Bạn sẽ bắt gặp cái tên Đan Mạch xuất hiện trong danh sách “những quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh” qua nhiều năm. Nhưng có một điều không phải ai cũng biết, đó là người Đan Mạch không chỉ hạnh phúc khi ở nhà, mà họ còn hạnh phúc khi đi làm.
Theo những nghiên cứu mới nhất về mức độ hài lòng của nhân viên công sở tại các quốc gia, Đan Mạch là nước có nhân viên hạnh phúc nhất.
Trong nghiên cứu về môi trường làm việc năm 2013 của Gallup, có đến 14% nhân viên tại Đông Nam Á cảm thấy chán chường với công việc, nói cách khác, họ cảm thấy “không hứng thú với công sở và năng suất có khả năng sụt giảm”, con số này đối với người Mỹ thậm chí còn cao hơn tại 18%, nhưng với Đan Mạch, tỷ lệ này chỉ dừng ở mức 10%.
Vậy yếu tố nào giúp nhân viên Đan Mạch hạnh phúc hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới? Tạp chí Fastcoexist đã liệt kê ra 5 sự khác biệt lớn nhất.
1. Số giờ làm hợp lý
Một lãnh đạo người Mỹ từng kể lại câu chuyện hồi đầu khi ông giữ chức quản lý tại một công ty Đan Mạch. Nôn nóng muốn phô diễn năng lực, ông làm việc theo thời gian biểu trước đó ở Mỹ, dành ra 60 – 70 tiếng ở công ty. Sau một tháng, giám đốc của ông mời ông tham gia một cuộc họp.
Trong khi ông nhủ thầm cho rằng mình sắp được tăng lương vì làm việc chăm chỉ, thì giám đốc chỉ hỏi ông: “Sao cậu làm việc nhiều vậy? Có vấn đề gì à? Cậu gặp vấn đề trong việc giao nhiệm vụ cho người khác sao? Chúng ta sẽ khắc phục vấn đề này thế nào đây?”.
Nhìn vào tác phong thong thả của người Đan Mạch, nhiều người nước ngoài thắc mắc không hiểu họ có thực sự làm việc không. Người Đan Mạch không chỉ rời công sở vào giờ hợp lý hầu hết mọi ngày, mà họ còn được nghỉ đi du lịch 5 – 6 tuần mỗi năm, hưởng nhiều ngày lễ quốc gia và nghỉ thai kỳ/sinh con lên đến một năm.
Trong khi người Mỹ làm việc trung bình 1.788 giờ/năm, người Nhật Bản làm việc 1.821 tiếng/năm, thì người Đan Mạch chỉ làm việc 1.468 giờ/năm, theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thấp hơn nhiều so với số giờ trung bình của các quốc gia OECD tại 1.845 giờ/năm.
Có một thực tế rõ ràng là tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác, việc làm thêm giờ được đánh giá như dấu hiệu của sự tận tụy. Nhiều người quan niệm sai lầm rằng càng làm việc nhiều giờ, càng hoàn thành được nhiều nhiệm vụ, từ đó dẫn đến tình trạng “Sùng bái làm ngoài giờ”.
Ngược lại, các công ty Đan Mạch nhận thức được rằng các nhân viên cũng có cuộc sống riêng ngoài công ty, và làm việc 80 tiếng một tuần là không tốt cho cả nhân viên và đội ngũ sau họ.
2. Khoảng cách quyền lực ngắn
Tại châu Á nói chung, khi sếp ra lệnh, thường các nhân viên nghe theo mà không thắc mắc. Còn tại Đan Mạch, rất ít khi lệnh được trực tiếp đưa xuống, mà thường các nhân viên sẽ góp tiếng nói chung.
Nhà nghiên cứu xã hội học Geert Hofstede người Đan Mạch đã tiến hành một nghiên cứu về văn hóa kinh doanh tại hơn 100 quốc gia dựa trên nhiều biến số, và một trong số đó là “khoảng cách quyền lực”.
