Affiliation là gì?
Affiliation được dịch từ tiếng Anh có nghĩa là “sự liên kết”. Nhưng trong CV, nó được hiểu là “liên kết chuyên nghiệp” hoặc danh sách các tổ chức. Đồng thời, Affiliations hoặc memberships là các tổ chức chuyên nghiệp mà bạn đã tham gia hoặc những nhóm người chuyên nghiệp (bao gồm bạn) trong danh sách của họ. Các nhóm này có thể là tổ chức hoặc các nhóm nhỏ liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi.
Affiliation trong CV bao gồm các liên kết, giải thưởng và công việc tình nguyện. Chúng có thể không liên quan đến lĩnh vực chuyên môn nhưng vẫn cung cấp thông tin quan trọng về ứng viên. Các nhóm này được liệt kê trong sơ yếu lý lịch sẽ cho thấy cam kết của bạn về ngành nghề. Doanh nghiệp hiểu được rằng bạn luôn giữ mối quan hệ tương tác với các chuyên gia trong lĩnh vực.
Đồng thời, thông qua Affiliation, bạn có thể tiếp thị tên tuổi cũng như giúp các đơn vị tuyển dụng đánh giá sơ lược hồ sơ. Với các hoạt động bạn từng tham gia, doanh nghiệp có thể biết được năng lực của bạn và xem xét bạn có thể mang đến lợi ích gì cho doanh nghiệp.
Xem thêm: Designation là gì? Cách viết Designation trong CV đúng chuẩn
Ứng dụng Affiliation trong CV
Bên cạnh câu hỏi Affiliation là gì thì mọi người cũng quan tâm đến cách viết Affiliation trong CV làm sao thu hút được nhà tuyển dụng. Khi tham gia ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ chia ứng viên thành 2 nhóm là người có kinh nghiệm và chưa có kinh nghiệm:
Đối với người có kinh nghiệm
Đối với những ứng viên có kinh nghiệm thì sẽ trình bày Affiliation CV với các chức danh, vị trí và nhiệm vụ mà họ từng đảm nhận khi hoạt động tại một doanh nghiệp, tổ chức hoặc hiệp hội trước đó. Mọi người nên ghi các thông tin chính, rõ ràng và có liên quan đến vị trí mà muốn ứng tuyển.
Ví dụ Bạn muốn ứng tuyển vị trí quản lý IT tại một công ty công nghệ: Ngoài kiến thức tích lũy được trên Đại học, thì bạn có thể ghi vào hồ sơ các kinh nghiệm thực tế khi làm các dự án, khả năng lãnh đạo hội nhóm hoàn công việc. Ngoài ra để gây ứng tuyển với nhà tuyển dụng, ứng viên có thể đề cập đến các hiệp hội IT mà từng tham gia.
Đây chính là Affiliation mà bạn cần thêm vào để làm nổi bật hồ sơ của mình giữa nhiều người ứng tuyển. Đồng thời, nhà tuyển dụng dễ dàng xem xét bạn có phù hợp với vị trí còn trống hay không và nhanh chóng đưa ra quyết định.
Đối với người chưa có kinh nghiệm
Đối với những người chưa có kinh nghiệm thì khá bất lợi để cạnh tranh với các ứng viên khác. Tuy nhiên, bạn hãy cố gắng đừng để trống quá nhiều trong CV. Những người chưa có kinh nghiệm thường là sinh viên mới ra trường hoặc những người thuộc lĩnh vực khác muốn chuyển đổi công việc.
Mọi người có thể đề cập đến hoạt động ngoại khóa mà mình từng tham gia hoặc các tổ chức, chương trình mang tính cộng đồng và vai trò của bạn trong đó. Đồng thời, để gây ấn tượng hơn thì bạn có thể ghi vào CV các cuộc thi chuyên ngành mình từng tham gia và đạt giải cao. Dù không nhiều nhưng bạn buộc phải thêm vào. Vì nó cũng đủ để chứng minh sự quan tâm của bạn đến ngành nghề và mong muốn của bạn cho vị trí công việc.
