Bạn cảm thấy mức lương mình được nhận có tương xứng với công sức bản thân đã bỏ ra? Đã qua rồi cái thời nhân viên vùi đầu vào công việc để chứng tỏ với Sếp, để được tăng lương thăng chức. Hiện nay, nhất là sau đại dịch Covid, xu hướng “Acting your wage” ngày càng nở rộ. Vậy “Acting your wage” là gì, vì sao thuật ngữ này ra đời và có nên làm việc theo xu hướng này? Cùng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé.
“Acting your wage” là gì?
Thuật ngữ này được hiểu đơn giản là xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận. Người lao động trên toàn cầu đang suy ngẫm lại về công sức của mình trong công việc. Thay vì nỗ lực cố gắng hết mình để thăng tiến sự nghiệp, họ chỉ làm việc đúng với số lương mình được nhận.
Theo đó, bạn không cần phải trực điện thoại 24/24, không cần phải trả lời tin nhắn công việc vào tối muộn, cũng không cần gửi mail cho Sếp hay khách hàng vào ngày nghỉ… khi mà lương bạn nhận được chỉ tính theo 40 giờ mỗi tuần. Bạn không được trả lương làm ngoài giờ thì bạn không cần phải làm việc ngoài giờ.
Tuy nhiên thật khó để công ty điều chỉnh mức lương theo mong muốn của bạn. Vậy nên nhiều người đã chọn cách “Acting your wage”. Và từ đó, xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận ngày càng nở rộ khắp toàn cầu.
Nên nỗ lực làm việc hết mình hay chỉ “Acting your wage”?
Khi đại dịch Covid bùng nổ, nhiều thuật ngữ mới về công việc được ra đời. Điển hình là The Great Resignation (Từ chức vĩ đại), Rage Applying (Cơn thịnh nộ), Quiet Quitting (Âm thầm nghỉ việc), Career Cushioning (Giảm nhẹ sự nghiệp)… Đặc biệt là một thuật ngữ rất HOT đang nở rộ gần đây: “Acting your wage”!
Theo Tiến sĩ Carla Marie Manly – Nhà tâm lý học lâm sàng, nhận định: “Đại dịch Covid khiến chúng ta có cơ hội suy ngẫm lại về cuộc đời. Chúng ta sống chậm hơn, và cảm thấy việc không phải vùi đầu làm việc ở công ty mỗi ngày khiến cuộc sống vui vẻ hơn rất nhiều. Chúng ta có thể làm việc tại nhà, ở quán cafe, bãi biển xanh mát hay bất kỳ đâu chúng ta thích. Đến lúc chúng ta đặt ra những câu hỏi: Tạo sao mình phải nỗ lực làm việc cả đời chỉ để làm giàu cho công ty, tại sao mình phải vật lộn đấu đá với áp lực căng thẳng mỗi ngày đến kiệt sức?…”
Vì vậy sau đại dịch, các hình thức làm việc từ xa ngày càng được ứng dụng phổ biến. Nhân viên có thể làm việc tại nhà hay bất cứ đâu họ thích, vào bất cứ thời gian nào họ chọn. Công nghệ phát triển giúp mọi người kết nối thuận tiện hơn và có thể làm việc trực tuyến hiệu quả mà không cần đến văn phòng.
Tuy nhiên xét ở khía cạnh khác, Newbie mới ra trường còn yếu năng lực và non kinh nghiệm, liệu có nên cuốn theo vòng xoáy này? Ở giai đoạn mới đi làm này, điều các bạn trẻ cần nhất chính là sự trải nghiệm và học hỏi nhiều điều mới lạ. Có như vậy mới trau dồi được kiến thức, rèn luyện được kỹ năng và áp dụng được những điều đã học vào thực tiễn. Đặc biệt là năng nổ làm việc để trực tiếp đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá cho bản thân… Vậy nên Newbie không nên cuốn theo vòng xoáy này bạn nhé. Hãy nỗ lực hết mình ở giai đoạn đầu phát triển sự nghiệp. Để học thêm nhiều điều mới giúp nâng cao và hoàn thiện bản thân mỗi ngày một tốt hơn.
Xu hướng “Acting your wage” nở rộ như thế nào?
Mạng xã hội phát triển giúp mọi người có quyền bày tỏ ý kiến cá nhân và lan truyền nó rộng rãi hơn. Người lao động không lười nhác và không chán việc, mà họ bất mãn về cấp trên nhiều hơn. Họ cho rằng công ty không đánh giá cao nhân viên của mình, mà chỉ bóc lột sức lao động với đồng lương không tương xứng.
Nhiều tài khoản mạng xã hội khi chia sẻ các hoạt động đời thường thường rất ít lượt tương tác. Nhưng khi đăng tâm sự về công việc như áp lực, kiệt sức, lương thấp, Sếp đì… lại có lượt tương tác tăng vọt chóng mặt. Điều này cho thấy, rất nhiều người quan tâm đến vấn đề này và họ cũng gặp tình trạng tương tự.
Mọi người không khuyến khích nhau nghỉ việc, nhưng chọn cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Họ không nỗ lực hết mình với công việc chỉ để thăng tiến nữa, mà họ chỉ bỏ công sức đúng với mức lương mình nhận được.
Vậy liệu bạn có nên “Acting your wage”?
Theo nhận định của Tiến sĩ Manly, “Acting your wage” tồn tại hai mặt khác nhau. Nếu bạn cảm thấy công việc đảm nhận tương xứng với mức lương, hãy cứ nỗ lực làm việc. Nhất là khi bạn tìm thấy đam mê trong công việc, cũng như biết cách giữ sức khỏe để tránh làm việc quá sức.
Ngược lại, nếu bạn cảm thấy mức lương được nhận quá ít so với công sức mình bỏ ra, nên đề xuất với cấp trên để được tăng lương bạn nhé. Khi đã trao đổi với Sếp mà vẫn không được tăng lương, bạn có thể chọn công việc khác phù hợp hơn.
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn có cái nhìn đa chiều hơn về “Acting your wage” – Xu hướng đi làm chỉ bỏ công sức đúng với số lương được nhận. Chúc bạn luôn tìm thấy niềm vui trong công việc và nhận được mức lương tương xứng nhất.
Xem thêm: Life Coach là gì? Vai trò và cơ hội nghề nghiệp của Life Coach tại Việt Nam
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.