Biết sếp cần gì – Đơn giản nhưng ít người để ý
Nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu rõ điều sếp thực sự mong muốn. Sếp không chỉ giao việc rồi để đó, mà họ thường có một “tầm nhìn” nhất định cho từng dự án hoặc nhiệm vụ. Nếu bạn không hiểu rõ điều này, rất dễ làm sai hướng hoặc chỉ đạt mức “hoàn thành công việc,” chứ không gây ấn tượng.
Vậy làm sao để hiểu đúng? Một điều quan trọng nhất là đừng ngại hỏi khi nhận nhiệm vụ từ sếp của bạn, bạn hãy đặt các câu hỏi chi tiết như là: “Kết quả cuối cùng mà anh/chị mong đợi là gì?”, “Có điều gì cần lưu ý thêm để đảm bảo đạt được mục tiêu không?”, v.v.
Ngoài việc hỏi trực tiếp, bạn hãy chú ý đến cách sếp phản hồi trong các buổi họp hoặc các dự án trước. Ví dụ nếu sếp bạn là người thường nhấn mạnh yếu tố về thời gian, thì tốc độ là ưu tiên lớn nhất. Còn nếu sếp quan tâm đến sự chi tiết thì bạn cần đảm bảo sẽ không bỏ sót các tiểu tiết quan trọng.
Hiểu đúng nhu cầu của không chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn mà còn khiến sếp cảm thấy bạn là người thực sự biết lắng nghe và thấu hiểu. Điều này, dù cho có khả năng nhỏ, nhưng sẽ là nền tảng để bạn trở thành “cánh tay phải” của sếp trong những lần tiếp theo.
Dám nhận trách nhiệm, nhưng phải khôn ngoan
Nhiều người nghĩ rằng cứ nhận thật nhiều việc, luôn sẵn sàng nói “Để em làm” thì sẽ được sếp đánh giá cao. Nhưng thực tế, sự tín nhiệm không đến từ việc bạn “ôm” tất cả mọi thứ mà từ cách bạn chọn nhiệm vụ và hoàn thành nó xuất sắc. Khi có cơ hội nhận trách nhiệm, đừng vội gật đầu ngay. Lúc này bạn hãy cân nhắc: Nhiệm vụ này có phù hợp với thế mạnh của bạn không? Bạn có đủ thời gian và nguồn lực để làm tốt không?
Nếu bạn nhận một việc mà mình không thể hoàn thành tốt, điều đó không chỉ gây tổn hại đến danh tiếng của bạn mà còn làm giảm lòng tin của sếp. Vì vậy, hãy chọn nhiệm vụ mà bạn biết mình có khả năng làm tốt nhất. Đừng sợ từ chối một cách lịch sự nếu cần: “Em rất muốn giúp, nhưng để đảm bảo chất lượng công việc, em nghĩ nhiệm vụ này cần thêm anh A hoặc chị B có kinh nghiệm hơn về XYZ. Tuy nhiên, nếu anh/chị cần hỗ trợ ở phần 123, em vẫn rất sẵn sàng tham gia.”
Ngoài ra khi nhận việc khó, bạn đừng để mình rơi vào thế bị động. Hãy chuẩn bị một kế hoạch cụ thể, thậm chí là phương án dự phòng cho các tình huống xấu. Điều này không chỉ giúp bạn tự tin hơn mà còn khiến sếp nhìn thấy bạn là người có khả năng xử lý tình huống tốt, đáng để giao việc lần sau. Hãy nhớ, việc bạn dám nhận trách nhiệm không phải để chứng tỏ mình là “siêu nhân,” mà là để cho sếp thấy bạn có tư duy chiến lược và biết cách làm việc hiệu quả.
Làm tốt hơn kỳ vọng – Bí quyết để lần sau sếp lại chọn bạn
Khi sếp giao việc, họ mong đợi bạn hoàn thành nó. Nhưng nếu bạn muốn trở thành lựa chọn hàng đầu cho các dự án tiếp theo, chỉ hoàn thành thôi là chưa đủ. Thay vào đó bạn hãy làm tốt hơn những gì được yêu cầu.
Điều này không có nghĩa là bạn phải “làm quá” hoặc biến nhiệm vụ đơn giản thành điều phức tạp. Thực tế là bạn hãy tìm cách nâng tầm công việc, chẳng hạn như thêm giá trị vào kết quả cuối cùng.
Ví dụ, ngoài việc hoàn thành báo cáo, bạn có thể đưa ra một vài gợi ý để cải thiện dự án dựa trên dữ liệu thu thập được. Đừng ngại đề xuất những cách làm mới, miễn là chúng mang lại hiệu quả thực sự.
Đồng thời, thái độ làm việc của bạn cũng rất quan trọng. Đừng để mọi người nhìn thấy bạn “vật vã” hoặc than phiền trong suốt quá trình thực hiện. Một tinh thần tích cực, sẵn sàng đối mặt với thách thức sẽ tạo thiện cảm tốt hơn với sếp!
Cuối cùng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bạn đừng quên cập nhật kết quả một cách chuyên nghiệp. Một email hoặc báo cáo tóm tắt rõ ràng không chỉ giúp sếp nắm bắt tiến độ mà còn thể hiện rằng bạn là người làm việc có tổ chức. Lần đầu tiên bạn vượt mong đợi, sếp có thể nghĩ đó là may mắn. Nhưng nếu bạn liên tục làm được điều này, sếp sẽ hiểu rằng bạn là người luôn mang lại giá trị. Và khi đó dù dự án nào sắp tới, bạn cũng sẽ là cái tên đầu tiên họ nghĩ đến.
Làm việc không chỉ là hoàn thành nhiệm vụ mà còn là cơ hội để khẳng định mình trong mắt sếp và đồng nghiệp. Để trở thành “ngôi sao” được giao trọng trách, bạn cần sự hiểu biết, tinh thần trách nhiệm và cách làm việc vượt mong đợi. Nhưng quan trọng nhất, hãy luôn duy trì thái độ tích cực và cầu tiến. Khi bạn thật sự tỏa sáng, không chỉ sếp mà bất kỳ ai cũng muốn làm việc cùng bạn!
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.