Câu chuyện “deal KPI” với sếp
Hầu hết người đi làm đã không còn quá xa lạ gì với cụm từ KPI. Dựa trên KPI, người sếp có thể đánh giá được năng lực cũng như mức độ hoàn thành công việc của nhân viên, và nhân viên có thể chứng minh năng lực cũng như hiệu suất làm việc của mình.
Tuy nhiên, nhiều nhân viên hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng khi KPI sếp đề ra vượt quá “tầm với” của mình. Nếu không đạt đủ KPI đã lên kế hoạch, người nhân viên có thể sẽ phải chịu một số tình cảnh không hay như khiển trách, giảm bậc lương hoặc thậm chí là cho thôi việc.
Chính vì điều đó mà ngày càng nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ lựa chọn việc “deal KPI” với sếp của mình. Hiểu cụ thể hơn, đây là tình huống người nhân viên thỏa thuận với sếp về việc hạ thấp hoặc giảm bớt các chỉ số mục tiêu đã đề ra vì chúng năm ngoài khả năng hoàn thành.
Tuy không cùng định hướng nhưng việc deal KPI cũng có điểm giống với việc deal lương. Đó là chúng chỉ có thể được tán thành, công nhận khi cả hai bên cùng đạt được lợi ích và mục tiêu của mình. Vì thế, deal KPI cũng là cả một nghệ thuật tương tự như việc deal lương. Bạn sẽ cần có những cách thức và biện pháp đúng đắn để bày tỏ với sếp về vấn đề giảm KPI cho bản thân mình.
Cân nhắc điều gì khi bày tỏ với sếp về việc giảm KPI?
Hiểu rõ bản thân
Trước khi đề cập với cấp trên về việc giảm KPI, bạn cần phải hiểu rõ bản thân mình đầu tiên. Hãy tự đặt những câu hỏi cho bản thân như là liệu mức KPI này có đang thực sự quá giới hạn của mình? Bạn có những cách nào để vượt qua KPI ấy? Có những bất cập, hạn chế nào trong việc đáp ứng đủ KPI sếp đặt ra?
Khi bạn đã có được câu trả lời hợp lý nhất cho những câu hỏi trên, bạn có thể quyết định có nên xin giảm KPI hay không. Nếu KPI đặt ra là quá khả năng, bạn không có đủ biện pháp để đáp ứng mục tiêu đã đề ra thì hãy tính đến việc trình bày với sếp nhé. Đừng nôn nóng mà vội đi xin sếp giảm KPI chỉ vì bạn cảm thấy nghi ngờ về năng lực của mình trong sự không chắc chắn.
Tìm hiểu thị trường
Thêm một bước nữa trước khi thỏa thuận với sếp chính là tìm hiểu kỹ về thị trường hiện nay, cả vi mô lẫn vĩ mô. Đối với môi trường vi mô, bạn hãy xác định xem kế hoạch làm việc hiện tại của phòng ban như thế nào? Chỉ số KPI của các đồng nghiệp khác ra sao và họ có cách nào để đạt mục tiêu đã đề ra? Việc hiểu rõ những vấn đề này sẽ giúp bạn biết được KPI được đặt ra đã hợp lý hay chưa.
Đối với môi trường vĩ mô, bạn có thể cân nhắc các yếu tố về tình hình hoạt động hiện tại của công ty, tình hình kinh tế hiện nay, xu hướng thị trường có liên quan tới công việc của bạn, v.v. Xác định rõ mọi yếu tố không chỉ giúp bạn hiểu hơn về KPI đã được đề xuất, mà còn xây dựng được kế hoạch đạt mục tiêu một cách phù hợp hơn.
Cách để thương thảo với sếp về KPI
Có kế hoạch, giải pháp rõ ràng
Khi đã xác định được những bất cập, hạn chế trong mục tiêu sếp đã đề ra. Bạn cần trình bày với sếp về việc xin giảm KPI dựa trên những lý do hợp lý, đáng tin cậy. Bạn hãy chuẩn bị một bản kế hoạch chi tiết kèm theo những giải pháp rõ ràng để trình bày với sếp.
Ví dụ như có thể xin sếp không giảm KPI nhưng cần thêm thời gian để bạn hoàn thành, hoặc là vẫn giữ hạn thời gian như cũ nhưng giảm mức KPI xuống. Nếu cả hai trường hợp trên đều không khả thi, bạn có thể đề xuất giữ nguyên KPI và hạn thời gian cũ nhưng thay đổi cách thức làm việc hoặc chính sách như thế nào. Việc trình bày với sếp càng chi tiết thì khả năng thương lượng có thể sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Đảm bảo hiệu suất tốt
Cuối cùng, bạn hãy đảm bảo với sếp về hiệu suất làm việc cũng như khả năng của mình. Vì một khi đã deal KPI với sếp, bạn cũng cần chứng minh cho sếp thấy bản thân có đủ năng lực và chắc chắn sẽ không làm giảm hiệu suất cá nhân, đội nhóm.
Không chỉ vậy hãy luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của mình, hoặc thậm chí tốt hơn nữa là vượt cả KPI đã đề ra. Có như thế, bạn sẽ xây dựng được sự uy tín cho bản thân mình và đây sẽ là nền tảng để sếp lắng nghe những đóng góp, xây dựng của bạn trong tương lai.
Nhìn chung, deal KPI cũng là một nghệ thuật thương thảo mà người nhân viên nào cũng nên nắm giữ. Ngoài ra, bạn cần nhớ rằng trong bất kỳ cuộc thương lượng nào cũng cần có sự hợp tình, hợp lý để đạt đến thỏa thuận chung. Hy vọng những biện pháp trên có thể giúp ích cho bạn. Hãy theo dõi HR Insider và VietnamWorks để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích khác nhé!
Xem thêm: Thần chú “Think outside of the box” và cách ứng dụng vào thực tế
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.