Làm thêm giờ – được hiểu nôm na là “bạn chưa làm xong việc và cần thêm thời gian để xử lý mớ công việc đó”. Nhưng liệu “mớ công việc đó” vượt khỏi 8 tiếng/ ngày là do bạn làm chưa tốt hay do bạn đang bị bóc lột?
Đừng để “bóc lột” đội lốt “cống hiến”
Đi làm, chuyện gặp phải một vị sếp luôn ra rả rằng: “Đừng tính toán hơn thiệt khi ở lại công ty sau 7h30 hay hãy đem việc về nhà giải quyết, nhất là các bạn trẻ, những đóng góp ấy sẽ được bù đắp sau, không lo thiệt thòi” đã là điều không còn mới lạ. Tại sao cứ phải ở lại công ty trễ hay đem việc về nhà làm bù đầu bù tóc mới là cống hiến? Và có phải lúc nào những đóng góp của bạn cũng được ghi nhận một cách xứng đáng không?
Thực tế không đơn giản như vậy. Việc tăng ca thường xuyên hay luôn luôn mang việc về nhà sẽ khiến bạn bị lép vế và thua thiệt hơn rất nhiều trên con đường sự nghiệp, đặc biệt là khi bạn còn trẻ. Một phần vì khoảng thời gian đáng ra phải dành cho gia đình, kết nối các mối quan hệ xã hội hay trau dồi kiến thức, bạn chỉ dùng để xử lý một công việc nhất định. Một phần nữa là sức khỏe mà bạn phải đánh đổi khi tăng ca vô tội vạ. Và hơn hết chính là tiếng nói trong công ty khi bạn luôn luôn là người ra trễ và không hoàn thành công việc đúng giờ.
Chính những khoảnh khắc ấy, vô tình khiến bạn bị đánh giá là người thiếu năng lực thay vì là người hy sinh lợi ích cá nhân vì công ty. Vì nguyên tắc bất dịch trong cuộc đời đi làm chính là: “Khi bạn làm điều gì đó quá nhiều lần, người ta sẽ mặc định đó là điều hiển nhiên.”
Đừng là nạn nhân “bị bóc lột” – Hãy là “người cống hiến”
Thứ nhất, tăng ca hay không, phải do bạn quyết định.
Nếu bạn yêu công việc của mình và sẵn sàng đánh đổi thời gian cá nhân để xử lý công việc thì chuyện sẽ không có gì đáng nói. Hoặc nếu bạn làm thêm giờ, đóng góp của bạn được công ty ghi nhận bằng một hành động cụ thể như tính lương tăng ca, thì điều này cũng không có gì đáng nói. Nhưng nếu bạn bị buộc phải làm thêm giờ, ôm đồm nhiều việc vượt quá hạn mức được đề cập trong bảng mô tả công việc trong một thời gian dài nhưng lại không được ghi nhận một cách thiết thực thì có nghĩa là bạn đang bị bóc lột!
Hãy nhớ rằng, tăng ca là thời gian được dùng cho những trường hợp công việc phát sinh đột xuất trong giai đoạn ngắn hạn, không phải để giải quyết lượng công việc ngất ngưởng quá sức mỗi ngày. Bên cạnh đó, quyết định tăng ca hay không, phải do bạn làm chủ. Nếu bạn không thoải mái với việc tăng ca, bạn hoàn toàn có thể từ chối. Điều này cũng đã được quy định cụ thể trong Luật Lao Động.
Thứ hai, đừng để người khác được đánh đồng nỗ lực của bạn.
Nỗi sợ khi bị cấp trên, đồng nghiệp đánh giá là thiếu nỗ lực trong công việc khi không tăng ca khiến chúng ta hiếm khi từ chối và thường chấp nhận việc tăng ca theo chỉ định của cấp trên. Nhưng thực tế cho thấy, dù có tăng ca nhiều đến thế nào cũng không thể giúp bạn trở thành một nhân viên xuất sắc được.
Nỗ lực của bạn phải được đánh giá bởi thái độ nghiêm túc trong giờ làm việc hành chính và hiệu quả đem lại. Không ai có thể đánh đồng nỗ lực trong công việc của bạn bằng những giờ làm thêm. Và nếu bạn là người có năng lực, bạn hoàn toàn có thể xử lý tốt lượng công việc phù hợp trong giờ làm, chứ không phải kéo qua khoảng thời gian khác. Vì thế, đừng để những lời nói ra vào phiến diện của đồng nghiệp hay cấp trên mà thay đổi cách làm việc của bản thân.
Thứ ba, cần biết rõ khi nào nên tăng ca.
Tăng ca không nhất thiết phải có lương trợ cấp. Tăng ca cũng không nhất thiết chỉ khi có công việc đột xuất. Tăng ca có thể vì bạn muốn ở lại công ty, hoàn thành công việc một cách tốt nhất hoặc nghiên cứu để cải thiện công việc, dự án trong hiện tại. Việc nỗ lực hoàn thiện công việc đúng cách sẽ khiến bạn trở thành “người cống hiến” với công ty. Và chắc chắn rằng, không một nhà lãnh đạo tài năng nào nỡ bạc đãi một nhân viên có tuyệt vời như vậy.
>>Xem thêm: Tăng ca quá đà – sát nhân “vô hình” chốn công sở
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.