Thành công trong sự nghiệp là mong muốn của hầu hết người đi làm. Và quan niệm “Thành công trong sự nghiệp chính là được thăng tiến nhanh chóng, được tăng lương, thăng chức” khiến không ít các bạn trẻ thường chọn phương pháp nhảy việc nhiều lần để đẩy nhanh quá trình thăng tiến. Thế nhưng, bạn có biết những góc khuất đằng sau những lần thăng tiến “nhanh chóng” ấy là gì không?
Người người muốn thăng tiến, vì sao?
Niềm vui của việc thăng tiến không chỉ có một mức thu nhập tốt hơn, một chức danh cao hơn mà còn là vì mong muốn nhận được sự công nhận, khen gợi của mọi người về năng lực của mình. Chính vì thế, thăng tiến trở thành mong muốn, ước mơ của hầu hết người đi làm.
Nhưng không phải ai trong chúng ta cũng có đường sự nghiệp “hanh thông”, được cấp trên công nhận về năng lực và đề bạt lên vị trí cao hơn trong thời gian ngắn. Không ít bạn trẻ sau khi đi làm 2 – 3 năm tại một công ty vẫn không được tăng lương, thăng chức như mong muốn, thậm chí còn “giậm chân tại chỗ”. Điều này khiến chúng ta nản lòng và nhen nhóm ý định nhảy việc.
Bên cạnh đó, các công ty thường có giới hạn số lượng nhân viên được thăng chức trong năm, nhiều nhân viên phải “xếp hàng” vài năm mới đến lượt. Khoảng tăng không nhiều, lộ trình tăng cũng khá lâu. Trong khi đó, nếu nhảy việc, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ bắt đầu ở một vị trí cao hơn và yêu cầu một mức lương xứng đáng và rút ngắn được lộ trình thăng tiến.
Góc khuất của thành công nhanh chóng
Nếu bạn nhảy việc, ứng tuyển vào vị trí mới đòi hỏi cao hơn vị trí hiện tại bạn đang làm trong khi kỹ năng, kinh nghiệm chưa hoàn thiện, bạn sẽ rất dễ rơi vào trạng thái khủng hoảng sau đó. Năng lực không thể đáp ứng yêu cầu công việc trong thời gian ngắn, khiến bạn trở nên căng thẳng và thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, áp lực.
Bên cạnh đó, không một công ty nào chấp nhận trả nhân viên một mức lương cao mà lại không kỳ vọng những lợi nhuận cao hơn. Nhiều trường hợp sau khi thăng tiến từ nhảy việc đã không thể vượt qua kỳ thử việc chỉ vì không đáp ứng các yêu cầu công ty đặt ra cho vị trí của bạn. Thậm chí, đây cũng là một “điểm trừ” trong CV xin việc sau này của bạn.
Hơn nữa. nếu chẳng may môi trường làm việc mới không phù hợp với tính cách, lộ trình thăng tiến đường dai của bạn công với áp lực công việc cao thì bạn cũng chẳng thể gắn bó lâu dài. Vì bạn nên nhớ, quyền lợi và trách nhiệm luôn đi cùng nhau. Lương cao, chức cao thì áp lực càng cao, thời gian dành cho công việc cũng nhiều hơn và thời gian dành cho bản thân, gia đình ít lại.
Nhưng chuyện quan trọng hơn chính là, khi đã có một mức lương cao, ngồi ở một vị trí được nhiều người ngưỡng mộ thì “cái tôi” sẽ không cho phép bạn quay trở về vị trí, chức danh cũ dù bản thân phù hợp hơn. Và lúc này, bạn đã sập “bẫy thăng tiến” và rơi vào tình huống tiến không được mà lùi cũng không xong.
Đừng sập “bẫy thăng tiến”
Chuyện thăng tiến cũng giống như miếng phomat ngon trong lồng chuột. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến vẻ ngoài bắt mắt, ngon lành của miếng phomat mà bỏ qua chiếc bẫy đang chờ sẵn, bạn sẽ mắc bẫy ngay. Lương cao, chức cao chỉ là một phần trong khái niệm thăng tiến, không phải tất cả.
Thăng tiến không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc bạn có một thu nhập tốt hơn hay một vị trí cao hơn, quan trọng hơn hết, thăng tiến còn là sự tích lũy và tăng dần về mặt kiến thức, kỹ năng làm việc. Có thể hiện tại, bạn nhận một mức lương thấp hơn bạn bè đồng lứa nhưng bạn hiểu rõ từng bước trong lộ trình thăng tiến của chính mình và cố gắng để tiến bộ hơn, hoàn thiện bản thân qua từng chặng. Tưởng đơn giản nhưng đây chính là bước chuẩn bị hoàn hảo để thăng tiến vững chắc và tự tin hơn trong sự nghiệp tương lai.
Vì thế, các bạn trẻ đừng quên điều mà các nhà lãnh đạo đã chia sẻ và bộc bạch trong sự kiện Begin.Again:
“Cơ hội thăng tiến, thành công trong sự nghiệp sẽ luôn đến nhưng chúng ta phải là người hiểu được: Khả năng của mình ở đâu khi cơ hội đến? Đây có phải thời cơ chín muồi hay không?,… Thay vì chỉ nhìn vào những thành công, thăng tiến hay lợi ích trước mắt. Việc nỗ lực trau dồi thêm kiến thức, rèn luyện kỹ năng phát triển để khi cơ hội đến đúng thời điểm, chúng ta có thể tận dụng chính là điều mà thế hệ millennials cần chú trọng.”
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Mức lương không như mong đợi, chưa tìm được cơ hội thăng tiến, chưa có cơ hội phát huy thế mạnh bản thân trong công việc luôn là những trăn trở của rất nhiều người đi làm, đặc biệt là nhân sự có kinh nghiệm và các cấp quản lí. Thấu hiểu được những trăn trở đó, VietnamWorks đã khởi xướng hành trình Begin.Again nhằm mang đến cho người tìm việc những giải pháp và tìm thấy cơ hội bứt phá trong sự nghiệp. Cùng với đó, sự kiện Begin.Again nằm trong chuỗi hành trình diễn ra tại TP.HCM và Hà Nội vào ngày 27/7 và 3/8 vừa qua đã là cầu nối hữu ích giữa người tìm việc cùng Doanh nhân Thái Vân Linh và các nhà lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam. HR Insider cho ra chuỗi bài viết dựa trên những chia sẻ của các diễn giả tại sự kiện với hy vọng giúp bạn tìm ra những giải pháp sự nghiệp cho riêng mình! |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.