Bất cứ khi bạn ra quyết định làm một việc gì thì trong đầu bạn luôn xuất hiện những luồng suy nghĩ phản bác lại bằng những câu châm ngôn hoặc lời nói của người khác, ví dụ như: “Thế này có ổn không?” hay “Nhỡ sự việc nó xảy ra thế kia thì sao?” và nó khiến bạn cứ bị lưỡng lự và bối rối mãi không quyết định được mặc dù quyết định rất nhỏ có khi chỉ là một câu nói. Cứ như kiểu nó quyết định vận mệnh của mình vậy.
Bạn cảm thấy không phải là chính mình nữa như có 2-3 người nữa trong cơ thể mình. Thêm nữa bạn hay có suy nghĩ đánh giá người khác, mặc dù bạn ý thức được điều đó là không tốt và nó cũng không nằm trong quan điểm sống của bạn. Luồng suy nghĩ đó tự nhiên nổi lên. Bạn phải làm gì để khắc phục tình trạng này?
Giải quyết các luồng suy nghĩ
Cuộc sống của chúng ta thực ra được xây dựng trên một chuỗi những lựa chọn nối tiếp nhau, từ việc hôm nay ta mặc quần áo gì, đọc quyển sách nào đến nấu món ăn gì, đi chơi ở đâu… Về cơ bản, việc đưa ra quyết định giữa các lựa chọn là một việc tất yếu mà ta phải làm hàng ngày hàng giờ, và do vậy decision-making (khả năng đưa ra quyết định) trở thành một kỹ năng quan trọng đối với tất cả mọi người.
Một vài quyết định của chúng ta được đưa ra dựa trên những thói quen và ta không cần suy nghĩ quá nhiều về chúng. Nhưng những quyết định quan trọng, khó khăn, quyết định về một vấn đề mà ta không có nhiều kinh nghiệm, kiến thức hoặc phải quyết định khi có quá nhiều lựa chọn sẽ khiến chúng ta cân nhắc và suy xét nhiều hơn đến những hệ quả mà quyết định đó mang lại. Điều này rất dễ dẫn tới tình trạng chúng ta cảm thấy phân vân, lưỡng lự và không biết mình cần phải làm gì hay lựa chọn như thế nào mới hợp lý.
Việc bạn đặt ra những câu hỏi như: “Thế này có ổn không?”, “Nhỡ sự việc xảy ra như thế kia thì sao?” cho thấy bạn đã có sự suy nghĩ tương đối đa chiều khi bạn cố gắng lật ngược lại vấn đề để nhìn được bức tranh toàn cảnh trong quyết định của mình. Bên cạnh đó, bạn có chia sẻ “trong đầu bạn luôn xuất hiện những luồng suy nghĩ phản bác lại bằng những câu châm ngôn hoặc lời nói của người khác”, đây là một vấn đề thường gặp khi ta mong muốn mình phải ra một quyết định đúng đắn, và ta có xu hướng tham khảo cũng như bị ảnh hưởng bởi những lời khuyên từ mọi người xung quanh. Điều này khiến chúng ta rơi vào trạng thái suy nghĩ, lo lắng quá nhiều và mất rất nhiều thời gian để ra quyết định, thậm chí không thể ra quyết định.
Trên thực tế, đôi khi không có quyết định nào hoàn toàn đúng hoặc sai, mà chỉ có những quyết định mang lại các hệ quả khác nhau. Nếu như bạn luôn chờ đợi một quyết định hoàn toàn đúng thì có thể bạn sẽ rất khó để quyết định một cách dứt khoát, đặc biệt trong những tình huống cần quyết định nhanh, ví dụ như bạn chia sẻ là “một câu nói”. Theo một nghiên cứu được đăng trên “Current Biology”, trong một vài trường hợp thì những quyết định chớp nhoáng lại tốt hơn những quyết định được cân nhắc quá kỹ lưỡng dựa trên logic, lý trí và phân tích đa chiều.
Tiến sĩ Li Zhaoping của Đại học London cũng nói rằng: “Bạn thường kỳ vọng người khác đưa ra quyết định tốt hơn khi cho họ khoảng thời gian để họ phân tích và suy xét vấn đề, nhưng thực tế lại không như vậy. Phần ý thức của não bộ chúng ta khi được kích hoạt thường bác bỏ những quyết định tiềm thức ban đầu của ta, cho dù quyết định tiềm thức đó đúng, từ đó dẫn đến việc chúng ta không tin tưởng trực giác bản năng của mình. Vì vậy suy nghĩ quá nhiều về một quyết định có thể khiến chúng ta ra quyết định tệ hơn.”
Vậy bạn có thể cải thiện khả năng decision-making của mình như thế nào?
HR Insider sẽ đề xuất cho bạn một vài phương pháp sau đây để bạn tham khảo nhé: Học cách tin tưởng trực giác của mình khi cảm thấy quá khó để ra quyết định: Đừng khi nào cũng dựa vào những lí do logic cho tất cả mọi thứ, đôi khi việc suy nghĩ đơn giản như “Mình cảm thấy mình nên làm điều này” lại hữu ích hơn cho bạn. Hiểu rõ bản thân mình muốn gì: Khi bạn cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa các lựa chọn có ảnh hưởng đến cuộc đời mình, hãy suy nghĩ về điều mà bạn thực sự mong muốn. Đừng ra quyết định chỉ bởi người khác nói với bạn rằng bạn “phải làm thế này thế kia”, “không nên làm việc này hay việc khác”.
Sau tất cả thì bạn là người chịu trách nhiệm cho những quyết định của bạn, cho cuộc đời bạn, người khác không thể quyết định hộ bạn được nên những lời khuyên của họ chỉ mang tính chất tham khảo, do vậy bạn mới là người quan trọng nhất đối với quyết định của mình. Hãy nhớ rằng việc không ra quyết định cũng là một quyết định. Và quyết định này sẽ cản trở bạn hành động, cản trở bạn đạt được những điều mình muốn và khiến cho bạn cảm thấy không hài lòng với chính mình.
Luyện tập sự quyết đoán: Hãy luyện tập từ những điều nhỏ nhất, ví dụ cho bản thân mình 30 giây để quyết định bạn mình muốn ăn gì trong tối nay, muốn bạn bộ phim nào, hoặc muốn đi chơi ở đâu…. Lặp đi lặp lại những luyện tập nho nhỏ như vậy sau đó chuyển dần sang những quyết định lớn hơn. Khi cảm thấy lo lắng lúc phải ra quyết định, bạn hãy suy nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi ra quyết định đó và đề ra giải pháp để giải quyết tình huống ấy. Chúc bạn sớm cải thiện được khả năng ra quyết định của mình và có nhiều niềm vui trong cuộc sống bạn nhé!
— HR Insider / Theo Blog Tâm Lý–
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.