Trong khi thời đại VUCA còn chưa đi đến hồi kết, thế giới lại phải đối mặt với một định nghĩa khác mang tên BANI World. Vậy BANI World là gì và làm thế nào để đối mặt với BANI World trong thế giới đầy hỗn tạp này? Nội dung bài viết dưới đây, VietnamWorks HR Insider sẽ giúp bạn giải đáp tất tần tật về vấn đề này, tuyệt đối đừng bỏ lỡ nhé!
BANI World là gì?
BANI World là thuật ngữ đang được biết đến rộng rãi trong khoảng thời gian gần đây. Định nghĩa này được sáng tạo bởi một nhà nhân chủng học người Mỹ – Jamais Cascio, khi ông cảm thấy VUCA không còn là khái niệm phù hợp trong thế giới đầy khủng hoảng như hiện tại.
Brittle: Dễ vỡ, mong manh
Có những thứ tưởng chừng như rất chắc chắn nhưng thực chất lại rất dễ bị đổ vỡ. Đặc biệt là trong một thế giới mà mọi thứ để có sự liên kết với nhau, việc một yếu tố đổ bể cũng có thể gây ra hiệu ứng domino.
Bạn hãy tưởng tượng mọi thứ xung quanh như một khối jenga (dùng trong trò chơi rút gỗ). Người chơi chỉ cần đặt một thanh gỗ sai chỗ hoặc rút miếng gỗ đó ra một cách thiếu cẩn trọng, toàn bộ những khối gỗ khác cũng có thể rơi xuống đất.
Hay thực tế hơn, bạn có thể nhìn vào những sự kiện đang có mức độ ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ như:
- Khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới.
- Tắc nghẽn kênh đào Suez.
- Lệnh phong tỏa Covid 19,…
Anxious: Bất an, đầy lo lắng
Anxious trong BANI World là gì? Đây là yếu tố chỉ cảm giác choáng ngợp, sự thiếu quyền kiểm soát trước những tình huống quan trọng, nhất là trong thời điểm phải chịu nhiều áp lực.
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin và đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và dễ dàng. Tuy nhiên, đây cũng là một phần khiến ta trở nên thụ động hơn bao giờ hết. Đôi khi vì quá lo lắng về việc ý kiến đưa ra đi ngược với số đông, chúng ta chọn dựa vào suy nghĩ của người khác mà quên mất đi quan điểm và mong muốn của mình.
Mặt khác, nhân loại cho rằng họ đang nắm quyền kiểm soát mọi thứ đang diễn ra. Tuy nhiên, trên thế giới vẫn đang tồn tại hàng loạt bất ổn, khủng hoảng,… Điều này có nghĩa là con người chưa bao giờ cầm trịch và vận hành mọi thứ theo đúng mong muốn của mình.
Non-Linear: Phi tuyến tính
Xét ở một mức độ nào đó, “Non-Linear” trong BANI Word có điểm khá tương đồng với “Ambiguous” trong VUCA. Chúng đều chỉ về sự mơ hồ, không trực diện.
Trong công việc, sự nghiệp hay các vấn đề xảy ra xung quanh ta, thay vì đi thẳng từ khởi đầu đến điểm kết thúc một cách dễ dàng, chúng ta sẽ gặp phải những chướng ngại và thử thách. Bên cạnh đó, những quyết định nhỏ cũng có thể gây ảnh hưởng đến cục diện về sau và phải mất một khoảng thời gian để chúng ta nhận ra điều đó.
Ví dụ rõ nhất cho Non-Linear là hiện tượng nóng lên toàn cầu. Hiếm ai trong nền công nghiệp những năm 80 có thể tưởng tượng ra rằng sự đột phá cho con người lại dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đến vậy cho môi trường.
