Ai trong chúng ta đi làm mà chẳng có những phút giây bỗng dưng thấy chán chường với công việc đang làm. Một buổi sáng thức dậy, nghĩ tới công việc chất chồng như núi đang chờ đợi nơi công sở, nghĩ tới KPIs hứa hẹn với sếp, bỗng cảm thấy chỉ muốn vứt hết tất cả cho xong. Chuyện gì đang xảy ra với chúng ta?
Không hài lòng với công việc hiện tại là một tình trạng phổ biến mà hầu như ai trong chúng ta cũng đã từng gặp một lần trong đời. Thế nhưng, đa phần đều chần chừ hoặc do dự khi từ suy nghĩ đi đến quyết định liệu có nên kết thúc công việc đang làm. Một số phân vân vì không biết bản thân mình thật sự muốn gì, số khác lại lo lắng cho tương lai nếu như mình thực hiện lựa chọn táo bạo như thế. Vì vậy, trước khi chán đến phát ngán mà thôi việc, hãy thử đi tìm nguồn căn của bệnh chán việc bằng những câu hỏi tự vấn sau:
Bạn muốn thu nhập như thế nào? – Làm cả tháng mà chẳng đủ tiền mua trà sữa? Hay tiền bạc với bạn không thành vấn đề? Nếu xác định được mục tiêu đi làm của bạn là để kiếm thật nhiều tiền, hãy xét lại mức lương hiện tại của mình. Dĩ nhiên ai cũng muốn mức lương mình nhận được cao ngất ngưởng.
Bạn muốn sự ổn định hay sự mới mẻ? – Công việc hiện tại có đem đến cho bạn triển vọng ổn định lâu dài hay chỉ mang tính chất tạm thời và ngắn hạn? Đôi khi, có thể vì bản thân bạn là một con người không ngừng muốn làm mới chính mình, nên những hoạt động lặp đi lặp lại trong công việc hiện tại không thật sự thỏa mãn bạn.
Bạn có quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp? – Một nhân tố quan trọng quyết định sự đi hay ở của bạn đó là đồng nghiệp trong công ty. Có đồng nghiệp hay cấp trên nào khiến bạn thấy mệt mỏi hay không? Bạn có phải là kiểu người dễ giao tiếp và hòa đồng?
Bạn có thể chịu được áp lực tốt? – Một lí do khác dẫn đến việc bạn muốn tránh né công việc đó là áp lực. Đó có thể là áp lực từ deadline, KPIs hay thậm chí từ cạnh tranh trong và ngoài văn phòng. Nếu bạn là kiểu người có thể cân hết mọi gánh nặng, bạn sẽ cảm thấy chẳng có vấn đề gì. Ngược lại, mỗi ngày trôi qua với bạn sẽ vô cùng kinh khủng nếu bạn quá mỏng manh và chỉ muốn sống bình yên, nhẹ nhàng.
Bạn có hài lòng với ngành nghề hiện tại? – Nhiều khi sự chán việc không nằm ở đâu xa mà ở ngay chính công việc, vị trí bạn đang làm. Bạn đã dần trở nên cảm thấy lạc lõng hoặc không phù hợp với nhiệm vụ hiện tại. Có thể đây chưa phải là bến đỗ thích hợp dành cho bạn. Tương tự như phải đi một đôi giày quá chật hoặc quá rộng, việc chọn không đúng công việc yêu thích cũng là lí do làm bạn cảm thấy khó chịu khi phải đối mặt với nó mỗi ngày.
Vậy liệu có nên chấm dứt công việc?
Sau khi tự hỏi bản thân những câu trên, nếu bạn vẫn muốn đi tìm một con đường mới cho bản thân thì hãy hành động ngay. Mọi quyết định của bản thân không bao giờ là sai nếu bạn có thể chịu trách nhiệm cho chính mình. Hãy tự tin, dũng cảm đặt bước chân trên một lĩnh vực bạn muốn thử sức. Biết đâu đó mới là “chân mệnh thiên tử” của cuộc đời đi làm mà bấy lâu bạn theo đuổi!
Thế nhưng, nếu sau khi trả lời hết các câu hỏi và nhận thấy bạn nên thay đổi bản thân để thích ứng với công việc hiện tại. Hãy thử xua tan những suy nghĩ tiêu cực hình thành mỗi ngày bằng các bước đơn giản sau:
Lạc quan trong mọi việc – Có những nỗi buồn chỉ ngắn hạn mà thôi. Nên hãy cố gắng an ủi bản thân rằng, sau cơn mưa trời lại sáng. Ai biết được ngày mai sếp bỗng muốn thăng chức hay tăng lương cho bạn? Hoặc sau này bạn được giao đảm nhận một dự án quan trọng?
Nâng cao kĩ năng – Đừng nghĩ chuyện chán việc xuất phát từ bên ngoài. Đôi khi, lí do nằm ở chính bạn nữa đấy. Nếu cảm thấy bạn chưa đủ năng lực, việc bắt đầu học hỏi ngay từ lúc này sẽ không bao giờ là thừa. Có những kỹ năng quan trọng không phải ai cũng dạy bạn nhưng nếu thiếu các kỹ năng này, bạn sẽ mất đi sự cạnh tranh khi bước vào trường đời thực tế, hãy tìm hiểu nhé!
Nói chuyện với cấp trên/đồng nghiệp – Một lời khuyên chân thành sẽ giúp bạn tìm lại khả năng định hướng cho bản thân khi đang lạc lối. Hãy cố gắng sắp xếp một buổi nói chuyện với đồng nghiệp thân cận, hoặc cấp trên của bạn để xem họ nghĩ gì hoặc giải quyết ra sao trong trường hợp của bạn.
Tìm kiếm niềm vui khi đi làm – Hãy tìm cho mình một chiếc mỏ neo để níu giữ bạn trong môi trường làm việc. Đó có thể là các đồng nghiệp vui tính, sự học hỏi đáng quý từ lãnh đạo hoặc chính từ những điểm nho nhỏ trong công việc chẳng hạn.
Chủ động khiến bản thân bận rộn – Rảnh rỗi sinh nông nỗi. Bạn đã bao giờ nghe qua câu nói này? Đừng để bản thân mình rảnh đến phát chán công việc. Hãy chủ động hỗ trợ đồng nghiệp hoặc xung phong nhận việc để thể hiện sự hăng hái của bạn, tuy nhiên cũng đừng dồn ép bản thân quá mức khiến bạn không thể nào gồng gánh được tất cả.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.