Công việc cụ thể của em là gì, khối lượng bao nhiêu?
Trước khi hỏi câu này, các bạn nên nhắc khéo với nhà tuyển dụng về việc mình đã tìm hiểu về nội dung mô tả và yêu cầu công việc trong tin tuyển dụng. Nhưng vì muốn hiểu rõ ràng cụ thể hơn về công việc để có thể chuẩn bị tốt nhất, nên bạn mới hỏi câu này.
Có như vậy, nhà tuyển dụng mới không nghĩ bạn chỉ rải CV mà chưa hề đọc qua mô tả công việc. Tuyệt đối tránh nói rằng em chưa biết vị trí này cần phải làm những công việc gì. Mất điểm trầm trọng đấy nhé!
Chẳng hạn, bạn ứng tuyển làm Content Marketing, tuy đã đọc qua mô tả công việc là viết bài quảng cáo Facebook, SEO website, quản trị Fanpage… nhưng vẫn nên hỏi thêm về công việc cụ thể và khối lượng bao nhiêu. Nhờ vậy bạn biết được mỗi ngày cần viết bao nhiêu bài và quản trị bao nhiêu Fanpage… Tránh được tình trạng vô làm mới biết khối lượng công việc quá tải bạn nhé.
Em có công việc phát sinh không, có làm thêm giờ không?
Câu hỏi này hơi tế nhị. Nếu hỏi không khéo, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn lười biếng và không muốn làm thêm giờ hoặc nhận thêm các việc phát sinh. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề quan trọng bạn cần nắm để tránh thiệt thòi sau này. Nhất là khi việc phát sinh quá nhiều và thường xuyên phải làm thêm giờ.
Hãy nói khéo với nhà tuyển dụng rằng bạn hỏi để tự lượng sức bản thân xem đáp ứng tốt công việc không. Bên cạnh đó, nhớ hỏi qua về lương làm thêm giờ để tránh mất quyền lợi theo quy định Pháp luật bạn nhé.
Chẳng hạn, với vị trí ứng tuyển Content Marketing khi nãy, bạn hãy hỏi xem công việc phát sinh là gì. Bạn có cần edit video, đăng bài, trả lời tin nhắn Fanpage hay đi quay phim ngoài hiện trường… hay không? Công ty thường yêu cầu làm thêm giờ không, tần suất thế nào và lương ngoài giờ bao nhiêu?
Em có được đóng bảo hiểm không?
Được đóng bảo hiểm là quyền lợi chính đáng của người lao động nhưng rất nhiều ứng viên ngại hỏi điều này trong buổi phỏng vấn. Cứ mạnh dạn hỏi bạn nhé!
Nếu công ty tuân thủ Pháp luật đàng hoàng, nhà tuyển dụng sẽ giải đáp cụ thể vấn đề bảo hiểm đến bạn. Còn nếu nhà tuyển dụng trả lời mập mờ, lảng tránh, qua loa… thì bạn nên suy nghĩ lại. Trường hợp nhà tuyển dụng khó chịu và thể hiện thiện cảm không tốt về bạn, cũng nên suy nghĩ lại.
Thời gian thử việc của em mấy tháng, lương thử việc bao nhiêu % lương chính thức?
Nắm rõ Luật trước khi hỏi câu này bạn nhé. Theo Pháp luật quy định, thời gian thử việc không quá 60 ngày và lương thử việc không được dưới 85% lương chính thức. Nếu công ty yêu cầu thời gian thử việc trên 2 tháng hoặc lương thử việc thấp hơn 85% lương chính thức, bạn không nên nhận việc. Bên cạnh đó, nhà tuyển dụng nào trả lời mập mờ vấn đề này thì bạn cũng không nên nhận việc.
Em sẽ được nhận những khoản thu nhập nào?
Đặc biệt, một vấn đề quan trọng cần trao đổi thỏa thuận rõ trước khi vào làm, đó chính là lương thưởng. Hãy hỏi xem bạn sẽ nhận được những khoản thu nhập nào? Lương cứng có fix không, dựa theo ngày công hay theo tháng, có dựa theo KPI không?
Thưởng KPI có mốc cụ thể không, nhân viên công ty thường đạt mốc nào hay công ty đặt KPI cao quá khiến không ai đạt được? Ngoài ra có thể hỏi thêm các khoản khác như phụ cấp ăn trưa, gửi xe, thưởng lễ Tết… Vấn đề lương thưởng nếu không thỏa thuận rõ trước khi nhận việc thì sau này sẽ rất rắc rối bạn nhé.
Trên đây là tuyển tập những điều ngại bao nhiêu cũng phải hỏi rõ khi phỏng vấn, nhất là với các bạn mới ra trường đi làm còn nhiều bỡ ngỡ. Hy vọng các bạn được nhà tuyển dụng giải đáp cụ thể mọi thắc mắc và vượt qua buổi phỏng vấn thành công nhé!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.