Incomprehensible: Khó lý giải
Sống trong thời đại dễ đổ vỡ và có quá nhiều bất an, mọi thứ đang dần trở nên khó định danh và khó lý giải. Con người thường cố chấp trong việc đi tìm ra lời giải cho những vấn đề, nhưng điều này không dễ thực hiện trong bối cảnh hiện tại.
Có một điều là, dù có nhiều thông tin, chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng sẽ có câu trả lời thỏa đáng. Theo đó, lượng dữ liệu quá nhiều thì độ xác thực cũng bị giảm đi. Chính việc tiếp nhận nhiều thông tin mới nhưng không đồng nhất càng làm cho khả năng suy nghĩ bị quá tải.
Tại sao chúng ta cần phải theo khung BANI?
Dưới đây là một số lý do tại sao chúng ta cần phải theo khung BANI World:
Dễ vỡ – Brittle
Thế giới hiện đại trở nên dễ vỡ, nơi các hệ thống có thể chịu đựng được trong thời gian dài nhưng lại dễ bị sụp đổ khi gặp phải những cú sốc lớn. Điển hình như đại dịch Covid-19 hoặc khủng hoảng kinh tế. Việc nhận thức được rằng thế giới có thể dễ dàng bị phá vỡ giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống bất ngờ.
Lo âu – Anxious
Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, kinh tế – xã hội, nhiều người cảm thấy lo lắng và không chắc chắn về tương lai. Lúc này, khung BANI sẽ giúp chúng ta nhận diện sự lo âu này và tìm cách để giảm bớt cảm giác bất an, lo sợ. Điều này có thể cải thiện khả năng quyết định và đưa ra những chiến lược đối phó hiệu quả.
Phi tuyến tính – Nonlinear
Thế giới ngày càng trở nên phức tạp và không theo đường thẳng tuyến tính như trước đây. Các sự việc, hiện tượng có thể ảnh hưởng qua lại một cách khó lường và không dễ dàng đoán được. Lúc này, khung BANI giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về sự phức tạp này, từ đó giúp cải thiện khả năng phân tích và xử lý thông tin của mỗi người.
Incomprehensible – Khó lý giải
Trong thế giới hiện đại, rất nhiều sự kiện xảy ra một cách khó hiểu và đôi khi không thể giải thích ngay lập tức. Chính điều này có thể khiến chúng ta mất phương hướng. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng khung BANI, chúng ta có thể chấp nhận rằng không phải lúc nào mọi thứ cũng có thể giải thích ngay lập tức và cần phải học cách đối mặt với sự không chắc chắn đó.
Tóm lại, khung BANI giúp chúng ta có cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về thực tế hiện đại. Từ đó, mỗi người có thể đưa ra được những chiến lược, phương pháp thích hợp để đối phó với những thử thách phức tạp trong cuộc sống.
Sự khác nhau giữa BANI và VUCA
VUCA và BANI là hai thuật ngữ dùng để miêu tả một thế giới nhiều hỗn độn và những phương pháp mà chúng ta nên áp dụng để thấu hiểu và đối mặt với chúng. Một vài yếu tố trong hai khuôn mẫu này cũng có điểm tương đồng, tuy nhiên, giữa VUCA và BANI vẫn tồn tại rất nhiều điểm khác biệt.
Theo đó, thuật ngữ VUCA tập trung vào những thử thách trong môi trường và sự cần thiết của khả năng thích ứng. Trong khi BANI lại hướng tới những yếu tố dẫn đến sự thay đổi và tầm quan trọng của sự sáng tạo và đổi mới.
Về mặt phát triển doanh nghiệp, VUCA thường được sử dụng để xây dựng chiến lược nhằm thích ứng với sự biến đổi khôn lường. Trong khi đó BANI được đưa vào để xác định các xu hướng và cơ hội đổi mới, thoát lối mòn.
Một yếu tố không thể không nhắc đến khi phân biệt BANI với VUCA nữa đó chính là nguồn gốc. Nếu VUCA được hình thành bởi sự kiện chiến tranh lạnh thì yếu tố nhào nhặn nên BANI chính là vấn đề thay đổi khí hậu và thay đổi hệ thống vận hành trong thời đại mới.
