Trước khi bước chân vào một thế giới mới – thế giới việc làm, có một số việc bạn cần chuẩn bị để có một khởi đầu tốt.
1. Có thái độ đúng đắn với công việc
Trên thực tế, một thái độ làm việc tốt đôi khi lại được xem trọng hơn kết quả khi bạn còn mới “chân ướt chân ráo” trong môi trường chuyên nghiệp. Chẳng ai muốn làm việc với một kẻ huênh hoang, kiên ngạo dù cho anh ta có giỏi đến mức nào. Hãy cố gắng khiêm nhường và đối xử tốt với mọi người.
2. “Đả thông” tư tưởng
Trừ khi bạn là CEO, còn lại, không cần biết vị trí của bạn là gì và bản mô tả công việc của bạn như thế nào, nhiệm vụ chính của bạn luôn là hỗ trợ sếp của mình, giúp cho cuộc sống của họ dễ thở hơn. Bạn càng sớm nhận ra điều này, công việc của bạn càng dễ đi đúng hướng và trở nên trôi chảy hơn.
3. Không nên quá phụ thuộc vào bản đánh giá công việc
Bản đánh giá hiệu quả công việc không phải lúc nào cũng đúng tuyệt đối. Bất cứ bản đánh giá công việc nào cũng chứa đựng ít nhất một chút ý kiến chủ quan của sếp. Và sếp, như mọi người khác trên đời, chắc chắn không phải lúc nào cũng đúng. Nếu bạn được đánh giá là làm việc rất tốt bởi sếp, chưa chắc bạn đã thực sự tốt, và nếu bạn làm việc kém, chưa chắc bản đánh giá sẽ nói lên điều đó. Bạn nên xem xét những ý kiến mà sếp đưa ra và quyết định xem mình nên giữ vững điều gì và cải thiện điều gì. Dù gì thì bạn mới là người có quyền quyết định mình sẽ phát triển như thế nào chứ không phải sếp bạn.
4. Tập tính cẩn thận đến từng chi tiết
Nếu bạn không phải là người chú ý chi tiết, hãy bắt đầu thay đổi bản thân. Khi làm việc trong tập thể, chẳng ai muốn phải suốt ngày nhắc nhở người khác: “Anh xem lại bản báo cáo của anh đi, vẫn còn thiếu dữ liệu đấy.” Việc chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt giúp bạn không bỏ sót bất cứ điều gì, và những công việc bạn hoàn thành đều chỉn chu. Điều này giúp bạn xây dựng được lòng tin ở đồng nghiệp
5. Thái độ tích cực
Hãy luôn có thái độ tích cực nơi công sở, dù cho bạn cảm thấy rất bất bình về một vấn đề nào đó. Không ai muốn ngày nào cũng bước vào một môi trường làm việc như chiến trường, lại càng không muốn dính vào những cuộc tranh cãi “nảy lửa” với đồng nghiệp trong khi cả hai hoàn toàn có thể trao đổi một cách bình tĩnh và kiềm chế hơn để tìm ra một giải pháp chung.
6. Đặt sự yêu thích công việc lên hàng đầu
Cho dù bạn được trả lương cao ngất ngưởng so với những người mới đi làm khác, nếu thấy công việc bạn đang làm thật chán chường từ ngày này qua ngày khác, hãy cân nhắc nhảy việc. Thời điểm đầu trong sự nghiệp là lúc bạn nên tìm thấy một công việc mình yêu thích chứ không phải lúc đặt lương bổng lên hàng đầu. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ kĩ khi chán công việc: có một số việc lặt vặt trong công ty bạn không muốn nhưng vẫn phải làm, đó là tình trạng chung cho tất cả mọi người. Chỉ khi bạn cảm thấy không còn muốn làm bất cứ thứ gì trong công ty, đó mới là lúc cần thay đổi môi trường và công việc.
7. Sẵn sàng làm bất cứ điều gì được yêu cầu
Là một người mới, bạn phải chấp nhận điều này. Đến khi bạn lên tới một vị trí cao cấp hơn, bạn sẽ có quyền lựa chọn làm những gì bạn muốn.
8. Phù hợp với văn hóa nơi làm việc
Văn hóa công sở đóng một vai trò rất quan trọng trong việc quyết định khả năng gắn bó của bạn với công việc. Hãy chọn một môi trường có những nét văn hóa thích hợp với bạn, nơi bạn thích làm việc. Còn nếu bạn không bao giờ chấp nhận làm việc theo cách của người khác, hãy tự mở công ty riêng.
9. Nói lên suy nghĩ
Nếu bạn không thẳng thắn trình bày những nhu cầu, ý muốn của bạn trong công việc, đồng nghiệp và sếp của bạn sẽ chẳng bao giờ biết. Bằng cách im lặng và chấp nhận làm tất cả mọi thứ được yêu cầu, vô hình chung bạn tạo cho họ một suy nghĩ: bạn sẵn sàng làm mọi thứ họ muốn mà chẳng hề có chính kiến.
Tuy nhiên, bạn cũng nên tỏ thái độ lịch sự, tôn trọng khi trình bày ý kiến của mình.
10. Đừng ngại trải nghiệm
Bạn sẽ chẳng thể biết mình muốn làm gì trong suốt quãng đời còn lại chỉ với công việc đầu tiên. Bạn nên thử tất cả mọi lĩnh vực và tìm ra điều mà mình thực sự thích. Càng trải nghiệm nhiều, quyết định bạn đưa ra càng chuẩn xác
– HR Insider –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.