Vậy làm thế nào để trở thành một người “đồng nghiệp vàng”, những gợi ý sau đây sẽ chuẩn bị cho bạn một nền tảng cơ bản và gần gũi nhất.
Hãy là một phần của tập thể
Có thể nói, để tiến tới thành công, bất kỳ nhân viên tham vọng nào đều vạch rõ những đường đi nước bước cho bản thân. Thông thường, kế hoạch thăng tiến này sẽ chỉ tập trung vào cá nhân, và gạt bỏ các yếu tố liên quan như lợi ích của tập thể, hay lợi ích của các đồng nghiệp. Quyết định này sẽ đặt bạn vào tình huống phải thường xuyên một mình đối mặt với phần còn lại của công ty và khiến mối quan hệ đồng nghiệp trở nên phân hóa sâu sắc. Chẳng ai vui vẻ gì khi phải chia sẻ quyền lợi, nhất là trong một công ty, nơi mà những vị trí “lợi lộc” thường khá hạn chế. Tuy nhiên, việc biết chia sẻ và quan tâm tới người khác sẽ giúp bạn có được lợi thế trong cạnh tranh, có được sự ủng hộ của các đồng nghiệp và ghi điểm trước sếp.
Thêm vào đó, hãy chia sẻ thời gian nghỉ ngơi giữa những giờ làm việc căng thẳng với những người đồng nghiệp. Cùng ra ngoài ăn trưa, uống café hay mua sắm… sẽ khiến mối quan hệ xã hội của bạn với những người đồng nghiệp trở nên gắn bó hơn.
Là một phần của tập thể cũng có nghĩa bạn nên hòa nhập vào diện mạo của tập thể đó. Chọn lựa trang phục nơi công sở quả không là điều đơn giản – đặc biệt khi bạn làm việc trong môi trường phức tạp. Hãy xem lại trang phục của bạn có phù hợp với công việc của bạn, hay có tương đồng với cách ăn mặc chung của những người đồng nghiệp hay không. Nếu không, bạn hãy nhanh chóng thay đổi phong cách ăn mặc của mình.
Xua đuổi “ác cảm” ngay khi có thể
Nhiều trường hợp, dù có cố gắng, bạn vẫn là “cái gai trong mắt” các đồng nghiệp cùng cơ quan. Có thể là do ấn tượng ban đầu, hay do những lời nói vô tình hoặc cách ứng xử không phải phép một lúc nào đó. Việc khắc phục, thay đổi suy nghĩ của những người đồng nghiệp về bạn tỏ ra đặc biệt quan trọng, nếu bạn muốn tự tin vững bước trên con đường sự nghiệp.
Để làm được điều này, trước tiên, bạn cần thẳng thắn thừa nhận lỗi sai. Một thái độ cởi mở khi nhận lỗi không những sẽ giúp bạn bớt “xấu hổ”, mà còn cải thiện được đáng kể tình hình mối quan hệ của bạn.
Để hành động nhận lỗi thực sự có hiệu quả, bạn cũng cần thể hiện thái độ sẵn sàng sửa chữa rắc rối mà bạn đã gây ra. Những cố gắng sửa sai của bạn sẽ dần dần giúp chuyển từ mối quan hệ xấu trở thành mức bình thường. Bởi hầu hết mọi người đều sẵn sàng tha thứ và làm lại từ đầu.
Thêm vào đó, hãy cố gắng đưa quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp đó tiến lên mức tốt hơn bằng cách mời họ đi ăn tối, tặng họ vé xem phim, xem bóng đá hoặc làm những gì mà bạn biết rằng họ sẽ thấy cảm kích.
Theo Thu Hương – Thời Báo Kinh Doanh
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.