VUCA và BANI không có khái niệm nào là “tốt hơn” tuyệt đối, bởi điều này còn tùy vào cách bạn muốn hiểu và cách bạn đang đối mặt với thách thức trong môi trường sống. Nếu bạn muốn giải quyết vấn đề về sự thay đổi nhanh chóng, VUCA có thể sẽ hữu ích hơn. Còn trường hợp bạn muốn hiểu sâu hơn về cảm giác lo âu và sự khó hiểu trong một thế giới phức tạp thì BANI có thể phù hợp hơn.
Làm thế nào để đối mặt với BANI World
Trong xã hội hiện đại, việc làm thế nào để đối mặt với BANI World luôn là bài toán khó được nhiều người quan tâm.
Với Brittle: Sự bền bỉ, kiên cường
Chúng ta không thể lường trước được khi một việc bị thất bại hoặc gặp chướng ngại vật, nhưng chúng ta có thể đối mặt với chúng bằng sự kiên cường. Theo đó, trước khi thực hiện kế hoạch, bạn nên lên sẵn một phương án khác để có thể “đỡ lấy bản thân” không bị chạm đất nếu phương án ban đầu bị sụp đổ.
Nên nhớ rằng, kể cả khi bạn cho rằng kế hoạch của mình đã được vạch ra rất kỹ lưỡng, vẫn luôn có khả năng quá trình thực hiện sẽ gặp phải những lỗ hổng hoặc vết nứt. Do đó, bạn hãy bình tĩnh khi gặp sự cố, kiên cường, bền bỉ và vạch ra cho mình kế hoạch khắc phục phù hợp nhé!
Với Anxious: Nhận thức bản thân, trí tuệ cảm xúc
Việc bạn lo âu và tìm quá nhiều thông tin ngoài lề trước khi quyết định một phần là do sự thiếu nhận thức bản thân. Để bớt thụ động cũng như không tự trách bản thân vì những việc làm không thể kiểm soát, bạn hãy học cách nhìn nhận và tôn trọng giá trị của chính mình.
Ngoài ra, trong một thế giới có quá nhiều thông tin, thật giả lẫn lộn, chúng ta nên biết cách lựa chọn thông tin và xử lý tình huống theo hướng tích cực hơn. Nên nhìn nhận mọi vấn đề từ góc nhìn khác thay vì chạy theo số đông, đồng thời giải quyết vấn đề một cách sáng tạo.
Với Non-linear: Sự thích ứng
Chúng ta không còn sống trong một thời đại mà mọi thứ đều có khuôn mẫu hay đi theo kiểu truyền thống. Chuỗi nguyên nhân – kết quả không còn được áp dụng đối với mọi trường hợp và những kế hoạch đều có khả năng đi trật đường ray. Do đó, chúng ta cần phải thích ứng và chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra. Các bạn đừng cứ mãi gặm nhấm và dậm chân tại chỗ chỉ vì kết quả không được như mong đợi.
Với Incomprehensible: Sự nhanh nhạy, khả năng tiên đoán
Để thử thách những viễn cảnh, sự việc khó lý giải, trực giác nhạy bén chính là yếu tố quyết định trực tiếp. Bên cạnh đó, trong bối cảnh doanh nghiệp thường xuyên gặp phải những tình huống khó đoán, bạn cần cho nhân viên thấy được sự minh bạch. Điều này sẽ đảm bảo bộ máy doanh nghiệp có được niềm tin từ nhân viên, từ đó vượt qua khủng hoảng và phát triển vững mạnh hơn.