Một khoảng cách quyền lực rộng đồng nghĩa với việc các sếp luôn là người đưa ra mệnh lệnh, và nhân viên không bàn cãi. Mỹ là một trong số những quốc gia có khoảng giãn quyền lực cao tại 40 điểm, trong khi điểm trung bình của các doanh nghiệp Đan Mạch chỉ là 18 – thấp nhất trên thế giới.
Điều này cho thấy các nhân viên Đan Mạch nói chung sở hữu nhiều quyền tự chủ tại công ty. Ví dụ, theo luật Đan Mạch, mỗi công ty có nhiều hơn 35 nhân viên cần dành riêng ghế cho nhân viên trong hội đồng quản trị. Người này được nhân viên bầu ra, và góp tiếng nói ngang bằng và có quyền bỏ phiếu như các cổ đông khác trong hội đồng.
3. Trợ cấp thất nghiệp hào phóng
Tại Đan Mạch, bạn không lâm vào đường cùng khi mất việc. Thậm chí chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại quốc gia này còn khiến nhiều người nước ngoài cảm thấy khó tin, khi nhân viên vẫn được hưởng 90% lương cơ bản trong vòng hai năm.
Vì vậy, nếu bạn là người Đan Mạch và không cảm thấy hứng thú với công việc hiện tại, bạn có thể suy tính khả năng bỏ việc khi chưa tìm được chỗ làm mới, vì vẫn nhận được trợ cấp khá đầy đủ, buộc các công ty phải đãi ngộ tốt với nhân viên, hoặc họ sẽ bỏ việc.
Ngược lại, ví dụ như ở Mỹ, mất việc đồng nghĩa với việc lâm vào vũng bùn tài chính, bảo hiểm sức khỏe đồng thời cũng bị cắt. Điều này dẫn đến việc một số người chán ghét công việc nhưng không dám bỏ vì lo ngại không đủ khả năng chi trả.
4. Liên tục đào tạo
Kể từ giữa những năm 1800, Đan Mạch đã chủ trương tập trung vào sự nghiệp giáo dục cho nhân viên. Những chính sách này vẫn được duy trì tới hiện nay, với nhiều quy định từ chính phủ, công đoàn, doanh nghiệp cho phép hầu hết các nhân viên có nhu cầu tham gia các khóa học miễn phí để trau dồi kỹ năng.
Theo thống kê của OECD, Đan Mạch là nước chi nhiều ngân sách nhất cho những chương trình dạng này. Chúng giúp các nhân viên liên tục tiến bộ, bảo vệ chỗ đứng vững chắc trong một môi trường làm việc chuyển động không ngừng.
5. Ưu tiên hạnh phúc
Mặc dù tiếng Anh và tiếng Đan Mạch có nhiều điểm chung về nguồn gốc, nhưng có rất nhiều từ chỉ xuất hiện trong từ điển tiếng Anh mà không có trong tiếng Đan Mạch, và ngược lại. Ví dụ, người Đan Mạch có từ arbejdsglæde, không có từ đồng nghĩa trong tiếng Anh. Arbejde có nghĩa là công sở, glæde có nghĩa là sự hạnh phúc, ghép lại có nghĩa là “hạnh phúc nơi công sở”.
Tiếng Nhật không những không có từ đồng nghĩa với arbejdsglæde, mà nước này dành riêng từ karoshi để chỉ “Cái chết vì làm việc quá sức”.
Trong khi nhân viên tại nhiều nước căm ghét công việc của mình và cho đó là điều bình thường, thì các công ty tại Đan Mạch có truyền thống nỗ lực giúp nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc.
Khi sự thoải mái giúp nâng cao năng suất và tính sáng tạo, điều này lý giải việc Đan Mạch thuộc nhóm những quốc gia năng suất nhất OECD; và mặc dù vừa trải qua một đợt khủng hoảng tài chính, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này vẫn ở mức rất thấp tại 5,4%.
Theo Lê Phương – Báo Doanh Nhân Sài Gòn Online / BizLive
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.