THẢ GA HỌC E-LEARNING MIỄN PHÍ
Thôi việc cũng giống như bạn dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đầy may rủi. Cuộc phiêu lưu này chẳng biết sẽ dẫn bạn đến đâu, có khi là một môi trường mới với nhiều cơ hội nhưng cũng có khi là lý do để bạn dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nữa. Những lúc thế này, quyết tâm nghỉ việc của bạn sẽ bị lung lay bởi tính ổn định bởi công việc hiện tại mang lại; và nó sẽ càng lung lay hơn khi bạn nhận được những lời hứa hẹn từ sếp. Những lúc thế này, bạn cần một cái đầu tỉnh táo, suy nghĩ cẩn thận để không bị đánh lừa bởi cám dỗ trước mắt.
Hãy tự hỏi mình tại sao lại muốn rời đi?
Khi rơi vào tình huống “đi không nỡ ở không xong” thế này, hãy nhớ lại lý do khiến bạn đưa ra quyết định nghỉ việc. Bởi chỉ có bản thân bạn mới hiểu rõ mình muốn gì và tìm ra lối đi phù hợp nhất.
Bạn nghỉ việc vì công việc không phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp, vì bị đồng nghiệp chèn ép, mâu thuẫn với cấp trên hay mức lương và phúc lợi bạn nhận được từ công ty không xứng đáng?… Hãy suy nghĩ cặn kẽ và ghi lại những nguyên nhân đó cũng như ưu và nhược điểm của việc ở lại. Sau đó, xem xét về việc liệu bạn ở lại thì những vấn đề có thể được giải quyết triệt để hay không. Nếu chỉ vì mức lương được tăng mà vội vàng quyết định, có thể bạn sẽ nhanh chóng hối hận vì đã không dứt áo ra đi sớm hơn.
Liệu bạn sẽ gặp rất nhiều vấn đề khi đồng ý ở lại?
Khi đã nộp đơn xin thôi việc nhưng quyết định ở lại, bạn sẽ phải đối mặt với những vấn đề như: Sự dèm pha của đồng nghiệp, đánh mất sự tín nhiệm trong lòng mọi người, những mối quan hệ trong công ty có thể sẽ tệ hơn, bị đánh giá là vụ lợi… Những điều này chắc hẳn là trở ngại lớn và bạn phải đối mặt trong thời gian dài hoặc có khi là “giai thoại” xuất hiện xuyên suốt trong các cuộc tán gẫu khi có ai đó xin nghỉ việc.
Tuy nhiên, bạn cần phải hiểu rõ, nếu như nguyên nhân nghỉ việc đã được cấp trên hứa hẹn giải quyết tuyệt đối và bạn không còn bất kỳ vướng bận nào, bạn có thể ở lại mà không cần chú ý đến những lời nói tiêu cực đó. Vì những lời nói cố tình gây tổn thương đến bạn không giúp bạn có thêm thu nhập hay tăng kỹ năng chuyên môn nào cả. Hoặc giả, bạn không tin tưởng vào kết quả tốt đẹp nếu bạn ở lại, hãy rời đi và tìm môi trường khiến bạn gắn bó lâu dài. Đừng bao giờ suy nghĩ bản thân sẽ có lỗi khi ra đi trong hoàn cảnh này hay tự dày vò rằng mình là một người nhẫn tâm trước sự chân thành của sếp. Bởi sự do dự và mủi lòng nhất thời của bạn có thể là liều thuốc kìm hãm sự phát triển của chính bạn.
Ra đi hay ở lại, phụ thuộc vào mục tiêu của bạn
Việc cấp trên đưa ra đề nghị tăng lương và ngỏ ý níu giữ bạn ở lại phần nào cũng chứng tỏ được năng lực của bạn đã được công nhận và được đánh giá cao. Nhưng cũng đừng vì thế mà vội vàng quyết định, điều bạn cần làm trước mắt là xác định đâu mới thực sự là điều bạn muốn. Dù đôi khi, bạn sẽ không tránh được cảm giác luyến tiếc khi chọn 1 trong 2, nhưng hãy tự tin và tự hào vào quyết định của mình vì bạn đang làm những điều tốt nhất cho bản thân.
Dù là môi trường làm việc nào đi nữa, dù tốt đến đâu cũng có vô vàn những khó khăn và thử thách. Việc cần thiết nhất vẫn luôn là xác định mục tiêu tương lai rõ ràng để bạn đưa ra quyết định cho chính mình. Nên hãy thật tỉnh táo và kỹ lưỡng trước quyết định ra đi hay ở lại nhé!
>>Xem thêm: Có dại khờ không khi chưa tìm được việc mới đã vội vã nghỉ việc?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.