Ví dụ bạn muốn trở thành biên tập viên của một nhà đài nhưng bạn không có bất kỳ kinh nghiệm làm việc ở một công ty nào. Tuy nhiên, bạn có năng khiếu kể chuyện, từng làm MC khi còn đi học, tham gia Câu lạc bộ truyền thông của trường hoặc các tổ chức xã hội. Hãy cho các thông tin này vào hồ sơ để thu hút nhà tuyển dụng, vì chúng cũng là Affiliation!
Cách đặt Affiliation trong CV cụ thể, gây ấn tượng nhà tuyển dụng
Sau khi tìm hiểu về Affiliation là gì, mọi người cũng cần quan tâm đến cách đặt Affiliation vào trong CV. Một sai lầm phổ biến chính là các ứng viên cố gắng “nhồi nhét” nhiều Affiliation nhất có thể, dù không liên quan đến chuyên ngành, lĩnh vực mà họ theo đuổi. Điều này không chỉ không gây ấn tượng mà còn phản tác dụng – gây mất điểm trong lòng nhà tuyển dụng.
Chính vì vậy, dưới đây là các nguyên tắc viết Affiliation chuyên nghiệp và hiệu quả mà bạn có thể tham khảo:
Xác định các Affiliation
Việc quan trọng nhất là bạn cần hiểu được Affiliation là gì. Lưu ý tiếp theo là bạn không nên ghi tất cả Affiliation vào trong CV. Thay vào đó là hãy liệt kê chúng ra một tờ giấy nháp và chọn lọc những “liên kết chuyên nghiệp” mà bạn cho là nổi bật và liên quan đến lĩnh vực bạn theo đuổi.
Ví dụ nếu bạn ứng tuyển vào vị trí Sales thì hãy đề cập đến các hoạt động bạn từng tham gia liên quan đến kỹ năng bán hàng hoặc chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, hãy loại bỏ các hoạt động liên quan đến học thuật vì chúng thật sự không cần thiết.
Đặt các tiêu đề
Sau khi đã xác định được Affiliation cần đề cập trong CV, bạn cần đặt tiêu đề cho các hoạt động để gây nổi bật. Ví dụ như bạn xem xét được một số kỹ năng chuyên môn phù hợp thì có thể đặt tiêu đề là “Professional Affiliation”. Nhưng nếu bạn đề cập đến các chứng chỉ hoặc kỹ năng bạn nghĩ phù hợp với vị trí tuyển dụng thì có thể đặt tiêu đề là “Affiliations and Certifications”.
Việc này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi, xem xét và đánh giá các thông tin trong hồ sơ xin việc. Đồng thời, đặt tiêu đề sẽ làm CV của bạn có bố cục, chuyên nghiệp và chỉn chu hơn.
Liệt kê các tổ chức
Dòng đầu tiên trong Affiliation, bạn nên nêu tên của các doanh nghiệp, tổ chức hoặc hiệp hội mình từng tham gia. Lưu ý là tổ chức nào lớn, bạn dành vị trí cao hoặc bạn đóng góp nhiều thì đề cập ở trên. Lời khuyên thứ 2 là nên in đậm hoặc in nghiêng để tên tuổi và hoạt động của tổ chức trở nên nổi bật giữa các thông tin khác trong CV. Đồng thời, có thể nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến một hoặc một vài tổ chức nào đó trong danh sách bạn liệt kê. Chính vì vậy mà việc “tô điểm” cho tên tổ chức sẽ tăng sự chú ý đến họ.
Giải thích vai trò của bạn trong tổ chức
Ngoài việc đề cập đến tên tổ chức thì mọi người cũng cần miêu tả về vai trò, vị trí và nhiệm vụ của bản thân trọng hoạt động, tổ chức đó. Để viết tốt phần này, bạn cần trả lời được các câu hỏi sau: Trong tổ chức bạn đảm nhận vị trí nào? Công việc cụ thể khi bạn tham gia tổ chức là gì? Bạn đã cống hiến được gì cho tổ chức?
