viên và các vấn đề độc đáo khi làm việc tại công ty của bạn.
Một ví dụ về chiến lược tiếp thị thành công đó là chiến dịch “Stay Hilton. Go out” của Hilton. Gã khổng lồ hiếu khách này đã tiếp cận với người tiêu dùng LGBTQ với mức giảm giá hấp dẫn và kèm theo nguồn thông tin tích cực đưa ra các ví dụ về sự ủng hộ của khách sạn Hilton cho các thành viên và nhân viên LGBTQ. Hilton cũng ra mắt một loạt các video và bài viết để tự hào giới thiệu các thành viên thuộc cộng đồng LGBTQ của họ.
Đưa ra những lợi ích kèm theo
Lợi ích và giá trị nhận được khi làm việc là những vấn đề quan trọng các ứng viên cần cân nhắc khi các ứng viên quyết định có làm việc cho một công ty hay không. 63% ứng viên tìm việc thường sẽ đánh giá về lợi ích công ty cung cấp thông qua các quảng cáo công việc. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp có thể không nhận ra rằng ngôn ngữ họ sử dụng hoặc lợi ích họ đưa ra trên các quảng cáo chưa đủ cá nhân hóa hoặc có thể vô tình loại trừ những người trong nhóm LGBTQ.
Một số lợi ích hấp dẫn mà công ty có thể cân nhắc để thu hút Gen-Z đó là lợi ích chăm sóc sức khỏe thường niên; đảm bảo chính sách bảo hiểm y tế cho cả vợ hoặc chồng, bao gồm cả vợ/ chồng cùng giới; cho phép nhân viên nghỉ phép gia đình và hỗ trợ dịch vụ y tế chăm sóc các nhân viên cũng như con cái của họ, bất kể tình trạng sinh lý học. Việc sử dụng ngôn ngữ quảng bá như thế trong khi mô tả các lợi ích sẽ giúp mở rộng ra các lợi ích mà công ty đang có.
Khi lực lượng Gen Z đang ngày càng gia nhập đông đảo vào thị trường tuyển dụng, điều này sẽ góp phần gia tăng áp lực lên các công ty trong các ngành công nghiệp khác nhau để cạnh tranh với các đối thủ của họ nhằm thu phục được nhân tài của thế hệ này. Vì vậy, hãy chắc rằng đội ngũ tuyển dụng của công ty bạn đã sẵn sàng và luôn tràn đầy năng lượng để thích nghi với Gen Z – tương lai của ngành tuyển dụng!
— HR Insider / Theo Fast Company —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.