Hãy chấp nhận sự thật là một số quản lý không phải là người truyền lửa giỏi. Thay vì động viên chúng ta phấn đấu, họ để chúng ta một mình một cõi, tự phát triển bản thân. Chúng ta phải làm gì khi bị sếp “ngó lơ”? Làm thế nào để chúng ta không đi chệch hướng với mục tiêu nghề nghiệp ban đầu? Liệu tự động viên chính mình có phải là cứu cánh hoàn hảo cho việc phát triển sự nghiệp?
1. Ý kiến chuyên gia
Nhà tâm lý học Heidi Grant Halvorson – tác giả cuốn sách “9 Thói Quen Của Người Thành Đạt” nhận định: “Trong trường hợp này, nhân viên sẽ được quyền kiểm soát nhiều hơn. Chính điều này giúp họ duy trì sự gắn kết trong công việc nhiều hơn họ nghĩ”.
Giáo sư của trường kinh tế EDHEC – Monique Valcour thì cho rằng trong số nhiều nhân tố ảnh hưởng đến động lực cá nhân, yếu tố quan trọng nhất là “cảm giác thành công” khi làm một việc ý nghĩa cho chính mình, cho đồng nghiệp hoặc cho tổ chức và xã hội”. Giáo sư Halvorson cũng nói thêm rằng chỉ cần thay đổi suy nghĩ và thói quen là bạn sẽ có thể làm việc tích cực hơn mà không cần chờ đến tác động từ quản lý.
Dưới đây là những cách giúp bạn “vượt lên chính mình” và phát triển sự nghiệp :
2. Hiểu được lí do khiến bạn gắn kết với công việc này:
Hãy nhớ lại động lực ban đầu giúp bạn chọn công việc này. “Động lực” là sự kết hợp của ba yếu tố: tình yêu công việc; mong muốn được ghi nhận, khen thưởng và cảm giác được làm công việc có ý nghĩa, gắn kết với mọi người. Vậy thì lần cuối cùng bạn cảm nhận được ý nghĩa trong công việc là khi nào? Điều gì đã xảy ra khiến bạn có cảm giác đó?
3. Đặt những mục tiêu cho bản thân
Thực tế, có khá nhiều người đang cảm thấy chán ngấy với khối lượng công việc lặp đi lặp lại mỗi ngày.
Hãy lùi lại một bước và nhìn vào bức tranh tổng quát hơn. Hãy lên kế hoạch đặt ra những mục tiêu phát triển bản thân và phát triển sự nghiệp. Bạn sẽ tìm ra một số mục tiêu có liên quan trực tiếp đến công việc hiện tại nhưng cũng có những mục tiêu phục vụ cho nhu cầu học tập và khám phá các lĩnh vực ngoài công việc mà bạn đang hứng thú.
Halvorson cũng lưu ý rằng đừng nên đặt mục tiêu quá xa vời vì nó sẽ khiến bạn nhanh chóng nản chí và bỏ cuộc. Thay vào đó, hãy chia nhỏ mục tiêu để tận hưởng thành quả trên từng chặng hành trình.
3. Sử dụng kế hoạch “ Nếu – thì”
Sau khi đã xác định được mục tiêu cá nhân, Halvorson khuyên chúng ta nên áp dụng phương pháp lên kế hoạch “Nếu – thì” để bám sát mục tiêu đã đặt ra. Bà cho rằng “chấp nhận thử thách” là một phần của cuộc sống và “chuẩn bị để đương đầu với thử thách” là một kế hoạch dài hơi giúp duy trì động lực cho bản thân. Dùng kế hoạch “ Nếu – thì” để xoay chuyển một vấn đề đang bị trì trệ . Ví dụ: “Nếu chúng ta không có ngân sách cho dự án này, thì tôi sẽ viết lại bảng kế hoạch khác để thuyết phục các nhà đầu tư”. Thông qua việc dự đoán trước những trở ngại, bạn đã tháo dỡ được rất nhiều gánh nặng cho mình.
4. Tự đánh giá năng lực và lắng nghe ý kiến mọi người
Giáo sư Valcour khẳng định : “Lắng nghe nhận xét là một điều cần thiết mặc dù đôi lúc chúng ta không thích nghe”. Nhà tâm lý học Halvorson cũng tin rằng hầu hết các nhà quản lý đều rất sẵn lòng đưa ra những lời nhận xét nếu bạn hỏi. Bạn có thể hỏi ý kiến trực tiếp ví dụ như “Anh nghĩ buổi họp vừa rồi như thế nào? Có điều gì tôi cần cải thiện cho lần họp tới không?” Từ đó bạn sẽ được đánh giá tốt hơn về thể hiện của bạn trong công việc. Hãy hỏi những ai thân thiết hoặc những ai thường đưa ra lời nhận xét đáng tin cậy. Hãy nhìn lại công việc của bạn và tự hỏi những câu mà bạn thường dùng để đánh giá công việc người khác, nhé!
5. Mở rộng mối quan hệ trong và ngoài công ty
Đôi khi bạn cũng cần có sự động viên từ bên ngoài để giúp bạn tự tin khẳng định được vị trí của mình. Hãy tìm những người cố vấn trong công ty để được hướng dẫn. Nếu có thể, hãy thành lập một nhóm nhỏ để trao đổi và cùng nhau phấn đấu. Bạn cũng có thể tìm kiếm và phát triển những mối quan hệ bên ngoài từ LinkedIn, Twitter hoặc các trang mạng xã hội khác. Mạng xã hội không chỉ là một công cụ hiệu quả để gắn kết mà nó còn giúp bạn mở mang kiến thức.
6. Tập trung học hỏi
“Học, học nữa, học mãi”, bạn sẽ mở ra con đường dẫn tới thành công. Sự kiên trì bền bỉ lại có giá trị hơn gấp ngàn lần so với năng lực bẩm sinh. Hãy dám nhận sai, dám thay đổi để làm tốt hơn trong tương lai. Thay đổi tư duy, thái độ là một trong những cách hiệu quả giúp bạn tự tạo động lực cho chính mình để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.
Những nguyên tắc cần nhớ
Nên:
- Xác định rõ động lực cá nhân và mục tiêu nghề nghiệp – đừng trông chờ sếp quyết định giúp bạn
- Tham khảo ý kiến từ đồng nghiệp, người cố vấn
- Mở rộng mối quan hệ để được hỗ trợ thêm
Không nên:
- Đặt mục tiêu quá xa tầm với => hãy chia nhỏ kế hoạch để quản lý, thực hiện và ăn mừng khi bạn đạt được từng mục tiêu.
- Đánh giá thấp bản thân =>hãy tin tưởng vào giá trị công việc bạn đang làm
- Đắm chìm trong sai lầm => điều quan trọng là bài học bạn có được từ đó
– HR Insider –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.