Tạo mối quan hệ bình đẳng
Nghệ thuật ứng xử với cấp trên đầu tiên chính là tạo mối quan hệ bình đẳng giữa sếp và bạn. Bình đẳng ở đây không phải là bạn không tôn trọng cấp trên. Sếp là người giỏi, có nhiều kinh nghiệm, có tầm nhìn chiến lược và có nhiều ý tưởng kinh doanh. Nhưng bạn lại là người triển khai và thực hiện các kế hoạch đó. Vì thế, bạn hãy tạo cho mình thói quen suy nghĩ về mối quan hệ bình đẳng, mối quan hệ hợp tác cùng phát triển chứ không phải mối quan hệ giữa “ông chủ” và “người làm thuê”.
Việc tạo mối quan hệ bình đẳng, cố gắng phát triển bản thân giúp bạn ghi điểm trong mắt sếp. Cơ hội trở thành cánh tay đắc lực của sếp và cơ hội phát triển trên con đường sự nghiệp sẽ rộng mở hơn.
Làm chủ cảm xúc của bản thân
Trong môi trường công sở, nguyên tắc hàng đầu trong cách giao tiếp là kiềm chế cảm xúc, đặc biệt là với sếp. Việc biểu hiện những cảm xúc thái quá như tranh chấp, giận dữ, bốc đồng,… sẽ làm mối quan hệ giữa sếp và bạn trở nên căng thẳng. Tất nhiên, không một người sếp nào yêu thích một nhân viên luôn cãi lại vô căn cứ và không chịu nhận lỗi sai.
Khi đứng trước những tình huống tiêu cực, cách giao tiếp với sếp hiệu quả là hãy kiềm chế cảm xúc, không tỏ thái độ bốc đồng. Hãy chờ đến khi bản thân thật bình tĩnh rồi mới tiếp tục trình bày chi tiết vấn đề. Bạn cần chú ý đến ngữ điệu và cường độ khi nói chuyện. Điều này không chỉ giúp bạn kiểm soát tốt các tình huống mà còn nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan hơn.
Việc kiềm chế tốt cảm xúc trong giao tiếp giúp bạn giữ được hình ảnh đẹp trong mắt sếp và đồng nghiệp. Hình ảnh một con người trưởng thành, chuyên nghiệp và biết suy nghĩ thấu đáo sẽ giúp cho mối quan hệ nơi công sở của bạn luôn tốt đẹp và phát triển theo chiều hướng đi lên.
Không phán xét
Có thể sếp là một người rất giỏi và tuyệt vời, nhưng bạn hãy luôn nhớ rằng, sếp cũng là người bình thường cũng có những điểm yếu nhất định. Nếu bạn muốn người khác hiểu và thông cảm cho những thiếu sót của mình thì sếp của bạn cũng vậy. Vì thế, đừng phán xét bất cứ ai trong công ty, nhất là sếp, bởi đây là cách giao tiếp với sếp không hề thông minh chút nào.
Trên thực tế, để nhìn nhận sự việc một cách công bằng là điều không hề dễ dàng, nhưng bạn hãy cố gắng để đưa ra đánh giá khách quan vấn đề mà bản thân đang gặp phải. Đừng quá thiếu công bằng hay thiên vị, hãy luôn nhớ rằng sự quan tâm của mình là để cải thiện hiệu quả cho công việc, cho sự phát triển chung của doanh nghiệp chứ không phải của bản thân hay của riêng sếp.
Hiểu rõ vị trí của bản thân
Dù bạn có chuyên môn giỏi và có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp nhưng hãy nhớ vị trí của bản thân khi đánh giá công việc. Bạn có thể thảo luận và góp ý ở những khía cạnh nhỏ của dự án thuộc phạm vi bản thân đang làm việc. Bạn không có quyền chỉ trích định hướng chiến lược hay kế hoạch dài hạn của doanh nghiệp, đây là vấn đề do sếp của bạn đánh giá. Tốt hơn hết là bạn nên nêu những vấn đề có liên quan mật thiết hoặc đề xuất giải pháp, hướng giải quyết phù hợp.
Chia sẻ để góp ý
Góp ý với đồng nghiệp là điều không hề dễ dàng, điều này càng khó hơn khi đó là sếp của bạn. Nếu không hiểu rõ động cơ và suy nghĩ của bạn khi giao tiếp thì những góp ý đó có thể gây ra hiểu lầm. Nghệ thuật ứng xử với cấp trên khi muốn góp ý là hãy xem như một chia sẻ chân tình về việc bạn đang quan tâm. Hãy chia sẻ từ bản thân mình trước rồi mới nói đến ý kiến của bạn trong sự góp ý.
Cách thức giao tiếp
Việc giữ liên lạc và trao đổi với sếp là điều quan trọng, nhưng cách thức khi giao tiếp với cấp trên sao cho lịch sự và tôn trọng là điều bạn cần quan tâm.
Khi giao tiếp với sếp, bạn cần chú ý đến xưng hô sao cho lịch sự và thể hiện sự tôn trọng. Hãy trình bày quan điểm một cách rõ ràng, chi tiết nhưng vẫn đảm bảo súc tích. Kết hợp với cử chỉ và ngữ điệu để chứng tỏ rằng bản thân đang rất nghiêm túc trong vấn đề này khi giao tiếp với cấp trên.
Không nịnh hót
Nguyên tắc cuối cùng trong cách giao tiếp với cấp trên là không nịnh hót. Đừng muốn được giữ lại trong doanh nghiệp hay muốn thăng chức nhanh chóng mà “gió chiều nào theo chiều đó”. Hãy luôn nhớ rằng, không phải tự nhiên mà sếp trở thành sếp. Họ có đủ bản lĩnh và tỉnh táo để nhận xét đâu là lời nói thật, đâu là lời nói gió bay.
Những người ưa xu nịnh thường bị đánh giá là đạo đức giả, luôn hứa hẹn nhưng không bao giờ thực hiện được. Nghệ thuật ứng xử với cấp trên là hãy chân thành bày tỏ quan điểm, không xum xoe, tâng bốc, mà hãy cố gắng dùng hành động để chứng minh năng lực của bản thân thay vì những lời nịnh hót sáo rỗng với mục đích chiều lòng sếp.
Nghệ thuật ứng xử với cấp trên là một trong những vấn đề bất khả chiến bại mà bạn cần nắm trong lòng bàn tay. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng cần tỏ ra lịch sự và tôn trọng khi giao tiếp với cấp trên. Hãy thể hiện bản thân là một người nhân viên chuyên nghiệp dù ở bất kỳ môi trường làm việc nào. Hy vọng những thông tin về cách giao tiếp với sếp mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ hữu ích cho bạn. Hẹn gặp lại bạn ở những bài viết với nhiều thông tin bổ ích ở các bài viết tiếp theo.
>> Xem thêm: Bật mí cách viết email từ chối nhà tuyển dụng sao cho khéo léo
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.