Ai cũng có cảm xúc và ý nghĩ riêng của mình, nhưng khi bạn đã xác định làm việc tại một công ty nào đó, bạn buộc phải tuân thủ theo nguyên tắc của họ và không được để cảm xúc chi phối lý trí. Chính vì vậy, bạn phải tự biết điều chỉnh cũng như đấu tranh những cảm xúc của mình tại chốn công sở. Vậy đấu tranh cảm xúc chốn công sở là gì? Tại sao bạn cần đấu tranh cảm xúc chốn công sở? Hãy cùng bài viết dưới đây tìm hiểu ngay nhé!
1. Đấu tranh cảm xúc chốn công sở là gì?
Đấu tranh cảm xúc chốn công sở là quá trình tự bạn điều chỉnh và quản lý các cảm xúc của mình trong môi trường công sở. Việc tự điều chỉnh cảm xúc giúp bạn có thể tạo được mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và với sếp, cũng như giữ được sự tập trung và hiệu quả cao trong công việc, giúp bạn hoàn thành những mục tiêu công việc được đề ra.
2. Tại sao bạn cần đấu tranh cảm xúc chốn công sở?
Có một số lý do quan trọng để đấu tranh cảm xúc chốn công sở, bao gồm:
Tránh hiểu lầm và xung đột với đồng nghiệp
Nếu ta không đấu tranh cảm xúc với chính mình mà thể hiện một cách quá đà, rất có thể ta sẽ làm cho người khác hiểu lầm, từ đó gây ra những xung đột giữa các đồng nghiệp. Điều này không chỉ gây ra sự mích lòng mà còn có thể dẫn tới làm việc kém hiệu quả.
Tạo mối quan hệ tốt với đồng nghiệp và sếp
Kỹ năng đấu tranh cảm xúc sẽ giúp ta tạo ra một bầu không khí làm việc thoải mái, tăng sự đồng cảm với các đồng nghiệp. Thể hiện cảm xúc một cách có chừng mực và hợp lý giúp bạn và đồng nghiệp hiểu nhau hơn, đồng thời tạo nên hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt sếp.
Giữ được tập trung và hiệu quả trong công việc
Việc kiểm soát cảm xúc sẽ giúp ta tránh những phiền toái chốn công sở, nhờ vậy giúp bạn giảm bớt stress. Điều này sẽ tạo điều kiện cho bạn tránh lãng phí cảm xúc, giữ được trạng thái tích cực để luôn tập trung vào công việc.
3. Những cách giúp bạn đấu tranh cảm xúc chốn công sở
Tìm cách giải tỏa khi tức giận
Khi bạn tức giận hay thất vọng tràn trề, hãy tìm cách giải tỏa bằng cách đi dạo quanh tòa nhà, uống món nước mà mình yêu thích để giải tỏa. Nếu bạn vẫn có thể cảm thấy bức bối thì bạn hãy chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh hoặc giải quyết gián tiếp thông qua luyện tập thể dục thể thao, những hoạt động ngoài trời,… Ngoài ra, bạn có thể xin nghỉ làm một ngày để giải phóng triệt để những cảm xúc tiêu cực và quay trở lại với tinh thần sảng khoái hơn.
Tăng cường tính nhân hậu, lòng trắc ẩn trong bạn
Sẽ khó khăn cho bạn trong việc có được cảm xúc đúng đắn nếu lòng trắc ẩn trong bạn đang “đi vắng”. Vì vậy, hãy khiến bản thân thêm giàu tình thương người, lòng nhân hậu bằng cách thường xuyên quan tâm đến những người khác, nó sẽ giúp bản thân bạn thấy bình yên, hòa nhã hơn.
Viết nhật ký theo tâm trạng
Viết cảm xúc ra giấy giúp bạn suy ngẫm về chúng sâu sắc hơn. Nó cũng giúp bạn nhận ra khi các hoàn cảnh cụ thể như rắc rối trong công việc hoặc những xung đột gây khó kiểm soát cảm xúc. Dựa vào đó, bạn có thể đưa ra các giải pháp để quản lý cảm xúc hiệu quả hơn.
Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi
Con người không ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc những sai lầm. Cho dù bạn có tức giận, trách mắng những lỗi lầm của người khác thì cả bạn và họ cũng không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và đổ lỗi cho người khác và ưu tiên cùng nhau tìm phương án giải quyết trước mắt để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra.
Không giữ thù hận hay ác cảm
Trong tâm mang thù hận hay ác cảm với ai đó không chỉ làm tiêu hao năng lượng và thời gian mà còn làm vẩn đục tư tưởng của bạn, thậm chí đẩy bạn xuống đáy của cảm xúc tiêu cực. Hãy để mọi thứ qua đi. Tha thứ, quên đi quá khứ và thoát khỏi hố sâu của hận thù mà chỉ nghĩ về một tương lai hạnh phúc ở phía trước đang chờ đón bạn.
Qua bài viết trên đây thì bạn cũng đã hiểu được lý do phần nào chúng ta cần đấu tranh cảm xúc chốn công sở. Việc đấu tranh cảm xúc chốn công sở là một kỹ năng quan trọng giúp cho sự thành công và tiến bộ trong công việc. Hãy tự điều chỉnh và tập trung cho công việc tương lai sau này bạn nhé!
Xem thêm: Sự nghiệp của bạn có bị “nhấp nháy”
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.