Tất cả chúng ta đều có một cố vấn cho riêng mình, nhưng bạn có biết trên thực tế có đến 5 kiểu cố vấn bạn cần phải có trong quá trình gây dựng sự nghiệp. Theo Anthony Tjan, những người hướng dẫn tốt nhất có thể giúp chúng ta tìm ra những kỹ năng, những điểm mạnh tìm ẩn bên trong mình và cách thức phát huy, vận dụng các kỹ năng ấy trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. Đây là điều mà hiếm khi chỉ một cố vấn có thể làm được – đưa ra đầy đủ mọi lời khuyên cần thiết giúp cho sự phát triển của chúng ta, bởi mỗi một người cố vấn sẽ có một thế mạnh cho riêng mình.
Với nhiều năm kinh nghiệm cố vấn, Tjan xác định 5 kiểu cố vấn lý tưởng bạn cần phải có trong cuộc sống, đồng thời chỉ rõ cách thức nhận biết các vị cố vấn này. Chính vì thế, hãy thử xác định những cố vấn tiềm năng của bạn theo cách dưới đây để thắt chặt mối quan hệ giữa bạn và họ. Ngoài ra, Tjan cũng nhấn mạnh rằng: việc hướng dẫn là một hoạt động hai chiều, là mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau chứ không phải là một cuộc giao dịch. Vì vậy, đừng tấn công trực tiếp những cố vấn của bạn và yêu cầu họ phải đưa ra lời khuyên cho riêng bạn. Hãy dành thời gian để đầu tư cho mối quan hệ này, tạo ra kết nối thật sự với những người bạn ngưỡng mộ và sẵn sàng hỗ trợ họ bất kì khi nào họ cần và trong khả năng giúp đỡ của bạn.
#Cố vấn 1: Bậc thầy kinh nghiệm
Hãy đặt ra câu hỏi như Tjan: “Nếu bạn muốn trở thành người giỏi nhất trong một lĩnh vực – dù đó là biên tập, bóng đá, kinh doanh, hãy tự hỏi, ai là gương mặt tiêu biểu nhất trong lĩnh vực này?”. Nhân vật này sẽ đóng vai trò là một bậc thầy kinh nghiệm dành cho bạn – một người đã tích lũy kiến thức của họ qua nhiều năm kinh nghiệm, người sẽ cung cấp cho bạn một cái nhìn tổng quan và sâu sắc nhất về ngành này, cũng như cho bạn những lời khuyên đắt giá nhất giúp bạn điều chỉnh các kĩ năng của mình. Hãy tìm đến họ khi bạn cần lời khuyên về cho một sáng kiến mới hay gợi ý công ty bạn có thể ứng tuyển tiếp theo. Tjan cho rằng, kiểu cố vấn này sẽ giúp bạn xác định, nhận diện và trau dồi những điểm mạnh của bạn để đạt đến trạng thái gần như hoàn hảo nhất.
#Cố vấn 2: Chuyên gia “chống lưng”
Đây là kiểu cố vấn sẽ luôn giới thiệu bạn với những người trong vòng quan hệ của họ. Họ chính là kiểu người mà bạn nhất định phải có trong môi trường làm việc của mình. Luôn có những đồng nghiệp sẽ ủng hộ bạn và “chống lưng” cho bạn bất kỳ khi nào bạn cần. Họ không chỉ là những người động viên tinh thần cho bạn, mà còn là những người giới thiệu tuyệt vời, giúp bạn kết nối với những nhân vật hữu ích khác trong lĩnh vực bạn đang làm việc.
#Cố vấn 3: Đồng nghiệp sát cánh
Bạn có thể gọi kiểu cố vấn này bằng một cái tên khác: phụ tá đắc lực của bạn. Đây là kiểu cố vấn có thể thảo luận cùng bạn về các dự án, giúp bạn xây dựng các tính cách và ứng xử cần thiết trong môi trường công sở, và lắng nghe những bận tâm của bạn về công việc. Mối quan hệ cố vấn này sẽ hiệu quả nhất khi đó là hoạt động hai chiều, bạn cũng lắng nghe và giúp đỡ họ khi cần thiết. Nói như Tjan, bạn không chỉ nhận lấy mà còn phải thật sự trở thành người kề vai sát cánh, hợp tác và hỗ trợ cố vấn của mình. Khi bạn có được một đồng nghiệp như thế, cả chất lượng và khối lượng công việc của bạn đều được cải thiện đáng kể.
#Cố vấn 4: Người bạn tâm giao
Người hướng dẫn này không nhất thiết phải làm việc trong ngành của bạn. Trong thực tế, họ có thể là một người bạn thân hoặc một thành viên trong gia đình bạn. Nếu như kiểu cố vấn “chống lưng” kể trên sẽ giúp bạn đạt được những thành tích rõ rệt trong sự nghiệp, thì người cố vấn tâm giao này sẽ là một người bạn để bạn chia sẻ mọi vấn đề và sẵn sàng lắng nghe bạn. Tjan chia sẻ, chúng ta đều sẽ gặp phải những cú va chạm bất ngờ hoặc những điều không lường trước được trong cuộc sống. Vì vậy, ta luôn rất cần một người có thể nâng đỡ tâm lý và hướng ta đến những suy nghĩ tích cực. Những người tâm giao luôn là người hiểu rõ bạn nhất, do đó, họ sẽ rất hữu ích khi bạn cần lời khuyên về việc đặt ra những thứ tự ưu tiên, cân bằng cuộc sống với công việc hay giữ cho bạn không đánh mất những giá trị cá nhân của mình.
#Cố vấn 5: Người đối lập với bạn
Tjan cho rằng, khi nghĩ về những người hướng dẫn, chúng ta thường nghĩ ngay đến những người lớn tuổi hoặc người dày dặn kinh nghiệm. Thế nhưng, đôi khi người cố vấn có thể lại là những người đối lập hoàn toàn với hình ảnh này. Hãy thử học hỏi một điều gì đó từ những người trẻ mà bạn đang dẫn dắt chẳng hạn, cho dù họ có ít kinh nghiệm làm việc trong ngành hơn bạn. Tjan chia sẻ kinh nghiệm về việc nói chuyện với những nhân viên trẻ trong đội ngũ đã giúp ông tích lũy và trau dồi kĩ năng lãnh đạo, giao lưu với thế hệ trẻ để ông luôn có cái nhìn tươi mới và phù hợp với sự phát triển thời đại.
–HR Insider/ Theo Ted.ideas.com–
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.