Làm doanh nhân hay làm quản lý?
Từ kinh nghiêm thương trường hàng chục năm, Richard Branson khẳng định không có thứ gì giống như những ngày đầu điên cuồng của một công ty khởi nghiệp tham vọng. Nó đầy nhiệt huyết và đầy rủi ro; trải nghiệm chung tạo nên tinh thần đồng đội và tình bạn to lớn, thứ sẽ giúp người của bạn vượt qua một vài thời điểm thử thách nhất của công ty. Đội của bạn sẽ hiếm có lúc nào làm việc chăm chỉ hơn lúc này.
Giai đoạn khởi đầu cũng là khoảng thời gian lý tưởng để quyết định xem bạn có phù hợp với vị trí CEO hay không. Mặc dù các doanh nhân đều có động lực để bắt đầu một thứ gì đó và thường tạo ra cơ hội ở nơi không có cơ hội, nhưng không phải tất cả đều giỏi điều hành doanh nghiệp. Việc nhận ra các điểm yếu của mình rất quan trọng đối với tương lai công ty.
Khi doanh nghiệp của bạn phát triển, gần như chắc chắn sẽ khó giữ được sự hứng khởi của những ngày đầu. Khi đó, việc khiến cho nhân viên vẫn duy trì được động lực tùy thuộc vào bạn và đội của bạn.
“Đây là lúc bạn sẽ phải ra quyết định về vai trò đúng đắn nhất của mình: Doanh nhân hay quản lý?”, tỷ phú này chia sẻ.
Nếu muốn tiếp tục là CEO, bạn phải nắm tường tận mọi khía cạnh của công ty.
Không có con đường tắt – để làm tốt việc này, cần sự kiên nhẫn và chăm chỉ. Richard Branson chia sẻ từ chính tấm gương của Brett Godfrey đảm nhiệm vị trí CEO của Virgin Blue (giờ là Virgin Australia), ông buộc mọi quản lý cấp cao phải học hỏi mọi công việc của hãng, kể cả việc chất hành lý lên máy bay.
Hay như Neil Berkett lấy đi một vài người tài năng nhất của ông ở Virgin Media trong một tuần để chất lên họ mọi việc trong doanh nghiệp và đặt ra cho họ một thử thách để vượt qua.
Điều này sẽ giúp bạn trao quyền một cách phù hợp khi doanh nghiệp có quy mô lớn hơn. Khi có người đến gặp bạn để nhờ hỗ trợ giải quyết vấn đề, bạn sẽ có thể đưa ra lời khuyên thực tế dựa trên kiến thức tự bạn thu thập được về cách hoạt động của doanh nghiệp.
Làm một người lãnh đạo không hề dễ
Ngoài ra theo Richard Branson, làm CEO bạn cũng phải ký mọi tờ séc và kiểm tra mọi hóa đơn ít nhất sáu tuần một lần; bạn sẽ sớm biết được tiền đổ về đâu, nó di chuyển theo đường nào trong tổ chức và được dùng vào mục đích gì.
Khi quen với tình hình tài chính hằng ngày của công ty, bạn sẽ tự hỏi: “Tấm séc này dùng cho khoản điên rồ nào vậy?” Bạn có khả năng cắt giảm mạnh những khoản chi không cần thiết. Tại Tập đoàn Virgin, ông liên tục làm việc này trong nhiều năm, ký mọi tấm séc chi ra sáu tuần một lần và buộc các giám đốc điều hành cũng làm như vậy.
Quan trọng nhất là một quản lý phải biết các phương pháp tâm lý sâu sắc để điều hành tốt một nhóm lớn gồm đa dạng các thành viên và đảm đương được những áp lực của một doanh nghiệp mới đi vào hoạt động và đang trên đà phát triển.
Hãy dùng giai đoạn khởi đầu để đo lường điểm yếu và điểm mạnh của bạn với tư cách một nhà lãnh đạo; hãy đề nghị những cố vấn tốt nhất của bạn đánh giá trung thực về khả năng của bạn. Hãy xem xét cách bạn truyền cảm hứng và tạo động lực cho các cá nhân khác hợp tác với nhau và hoàn thành công việc.
