“Bản thân bạn là người như thế nào?” đây có lẽ là một trong những câu hỏi thông dụng và cơ bản nhất trong mọi cuộc phỏng vấn xin việc làm của dân công sở.
Tuy nhiên, để trả lời sao cho thật thu hút và hay ho và ghi điểm cộng trong mắt nhà tuyển dụng thì không hẳn ai cũng biết.
Minh chứng là khi đối diện với câu hỏi này, không ít dân công sở vì không có sự chuẩn bị nên cứ luyên tha luyên thuyên kể về 7749 trang đời lịch sử riêng tư, cùng 7749 sở thích, sở trường và sở đoản khác với mục đích thạch cao hóa bản thân thành một bức tượng vĩ đại như: “Em thích đọc sách về kinh tế”, “em đam mê triết học”, “em không bao giờ cho phép bản thân mình bỏ cuộc”, “ngày bé em đã hay xem tiểu sử cả các doanh nhân thành đạt”,…
Vâng, với những câu trả lời qua loa với mục đích hô hào sặc mùi “tự luyến” mà chẳng đi vào trọng tâm như trên, nhà tuyển dụng chẳng những không có thiện cảm mà còn đau hết cả đầu muốn loại ngay cho xong.
Vậy nên, để tránh rơi vào trường hợp như trên, dân công sở khi đi phỏng vấn ứng tuyển vào một công ty nào đó phải ghi nhớ: Những câu hỏi tưởng giản dị như trên lại là một lát cắt quan trọng giúp nhà tuyển dụng đánh giá bạn, tuyệt đối không được xem thường và trước đó cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng.
“Nhưng chuẩn bị như thế nào?” diễn giả, nhà báo Suzy Welch sẽ giúp bạn. Cô chia sẻ:
Hãy kể câu chuyện thật liên quan đến công việc ứng tuyển
Mặc dù nghe có vẻ như người tuyển dụng hỏi về câu chuyện cuộc đời bạn, nhưng tôi tin rằng họ không muốn nghe một câu chuyện dài dòng, vô mục đích.
Vì họ đã có phần lớn hồ sơ cá nhân, CV, sơ yếu lý lịch của bạn trước mặt.
Với câu hỏi “bản thân bạn là người như thế nào?”, người phỏng vấn, thường là ông chủ tương lai của bạn, muốn biết những phần trong câu chuyện cuộc sống của bạn liên quan đến công việc mà bạn ứng tuyển.
Ví dụ, nếu bạn đang phỏng vấn cho một công việc bán hàng, hãy nói với người tuyển dụng về cách bạn vận hành quầy bán thức ăn hoặc nước giải khát thời sinh viên, trong các dịp hội chợ, hội thao các kiểu, hay nói về những đề án thực hành công việc kinh doanh bán hàng mà bạn đã tham gia.
Hãy tự hỏi bản thân rằng, họ quan tâm những gì về bạn trước khi tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi trên. Điều này phản ánh rằng bạn biết những gì họ đang tìm kiếm, đó là dấu hiệu của sự trưởng thành.
Đừng ngại thể hiện bạn thực sự là ai
Dù bám theo một kịch bản đã định hướng sẵn để trả lời câu hỏi “bạn là người như thế nào?” là giải pháp tốt nhất, nhưng cũng đừng quá căng thẳng, khô khan.
Hãy nói một chút về tính cách của bản thân, nền tảng gia đình để giúp nhà tuyển dụng biết rõ hơn bạn thật sự là ai, có thể đảm đương công việc gì, chịu được áp lực ra sao.
Ví dụ như nếu phỏng vấn cho một công việc về báo chí, bạn hãy bắt đầu câu trả lời của mình bằng cách nói, “tôi đã sinh ra ở X, trong một gia đình hạnh phúc” (vì gia đình hạnh phúc thì đầu óc bạn cũng thoải mái trong việc sáng tạo từ ngữ, tập trung viết báo mà).
Và “với mục đích theo đuổi công việc này, tôi bắt đầu tham gia viết lách cho một tờ báo nhỏ ở trường cấp ba”.
Một vài chi tiết bên lề nho nhỏ nhưng đúng trọng tâm sẽ giúp bạn thể hiện hết con người của bản thân, qua đó người tuyển dụng có thể đánh giá xem bạn có thể làm việc cùng họ hay không và có tiềm năng đến mức nào.
Đừng kể nhiều quá kẻo bị lạc đề.
Đây cũng chính là cơ hội để bạn ngầm nói với người tuyển dụng rằng: “Điều duy nhất không xuất hiện trong hồ sơ của tôi là giá trị của tôi, được kể qua lời của chính tôi, tự tin và hoàn toàn thành thật”.
— HR Insider / Theo cafebiz —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.