Rất khó để có thể để xác định rõ ràng những mối quan hệ nơi công sở. Tất nhiên, tiếp xúc thường xuyên và chia sẻ những khó khăn trong công việc có thể gắn kết và biết những đồng nghiệp thành những người bạn thân thiết. Tuy nhiên, những mối quan hệ bạn bè vượt cấp trong công sở lại có khả năng gây ra những vấn đề nội bộ khó lường.
Một bạn đọc của HR Insider chia sẻ về vấn đề của mình như sau:
Đồng nghiệp và sếp của tôi đã làm bạn với nhau được 8 năm. Họ ăn trưa cùng nhau, đi đến các sự kiện xã hội cùng nhau, và tám chuyện điện thoại tất cả những cuối tuần. Tôi là người làm việc ăn hoa hồng. Cô ấy cướp mất khách hàng tiềm năng của tôi, và bây giờ tôi đang gặp phải rắc rối khi không đạt chỉ tiêu đề ra. Cô ấy từng làm cùng công việc với tôi, nhưng bây giờ cô ấy làm một công việc khác không yêu cầu bán hàng. Sự việc này đã diễn ra được 6 tháng. Tôi hiện tại đang rất bế tắc và cảm thấy như điều này đang đe dọa đến sự nghiệp của mình. Tôi muốn bảo vệ sự nghiệp của mình, nhưng lại không biết phải giải quyết như thế nào bởi họ là bạn của nhau. Tôi không muốn xảy ra xung đột. Đồng nghiệp của tôi thì lại ra sức đẩy tôi ra khỏi vị trí của mình, còn sếp thì lại luôn đứng về phía cô ấy. Tôi đã rất cố gắng nhưng giờ đây tôi bắt đầu cảm thấy như mình đã bị đánh bại. Tôi rất yêu công việc của mình và không muốn phải rời đi. Tôi nên làm gì?
Bạn sẽ làm gì nếu bạn ở trong trường hợp tương tự?
1. Nói chuyện trực tiếp với sếp
Đầu tiên, hãy cẩn thận rằng bạn không nói gì xúc phạm đến người đồng nghiệp – bạn thân của sếp, nhưng vẫn phải nêu lên được vấn đề. Bạn có thể thử như sau: “Tôi hiện có một số lo ngại vì cô A có một thói quen rất tập trung cho các nhiệm vụ, như bán hàng, nhưng đó lại là trách nhiệm của tôi. Điều này gây cho tôi khó khăn khi không đạt được chỉ tiêu của mình và cũng gây ra một số căng thẳng trong văn phòng. Ông/Bà có thể cho biết rõ ràng về nhiệm vụ của mình để tôi có thể nắm rõ hơn về việc mà tôi phải làm hay không? Tôi nên làm gì khi cô A đang tiếp quản khách hàng tiềm năng mà tôi tìm được?”
Hành động này của bạn giúp người sếp nhìn nhận về vấn đề mà bạn không cần phải buộc tội người đồng nghiệp . Tập trung vào câu hỏi “Tôi nên làm gì?” thay vì đi phân trần đúng sai.
2. Nói chuyện với sếp của sếp
Nếu vấn đề trở nên nghiêm trọng, bạn cần phải tìm một người có vị trí cao hơn để giải quyết. Trừ khi sếp của bạn là chủ sở hữu doanh nghiệp nơi bạn đang làm việc, phải có một người sếp cao hơn. Thông thường, những người lãnh đạo cấp cao không muốn dính líu đến những mâu thuẫn thường ngày giữa các nhân viên, nhưng họ nên như vậy trong những trường hợp nghiêm trọng. Một lần nữa, tập trung vào câu hỏi “Tôi nên làm gì?” chứ không phải kể tội người đồng nghiệp, thậm chí là người sếp.
Có hai trường hợp sẽ xảy ra, một là sếp lớn sẽ đồng quan điểm với bạn và giúp bạn giải quyết vấn đề này, hai là sẽ không thèm quan tâm đến những gì bạn đã trình bày. Trường hợp thứ hai là lúc bạn nên “tự thân vận động”.
3. Tự đấu tranh vì mình
Nếu sếp của bạn không thay đổi, và sếp của sếp bạn cũng không muốn can thiệp, vậy bạn phải đương đầu một mình. Đương nhiên, bạn lúc nào cũng có thể tìm một công việc mới, nhưng việc này không phải dễ thực hiện và cũng không phải là lựa chọn tốt nhất. Việc bạn phải làm đó là quyết định xem việc gì bạn nên lờ đi và việc gì bạn cần đấu tranh?
Ví dụ như việc đồng nghiệp và sếp của bạn thì thoải mái đi ăn trưa trong khi bạn phải ngồi tại bàn và gọi điện thoại cho khách hàng? Trường hợp này bạn hãy lờ đi và chỉ cần tập trung hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng nghiệp của bạn cướp mất những khách hàng tiềm năng mà bạn tìm kiếm được? Trong trường hợp này, phải đấu tranh.
Hãy nói chuyện trực tiếp với người đồng nghiệp đó. “A này, danh sách thông tin liên lạc khách hàng là của tôi. Tôi đã lên lịch để liên lạc với từng khách hàng trong danh sách đó và tôi nghĩ bạn không cần phải giúp đâu”. Sau đó, nếu cần, hãy cái đặt mã bảo vệ để không ai có thể truy cập vào tài liệu này.
Trong trường hợp bạn còn xui xẻo hơn thế khi người đồng nghiệp trở nên “nham hiểm”, hãy thẳng thắn với cô ta: “Này A, bạn nói với sếp rằng tôi đồng ý cho chạy chương trình này nhưng tôi không hề làm như vậy. Tôi đã trình cho sếp tài liệu làm bằng chứng chứng minh bạn mới là người làm việc đó. Đừng nói dối về những việc tôi làm.”
Lời lẽ trên nghe có vẻ hơi nặng nề, mang tính chất buộc tội nhưng đôi khi, bạn cũng nên sử dụng những biện pháp cứng rắn để đối phó với những người đồng nghiệp như thế này. Và nên nhớ trong mọi tình huống, hãy luôn giữ thái độ điềm đạm và bình tĩnh.
Tóm lại, để hạn chế xảy ra xung đột ở mức tối thiểu nhất, hãy luôn chăm chỉ làm việc và cư xử hòa nhã với tất cả mọi người. Đừng phàn nàn với sếp về những việc mà “bạn thân” của họ làm, trừ khi nó đi quá giới hạn.
– HR Insider –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.