Đặt ra mục tiêu vượt quá khả năng
Khi bắt đầu một công việc hay dự án mới, bạn thường lên kế hoạch và đề ra những mục tiêu cần phải đạt được. Điều này sẽ giúp bạn có một tầm nhìn bao quát và đảm bảo mọi việc luôn diễn ra theo đúng lộ trình bạn mong muốn. Tuy nhiên, đó lại là một sai lầm nghiêm trọng khi bạn trót đánh giá quá cao, đòi hỏi quá nhiều khả năng của mình. Bạn sẽ bắt đầu thúc ép bản thân để đạt được mục tiêu ban đầu đề ra.
Hãy cân nhắc đến thời gian và năng lực của mình trước khi đặt ra một mục tiêu nào đó trong sự nghiệp. “Liệu mình có thể hoàn thành nó trong X tháng? KPIs này có phù hợp với khả năng của mình? Làm sao để mình có thể thực hiện kế hoạch này?” Đưa ra những câu hỏi cho bản thân là một cách hiệu quả để bạn không o ép mình quá mức. Hãy thử chia nhỏ các mục tiêu và bắt đầu một lộ trình công việc mới nhẹ nhàng hơn.
Định hình khuôn mẫu thành công trong bạn
Bạn có thói quen chọn một tấm gương thành công trong sự nghiệp mình theo đuổi để phấn đấu trở thành người như họ? Hãy nhớ rằng không ai là hoàn hảo. Và bạn chỉ tuyệt vời nhất khi bạn là chính bạn. Việc có một hình tượng để nỗ lực và học hỏi là một điều tốt đẹp. Nhưng đừng quá đặt nặng vấn đề nhất định bạn phải thành chính họ để thành công. Điều này sẽ khiến bạn tự khép mình trong một khuôn mẫu có sẵn. Đôi khi, bạn không thật sự phù hợp với hình mẫu này, bạn lại cố gắng đòi hỏi và khiến bản thân không thoải mái trong mọi việc mình đang làm.
Chọn cho mình một hình mẫu thành công để nỗ lực là một thói quen tốt. Nhưng cũng đừng quên cân bằng với năng lực của bản thân để tránh cho mình bị “quá tải” hay mất đi bản chất riêng của bạn. Đừng “sao y bản chính” nhân vật thành công bạn thần tượng, hãy học tập một cách có chọn lọc để tránh giới hạn chính mình trong một vòng tròn đã có sẵn từ trước.
Ôm đồm đồng thời quá nhiều công việc
Đôi khi, chính bạn lại là “thủ phạm” làm cho mình chịu áp lực khi ôm đồm quá nhiều khối lượng công việc cùng một lúc. Bạn nghĩ mình có thể giải quyết được tất cả, bạn ngại khi phải nói lời từ chối những nhiệm vụ khác, bạn lo rằng những nhân viên được phân chia việc sẽ không hoàn thành đúng như bạn mong muốn,… Tất cả những suy nghĩ này sẽ dẫn tới kết quả rằng bạn sẽ tự tay “cân” hết khối lượng công việc của nhiều người.
Hãy học thói quen chia sẻ công việc khi quá tải để giảm thiểu áp lực cho bản thân. Khi bạn còn quá nhiều công việc chưa làm xong, bạn có thể từ chối những nhiệm vụ khác hoặc phân quyền cho những nhân viên có khả năng đảm nhiệm thay bạn. Phân chia thời gian làm việc đan xen với lịch thư giãn, nghỉ ngơi hợp lí để không phải chịu cảnh ngộ cơ thể “đình công” vì làm việc quá mức cho phép.
Việc đưa ra những nguyên tắc cho bản thân sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn và thăng tiến tốt hơn trên con đường sự nghiệp. Tuy nhiên, đừng để những luật lệ và thói quen này gò bó bản thân làm bạn trở nên căng thẳng, mệt mỏi. Khi bạn cảm thấy chán nản với công việc, bạn sẽ dần mất đi đam mê và động lực để phấn đấu mỗi ngày. Hãy bớt đòi hỏi ở bản thân, rũ bỏ những nguyên tắc trên để việc đi làm trở nên thật thoải mái và nhẹ nhàng nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.