Các chuyên gia nói gì?
Trong thế giới làm việc ngày nay, nghề nghiệp thường có nhiều định hướng, ngã rẽ và tương lai thường thì mù mịt. “5 năm nữa, trong môi trường hiện tại rất khó để dự đoán được điều gì. Hầu hết các doanh nghiệp cũng không biết những yêu cầu trong hai hay ba năm tới nữa” – Joseph Weintraub – giáo sư ngành quản lý và hành vi tổ chức tại Cao đẳng Babson và đồng tác giả của cuốn sách The Coaching Manager: Developing Top Talent in Business. Thật khó để đưa ra câu trả lời một cách trực tiếp và trung thực cho câu hỏi này. Weintraub và Timothy Butler, thành viên cấp cao và giám đốc Chương trình Phát triển nghề nghiệp của Trường Kinh doanh Harvard, đồng ý rằng bạn cần phải luôn chuẩn bị để trả lời nó. Và bạn cần phải xem bất kỳ cuộc trò chuyện nào cũng như một buổi phỏng vấn. “Mỗi người bạn gặp gỡ và trò chuyện đều có thể là một mối quan hệ tiềm năng, trong hiện tại hoặc tương lai”, ông Weintraub nói.
Bước đầu tiên bạn phải biết được câu trả lời cho chính mình. “Đây là một câu hỏi hay. Mấu chốt trong câu hỏi chính là tôi cảm thấy nơi nào thật sự có ý nghĩa để có thể gắn bó lâu dài?” – Butler. Bạn phải tự xác định những điều mà bản thân mong muốn trước khi bạn có thể tự tin trình bày nó trước người khác.
Hãy tự suy xét
Việc tìm ra câu trả lời không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. “Vấn đề thực sự là hãy giải quyết nó thật cẩn thận như một bài tập về nhà của bạn. Nếu bạn chỉ nghĩ đơn giản và đưa ra câu trả lời trong lúc này thì chắc chắn bạn sẽ gặp rắc rối”, Butler nói. Trong cuốn sách Getting unstuck: A guide to Discovering Your Next Career Path (Tháo gỡ: Cách khám phá con đường nghề nghiệp tiếp theo của bạn), Butler cảnh báo rằng bạn cần phải chuẩn bị để suy nghĩ nghiêm túc và xem xét những điều mà bạn có thể không thường xuyên nghĩ đến trong cuộc sống. “Quá trình đó bắt đầu bằng việc suy ngẫm về những việc bạn làm tốt và những việc bạn làm không tốt” – Weintraub. Quá nhiều người đã dành hầu hết thời gian của mình để làm những công việc không phù hợp hoặc cảm thấy không thích. Weintraub gợi ý bạn tự hãy tự hỏi mình ba câu hỏi sau:
- Giá trị của tôi là gì?
- Mục tiêu của tôi là gì?
- Tôi sẵn sàng làm gì đạt được mục tiêu đó?
Những câu hỏi mang tính dự tính này có thể giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về 5 năm tới. Thách thức sau đó là trình bày rõ dự tính đó trong những tình huống khác nhau: một buổi nói chuyện với người quản lý của bạn, một cuộc đối thoại, hay một cuộc phỏng vấn tuyển dụng.
Nếu bạn không biết, hãy thừa nhận nó
Đôi khi một kế hoạch tìm hiểu kĩ càng nhất cũng khó có thể mang lại một định hướng nghề nghiệp rõ ràng cho bạn. Có rất nhiều ngã rẽ trong các quyết định về nghề nghiệp – gia đình, nền kinh tế, tài chính – và đơn giản là bạn không biết điều gì sẽ xảy ra trong vòng 5 năm tới. Một số người lo lắng rằng nếu không có câu trả lời rõ ràng thì họ sẽ mất phương hướng- điều này có thể đúng trong một vài trường hợp. “Đối với một số người, nếu không có tham vọng, bạn sẽ không thể làm việc gì một cách nghiêm túc,” Weintraub nói. Tuy nhiên bạn cũng không nên tự lừa dối và tạo ra một câu trả lời bóng bẩy để làm hài lòng “khán giả” của bạn. Điều này có thể sẽ rất nguy hiểm trong một cuộc phỏng vấn tuyển dụng. Không thể nói rằng bạn muốn đảm nhận vị trí lãnh đạo trong năm năm tới trong khi bạn không hề có chút tham vọng nào, bạn có thể sẽ đạt được điều này, nhưng liệu bạn có cảm thấy hạnh phúc không? “Hãy nhớ rằng mục tiêu chính là tìm ra công việc phù hợp, chứ không chỉ là một công việc đơn thuần. Bạn sẽ không muốn làm một công việc chỉ vì bạn là người trả lời phỏng vấn tốt,” Weintraub nói.