Việc giải thích tường tận, chi tiết sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận định rõ kỹ năng và kinh nghiệm mà bạn sở hữu. Ví dụ nếu bạn là Ban chủ nhiệm của tổ chức và đã cống hiến sức mình cho các hoạt động. Sự cống hiến của bạn đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng thì đây là một điểm cộng để bạn chinh phục được các nhà tuyển dụng.
Liệt kê kỹ năng
Bước cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong Affiliation chính là liệt kê các kỹ năng. Từ những vị trí, vai trò và nhiệm vụ trong các tổ chức, hoạt động, bạn đã rút ra được những bài học gì hữu ích cho mình. Bạn cần nêu ra những gì mà bạn học hỏi, tích lũy được trong quá trình tham gia các hiệp hội, các dự án cộng đồng.
Một số kỹ năng phổ biến là làm việc nhóm, quản lý tài chính, giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết trình,… Bạn cũng chỉ cần lựa chọn một số kỹ năng nổi bật và có liên quan đến công việc mà bạn đang theo đuổi.
Mặt khác, việc liệt kê kỹ năng cần khéo léo và tinh tế vì nhà tuyển dụng có trình độ chuyên môn cao, tinh ý và thông minh. Họ có kinh nghiệm thực chiến trong nghề và đã từng tiếp xúc với nhiều ứng cử viên khác nhau nên họ dễ dàng nhận biết bạn có đang phóng đại bản thân lên không. Vì vậy, hãy cân nhắc khi đưa các thông tin vào CV, đảm bảo thông tin chính xác và không khoa trương.
Phân biệt Affiliation và Work Experience
Bên cạnh Affiliation là gì thì câu hỏi chúng tôi nhận được nhiều nhất là cách phân biệt Affiliation và Work Experience. Cả hai đều liên quan đến kinh nghiệm làm việc nên các ứng viên thường nhầm lẫn nhưng bản chất của chúng lại không giống nhau. Cụ thể:
Work Experience
Work Experience là một danh mục trong CV. Trong đó, bạn sẽ liệt kê quá trình làm việc của bạn với tư cách là nhân viên chính thức hoặc cộng tác viên cho một đơn vị, một công ty hoặc một tổ chức nào đó. Quá trình làm việc được trả lương hàng tháng. Đồng thời, nó cũng sẽ phản ánh quá trình phát triển nghề nghiệp của bạn từ khi vào nghề.
Ví dụ như chức vụ Sales Senior tại phòng kinh doanh của một công ty chuyên xuất nhập khẩu nội thất. Hoặc bạn từng đảm nhiệm vị trí trưởng nhóm Content Creator cho một công ty truyền thông. Các thông tin này sẽ được ghi vào mục Work Experience.
Affiliation
Có điểm khác biệt với Work Experience là nó phản ánh các hoạt động của ứng viên với tư cách là thành viên của tổ chức, hoạt động, hiệp hội hoặc đoàn thể. Hoạt động này sẽ liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn mà bạn định hướng, gọi là Professional Affiliation. Hoặc nó có thể là các hoạt động vì cộng đồng – Civic Affiliation. Các hoạt động này thường tham gia xuất phát từ lòng tự nguyện, không được nhận tiền lương. Vì tính chất của các hoạt động này là phi lợi nhuận.
Ví dụ bạn là thành viên của ban truyền thông trong Câu lạc bộ gây quỹ trẻ em. Hoặc bạn từng là Ban chủ nhiệm của trong hiệp hội động vật quý hiếm. Thông tin này sẽ được liệt kê trong CV với danh mục Affiliation.
Trên đây là câu trả lời cho Affiliation là gì và cách ghi Affiliation ấn tượng trong CV do VietnamWork mang đến. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể xây dựng được một hồ sơ xin việc hiệu quả, thu hút được các nhà tuyển dụng!
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.