Sử dụng phương pháp RAAT
RAAT là thuật ngữ viết tắt của bốn khái niệm quan trọng: “Resilience” – Khả năng phục hồi; “Attention” – Sự chú ý; “Adaptation” – Sự thích ứng và “Transparency” – Sự minh bạch. Đây là chiến lược để đối mặt với những thách thức trong môi trường BANI. Đứng trước một thời đại đầy biến động và không thể dự đoán, phương pháp RAAT được đề xuất để giúp các tổ chức, cá nhân sống sót và phát triển trong môi trường này.
- Khả năng phục hồi – Resilience: Tăng cường khả năng đối mặt với những áp lực và khả năng phục hồi sau khi khủng hoảng.
- Chú ý – Attention: Hướng sự chú ý vào những thông tin quan trọng, từ đó nhận biết và đánh giá tốt hơn về những thay đổi không nằm trong dự đoán.
- Thích ứng – Adaptation: Khuyến khích mọi người thích ứng và linh hoạt điều chỉnh chiến lược khi môi trường thay đổi.
- Minh bạch – Transparency: Tạo được sự minh bạch, tăng cường sự tin tưởng và hiểu biết trong môi trường không thể hiểu rõ BANI.
Các yếu tố trong RAAT là một phương tiện toàn diện để chúng ta đối mặt với BANI. Đối với môi trường doanh nghiệp, RAAT không chỉ giúp họ sống sót mà còn phát triển tốt hơn trong thời kỳ hỗn loạn. Đồng thời, phương pháp còn thúc đẩy sự sáng tạo và tạo ra cơ hội trong một môi trường đầy biến động.
FAQ
Dưới đây là một số câu hỏi được rất nhiều người quan tâm và chú ý.
BANI trong doanh nghiệp là gì?
BANI trong doanh nghiệp là một khung để hiểu và ứng phó với những biến động và phức tạp của thế giới hiện đại. Nó giúp các doanh nghiệp đối diện với những thách thức như khủng hoảng kinh tế, sự mất cân bằng trong hệ thống kinh doanh và thay đổi môi trường,… Nhờ đó, doanh mặt có thể đưa ra được những chiến lược phù hợp để vượt qua thách thức và phát triển bền vững hơn.
Bani có ý nghĩa gì đối với lãnh đạo?
Đối với lãnh đạo, BANI đòi hỏi khả năng sáng tạo, tính linh hoạt và sự khéo léo trong việc đưa ra những quyết định. Các lãnh đạo cần phải giúp tổ chức của mình vượt qua được khủng hoảng, giảm thiểu sự lo lắng trong đội ngũ nhân viên. Đồng thời, họ cần đưa ra được những chiến lược phát triển để thích ứng với thế giới đầy biến động này. Bên cạnh đó, các lãnh đạo cần thúc đẩy sự minh bạch và đổi mới trong tổ chức để đối mặt với những điều không thể dự đoán được.
Trên đây là những thông tin giúp bạn hiểu rõ BANI World và vai trò của nó trong thời đại mới. VietnamWorks HR Insider hy vọng bạn có thể đưa ra được các chiến lược cũng như có sự chuẩn bị tốt nhất để đối mặt với thách thức của xã hội. Chúc các bạn thành công!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
THẢ GA HỌC E-LEARNING MIỄN PHÍ
ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN TÌM VIỆC VietnamWorks là kênh thông tin tuyển dụng và tìm kiếm việc làm hàng đầu tại Việt Nam, luôn mang đến các thông tin tuyển dụng uy tín, chất lượng và nhanh chóng. Với hơn 9.4 triệu lượt truy cập hàng tháng, VietnamWorks giúp kết nối ứng viên với các nhà tuyển dụng có nhu cầu tìm nhân sự tiềm năng. Người tìm việc có thể dễ dàng tiếp cận các thông tin tuyển dụng đáng tin cậy trên toàn quốc. Bên cạnh đó, VietnamWorks còn tích hợp các tính năng hiện đại, hỗ trợ người dùng tạo CV trực tuyến và ứng tuyển một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian. |
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.