Biết rõ điều họ thật sự cần
Butler và Weintraub đồng ý rằng câu hỏi về 5 năm tới không phải là một câu hỏi đơn giản. Butler cho rằng dựa vào câu hỏi này mà các nhà tuyển dụng có được nhiều thông tin khác nhau cùng lúc. Họ có thể muốn biết người này liệu có còn ở lại trong 5 năm nữa không? “Chi phí điều chỉnh nhân sự thực sự khá cao, do đó với vai trò là một nhà tuyển dụng tôi luôn muốn tuyển một người có thể gắn bó lâu dài” – Butler nói. Một câu hỏi khác cũng ngụ ý rằng: Liệu vị trí này có phù hợp với năng lực của bạn? Người phỏng vấn muốn biết liệu bạn có yêu thích công việc này. Weintraub cũng chỉ ra một khả năng khác: “Họ đang cố gắng để hiểu định hướng mục tiêu và mong muốn của ứng viên”. Nói cách khác, tham vọng của bạn lớn tới đâu? Trước khi đưa ra câu trả lời, hãy nghĩ đến điều người hỏi muốn biết là gì.
Tập trung vào học tập và phát triển bản thân
Bạn có nguy cơ sẽ bị loại nếu ngạo mạn trả lời rằng bạn hy vọng được giữ một chức vụ cụ thể trong công ty, đặc biệt nếu người phỏng vấn đang giữ chức vụ đó. Butler gợi ý rằng bạn nên tránh kể tên một chức vụ cụ thể, và trả lời hướng vào mục tiêu rèn luyện và phát triển bản thân: Bạn muốn xây dựng những kỹ năng nào trong 5 năm tới? Ví dụ, “Tôi không thể nói chính xác tôi sẽ làm gì trong 5 năm tới, nhưng tôi hy vọng tôi có thể phát triển hơn nữa những kỹ năng cá nhân như là một người xây dựng chiến lược và quản lý nhân sự.” Đó là một cách an toàn để trả lời bất kể giai đoạn nghề nghiệp nào. “Bạn sẽ không muốn gây ấn tượng bằng việc bạn đã học đủ rồi”, Weintraub nói.
Chuyển hướng câu hỏi
Nghiên cứu chỉ ra rằng việc trả lời hoàn toàn chính xác câu hỏi không quan trọng bằng việc bạn đưa ra một câu trả lời “hào nhoáng”. Trong một cuộc phỏng vấn, bạn cần chỉ ra ba điều mà bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn. Tận dụng mọi câu hỏi, không riêng gì câu hỏi này để truyền đạt thông điệp đó. Bạn cũng có thể rút ngắn thời gian của câu hỏi bằng cách nói điều như “Tôi không chắc tôi sẽ ở đâu trong 5 năm tới, nhưng trong vòng 1 năm nữa, tôi hy vọng có thể tìm được một vài khách hàng lớn”. Bạn cũng có thể sử dụng cơ hội này để bày tỏ điều gì bạn quan tâm nhất về công việc trong câu hỏi. “Trong bất cứ môi trường cạnh tranh nào, công việc sẽ được trao cho người thực sự quan tâm và có thể bày tỏ sự quan tâm của họ,” Butler nói.
Những nguyên tắc cần ghi nhớ:
Nên:
- Đầu tiên, bạn nên suy ngẫm để đưa ra câu trả lời của riêng mình
- Hiểu rõ nhà tuyển dụng đang cần những thông tin gì từ câu trả lời của bạn
- Rút ngắn thời gian của câu hỏi để bạn có thể trả lời cụ thể và hợp lý hơn
Không nên:
- Đưa ra một câu trả lời mà chính bản thân bạn cũng không tin vào điều đó
- Yêu cầu một vị trí/chức vụ cụ thể thay vì tập trung vào những gì bạn hy vọng có cơ hội học được tại đó
- Bị giới hạn bởi các câu hỏi hẹp – hãy mở rộng câu hỏi để truyền đạt những điều bạn muốn nhà tuyển dụng biết về bạn.
–HR Insider / Theo HBR Ascend–
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.