Cần một sự rộng lượng nhất định để đánh giá công bằng các phẩm chất và giới hạn của mọi người, từ đó tin tưởng giao cho họ các trách nhiệm. Sự lạc quan, cởi mở đối với các khả năng và sự tự tin là những phẩm chất của một nhà quản lý giỏi. Một số người có nhiều các phẩm chất này hơn những người khác – còn bạn thì sao?
“Bạn có phải là người giúp mọi người thể hiện được những điểm tốt nhất trong họ không? Các nhà quản lý vĩ đại hiếm khi chỉ trích các thành viên trong đội của họ”, nhà sáng lập tập đoàn Virgin đặt câu hỏi.
Cũng giống như cây cối cần nước, con người cần sự khích lệ để có thể phát triển và thăng hoa. Một nhân viên mắc một sai lầm kinh khủng hiếm khi cần ai chỉ ra rằng họ đã sai, vì vậy với tư cách một nhà quản lý, bạn nên tập trung giúp anh ta học hỏi từ sai lầm và khôi phục lại sự tự tin của mình.
Bạn có dám thừa nhận sai lầm của mình?
Đó là câu hỏi tiếp theo Richard Branson dành cho ai có ý định làm CEO. Bạn sẽ cảm thấy kinh ngạc khi biết mọi người đánh giá cao phẩm chất này ở người giám sát của họ như thế nào, và họ có thể học hỏi từ kinh nghiệm của người quản lý ra sao. Khả năng nhận ra sai lầm của bản thân và thảo luận chúng rất quan trọng và cần sự dũng cảm.
Nếu bạn thăng chức cho ai đó và người này không làm tốt, bạn nên thảo luận vấn đề với nhân viên đó, thừa nhận sai lầm của mình, đưa họ trở lại vị trí cũ và theo dõi trong giai đoạn chuyển tiếp – một cuộc nói chuyện khó khăn và một tình huống mà không phải ai cũng được trang bị để giải quyết.
Quản lý cũng tức là truyền đạt rõ ràng; giải thích tại sao một quyết định lại được đưa ra hay công ty đang đi theo hướng nào. Khả năng truyền đạt của bạn phải có uy quyền nhưng không được mang tính hăm dọa hay khoa trương, thể hiện một tầm nhìn đơn giản về những điều cần phải đạt được. Cùng lúc đó, các quản lý giỏi nên liên tục đặt câu hỏi về cách mọi người thực hiện công việc và khuyến khích nhân viên làm điều tương tự – qua đó bảo đảm họ luôn sẵn sàng thích nghi với các tình huống hay thay đổi.
Dù một nhân tài thiên bẩm cho vị trí CEO thực sự là một tài sản đáng giá, nhưng nhiều kỹ năng lãnh đạo cũng có thể học được. Nếu có những điểm bạn cần cải thiện, hãy tự hỏi có người bạn hay đồng nghiệp nào là một lãnh đạo mà bạn có thể học hỏi không, sau đó nói chuyện thẳng thắn với người đó về mong muốn cải thiện của bạn. Trải nghiệm học hỏi này có thể sẽ vô cùng hữu ích cho cả hai.
Vào cuối quá trình này, nếu bạn và các cố vấn đồng ý rằng bạn phù hợp với vai trò này thì bạn có thể quyết định tiếp tục nắm giữ vai trò CEO và giúp doanh nghiệp phát triển. Nếu thay vào đó, bạn làm tốt cương vị doanh nhân hơn, bạn cần tìm một nhà quản lý cao cấp phù hợp để thay bạn điều hành doanh nghiệp. Hãy tìm một người sở hữu các phẩm chất trên, và khi tìm ra người đó, hãy trao cho họ một lượng cổ phần thích hợp trong doanh nghiệp.
Thảo Nguyên/Theo Trí Thức Trẻ
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.