Chia sẻ từ bạn đọc Thiên An.
Có lẽ tuổi thơ nghèo khó đã tạo cho tôi quan niệm sai lầm rằng tiền chính là chìa khóa cho mọi vấn đề trong cuộc sống. Cảm giác thiếu thốn và thua kém so với bạn bè khiến tôi không ước mơ trở thành bác sĩ, công an mà chỉ suy nghĩ sẽ làm công việc nào có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Cũng vì muốn kiếm tiền nhanh chóng và do gia đình không có điều kiện tài chính, sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi không thi Đại học mà lên thành phố để kiếm sống. Nhưng cuộc sống đắt đỏ nơi thành phố khiến tôi phải làm đủ mọi nghành nghề, từ trông xe, ship hàng, bán hàng đến bảo vệ mới đủ tiền trang trải. Tôi nhận ra rằng, không có kiến thức và bằng cấp, mình sẽ mãi mãi chỉ có thể làm công việc tay chân. Cũng vì thế, tôi bắt đầu học thêm tiếng Nhật khi thấy được nhu cầu lớn từ nhà tuyển dụng.
Thời điểm mới lên thành phố chính là những tháng ngày cơ cực nhất trong cuộc đời tôi. Vừa làm 2 công việc cùng lúc, vừa học tiếng Nhật để có bằng, có những đêm tôi gần như thức trắng hoặc chỉ ngủ có 3,4 tiếng. Tôi nghĩ vào lúc đó, điều thôi thúc tôi tiếp tục cố gắng và không gục ngã chính là nỗi ám ảnh nghèo đói. Sau 2 năm vật lộn để bám trụ lại thành phố, tôi có bằng N3 và được tuyển vào làm Sales tại một công ty Nhật Bản có trụ sở tại Việt Nam. Bằng tính lì lợm và sự kiên trì, tôi luôn nằm trong top sales và mang lại nhiều hợp đồng nhất cho công ty. Chỉ với 4 năm làm việc, từ một nhân viên, tôi leo lên vị trí trưởng phòng kinh doanh và lương được tính bằng $.
Công việc bận rộn và lịch công tác triền miên khiến tôi không có thời gian về thăm ba mẹ dưới quê. Những ngày lễ tết, tôi cũng chỉ về nhà được ngắn ngủ mấy ngày rồi lại vội vã lên thành phố để tiếp tục công việc. Mặc dù quê tôi chỉ cách thành phố có 2 tiếng nhưng số lần tôi về mỗi năm chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Điều duy nhất tôi làm chính là liên tục gửi tiền về cho ba mẹ. Tôi cứ cho rằng, chỉ cần tiền là đã đủ để giúp đỡ gia đình.
Nhưng một sự việc xảy ra đã thay đổi tất cả. Tháng 6 năm ngoái, sau khi trở về từ chuyến công tác, tôi nhận được cuộc gọi điện từ nhà. Ba báo tin cho tôi biết mẹ bị đột quỵ và đang nằm trong phòng cấp cứu. Tôi vội vã trở về để chuyển mẹ lên bệnh viện thành phố để phẫu thuật. Khi ngồi trong phòng bệnh, nhìn những nếp nhăn hằn sâu trên má và đôi tay gầy gộc đầy vết chai của mẹ, tôi mới nhận ra mình đã vô tâm thế nào. Tôi chỉ biết gửi tiền mà lại không quan tâm ba mẹ đang thực sự sống ra sao. Tôi không nhìn thấy những bộ quần áo bạc màu cũ kỹ ba mẹ vẫn đang mặc, ngôi nhà dưới quê dột nát cũ kỹ chưa được sửa và những bữa cơm toàn rau củ với khô quẹt.
Trong khi cùng ba chờ mẹ phẫu thuật, những suy nghĩ day dứt và cảm giác hối hận cứ ăn mòn lấy tôi. Và cùng lúc đó, ba đột ngột dúi vào tay tôi cuốn sổ tiết kiệm. Đến lúc mở ra, tôi gần như choáng váng khi nhìn thấy số tiền mình gửi về mỗi tháng gần như còn nguyên. Ba nhìn tôi và buồn bã nói.
“Ba mẹ không cần tiền của con. Ba mẹ chỉ mong con về thăm nhà nhiều hơn thôi.”
Khi nghe ba nói câu đó, tôi không kiềm được mà bật khóc. Cảm giác hối hận đến tột cùng xiết chặt lấy trái tim tôi. Và ánh mắt ba nhìn tôi ngày hôm đó, sẽ là nỗi ân hận day dứt theo tôi đến suốt cả cuộc đời. Đến tận lúc đó, tôi mới hiểu ra mình đã là đứa con bất hiếu đến mức nào. Tôi không nhìn thấy được điều mà ba mẹ thực sự mong muốn và làm tổn thương những người mình yêu thương nhất. Nhưng nước mắt muộn màng chẳng thế cứu lấy mẹ tôi. Và mẹ ra đi trong cơn hôn mê sâu do tai biến mạch máu. Đến tận lúc mẹ mất, tôi cũng chưa chăm sóc bà được ngày nào và kịp nói “con yêu mẹ nhiều lắm”.
Những ai đã từng mất đi người thân sẽ hiểu cảm giác đau đớn đó. Nhưng với tôi, ngoài những nỗi đau còn là sự day dứt và ân hận khôn cùng khi đã quá vô tâm đối với gia đình mình. Và cũng vì thế, tôi muốn nhắn nhủ đến những ai đang còn ba mẹ, xin hãy yêu thương và chăm sóc họ thật nhiều. Đừng để mình phải hối tiếc và ân hận trước khi quá muộn giống như tôi.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.