Quyết định nhảy việc dĩ nhiên không hề đơn giản. Nhiều người băn khoăn suy nghĩ có nên nhảy việc hay có nên nghỉ việc khi chưa có việc mới?. Vì khi đã gắn bó được một thời gian với một công việc nào đó, tâm lý chung khi chuyển sang một công việc mới, vị trí mới của tất cả mọi người đều là hoảng sợ. Đừng để những suy nghĩ sau làm ảnh hưởng đến lựa chọn “ra đi” hay “ở lại” và tương lai phát triển của bạn.
1. Bị từ chối khi phỏng vấn
Việc bị từ chối có thể là đáng thất vọng và dễ dàng ám ảnh đến sự tự tin của bạn. Sau phỏng vấn thất bại, thay vì mất tự tin, thiếu bản lĩnh, bạn nên rút ra cho mình những bài học quý, để chuẩn bị tốt hơn cho cuộc phỏng vấn tiếp theo. Đừng ngại hỏi nhà tuyển dụng lý do thực sự khiến bạn bị loại khỏi cuộc chơi, vì nếu không hỏi, bạn không bao giờ biết. Vạn sự khởi đầu nan, đừng vì chút khó khăn ban đầu mà từ bỏ ước mơ của mình.
2. Lương mới thấp hơn lương cũ
Có lẽ đây chính là mối bận tâm lớn nhất của bất kỳ ai khi quyết định lựa chọn nhảy việc. Tất nhiên, chúng ta chỉ lựa chọn ra đi khi công việc mới với mức lương xứng đáng hơn, tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngược lại. Lúc này, bản thân nên cân nhắc giữa tiền bạc hay niềm vui khi làm việc mình thích. Với quyết định lựa chọn theo đuổi công việc mới, hãy chuẩn bị tài chính thật tốt để yên tâm theo đuổi đam mê, và bạn sẽ nhận lại được những điều mà tiền bạc không để đánh đối.
3. Không có đủ năng lực để làm công việc mới hay công việc mình yêu thích
Nỗi lo này xuất phát từ việc bạn sợ mình không thể làm công việc mới có tính chất khác biệt với công việc hiện tại. Ngoài ra trên thực tế đúng là bạn chưa thể có đủ thời gian để đáp ứng yêu cầu về kinh nghiệm, kỹ năng của một vị trí mà bạn yêu thích.
Thay đổi nghề nghiệp cần một kế hoạch dài hạn, chứ không chỉ ngày một ngày hai. Để xóa bỏ nỗi sợ này, hãy tìm hiểu những yêu cầu kinh nghiệm và tìm cách học hỏi từ sách vở, hay liên hệ với những người đang làm công việc bạn mong muốn để nhận những lời khuyên thực tế.
Còn đối với những người bắt đầu lại từ đầu sang một nghề hoàn toàn mới, hãy tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện có liên quan đến công việc mới, hoặc đầu tư một khoảng thời gian và tiền bạc để học thêm kiến thức chuyên ngành, các khóa cao học (MBA là một ví dụ điển hình).
4. Khó khăn tài chính trong thời gian tìm việc?
Lấy gì mà sống trong thời gian tìm việc? Để trả lời cho câu hỏi này, bạn phải kiểm tra lại một lần nữa kế hoạch bài bản của mình cho khoảng thời gian thử thách sắp tới. Trên thực tế, những người thực sự muốn và nghiêm túc với quyết định nhảy việc thường không bị áp lực về mặt tài chính vì họ đã lên kế hoạch rất cụ thể từ 6 đến 12 tháng trước khi chuẩn bị cho một hành trình mới.
Bên cạnh đó, một số người còn lựa chọn làm việc song song giữa hai bên để đáp ứng nhu cầu tài chính, và hơn hết, trau dồi những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết cho công việc mới trong lúc chờ nhận được lời mời chính thức từ các công ty.
5. Sợ các thay đổi khác liên quan đến công việc mới
Bạn có thể gặp áp lực lớn khi nhảy việc, bắt đầu một công việc mới tức là phải làm việc trong một môi trường hoàn toàn xa lạ, với những đồng nghiệp mà trước đó bạn chưa từng quen biết. Tuy nhiên, đầy là điều bắt buộc và cần bạn phải cố gắng bởi vì điều ưu tiên của mọi doanh nghiệp cần vẫn là khả năng thích nghi với môi trường làm việc của bạn, sau đó mới tới các kỹ năng khác.
Trong cuộc đời, bất kỳ ai cũng có lần trải qua nỗi lo sợ nào đó. Những người gặt hái được nhiều thành công thường bình tĩnh suy xét nguyên nhân và tìm ra phương pháp hành động tốt nhất. Vì thế bạn đừng nên lo sợ khi đã có quyết định nghỉ việc và tìm kiếm công việc khác tốt hơn.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.