Thông tin này đã khiến họ – những chuyên gia – phải thốt lên ngạc nhiên. Họ nhận ra rằng mình đã được làm việc ở một công ty với điều kiện rất tốt mà không hề có một rủi ro nào. Nhà tuyển dụng nói trên đã có một nhận định rất đúng: Thất bại và hối tiếc không hề làm trật đường ray con đường sự nghiệp; ngược lại, nó còn là động lực thúc đẩy nếu bạn biết cách xoay xở một cách khôn ngoan.
Để tìm ra cách mà mọi người xử lí với những tình huống họ không hề mong muốn, Susan Peppercorn – diễn thuyết viên, hướng dẫn viên về chuyển tiếp nghề nghiệp ở vị trí lãnh đạo – đã phỏng vấn một vài nhà tư vấn, nhà hướng dẫn và các chuyên gia kinh doanh khác. Peppercorn đã hỏi: “Những sự từ chối nào mà bạn đã từng trải qua, nhưng hóa ra đó lại là điều tốt nhất?”
“Thất bại và hối tiếc không hề làm trật đường ray con đường sự nghiệp; ngược lại, nó còn là động lực thúc đẩy nếu bạn biết cách xoay xở một cách khôn ngoan”
Khi nhớ lại những công việc mà họ bị từ chối, những ngôi trường sau đại học không chấp nhận họ, hay những sự thăng tiến không thuộc về họ mà lại cho một ai khác; tất cả mọi người đều đồng ý rằng sau cùng, họ đều trở nên tốt hơn. Khi thất bại, ai mà chẳng thất vọng, nhưng đó lại là cơ hội để họ cố gắng hơn cho lần sau, và thu về được nhiều kiến thức quý giá hơn bao giờ hết.
Một trong những người được phỏng vấn của Peppercorn, một nhà lãnh đạo với lối tư duy sáng tạo – Dorie Clark cho hay, mỗi chương trình tiến sĩ của bà trước kia đều đã từng bị từ chối. “Cuối cùng tôi nhận ra rằng, chính các chi tiết nhỏ nhặt trong bài luận đã khiến tôi không được chấp thuận”, Clark cho biết.
Gina Warner, CEO của Hiệp hội Ngoại khóa Quốc gia, nói với Peppercorn rằng: “Tôi đã không vượt qua kì thi để trở thành luật sư ở lần đầu tiên, nó không có nghĩa là tôi phải chấp nhận phải làm ở vị trí đã được chỉ định ở văn phòng công tố viên. Nó có nghĩa là tôi có thể tham gia tình nguyện cho chiến dịch ở Thượng viện Hoa Kì, và khi ứng cử viên đó chiến thắng, tôi được tuyển dụng để làm việc cho bà. Đó chính là một cơ hội tuyệt vời cho tôi”.
“Khi mọi người xem thất bại như là một sự thiếu hụt cần phải hoàn thiện, thay vì tự đổ lỗi cho chính mình hay người khác; họ sẽ ít có xu hướng buông xuôi hơn và cố gắng để cải thiện bản thân nhiều hơn”
Nhà tư vấn lãnh đạo – Nihar Chhaya, khi còn theo học ngành Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Wharton, đã từng bị từ chối bởi tất cả các công ty tư vấn hàng đầu trong quá trình phỏng vấn xin việc của mình. “Đó là quãng thời gian vô cùng khó khăn đối với tôi”, ông thừa nhận, “Khi bạn học trong một môi trường đầy tính cạnh tranh – nơi mà mọi người đều có những thành tựu của riêng mình, thì bạn sẽ không hề muốn tốt nghiệp mà chưa có một công việc nào; đặc biệt là sau khi bạn đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền của vào chương trình học mà bạn nghĩ là nó sẽ giúp ích nhiều cho mình trong tương lai tới”. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, Chhaya nhận ra rằng mình đã thật sự “thoát chết trong gang tấc”. “Tôi nhanh chóng tiếp thu mọi tinh túy ở vị trí Hội đồng Quản trị Doanh nghiệp, để rồi nhận ra rằng hướng dẫn kĩ năng lãnh đạo và huấn luyện chính là đam mê, và quyết định xây dựng nghề nghiệp của mình từ đó”
Những khoảnh khắc chợt nhận ra như trên đều đem lại nhiều lợi ích cho các chuyên gia ở mọi lĩnh vực. Dưới đây là ba mẹo mang tính chiến lược, giúp bạn phục hồi và phát triển bản thân hơn mỗi khi vuột mất một cơ hội nào đó.
Thấu được nỗi đau tinh thần
“Sự thất bại thường là nguyên do dẫn đến nỗi đau về tinh thần, khiến ta hoài nghi về chính khả năng và giá trị của bản thân mình. Vì thế, chúng ta thường có xu hướng một là tránh nó, hai là giả vờ như không có chuyện gì xảy ra”, tư vấn gia Ron Ashkenas viết trong bài báo “Rejection Is Critical for Success” của mình trên trang HBR. Đừng nên chối bỏ cảm xúc của chính mình! Ai bị từ chối đều cảm thấy tổn thương, và phản ứng tâm lý mà nó tạo ra trong cơ thể và tâm trí bạn thì cũng tương tự như nỗi đau thể chất. Những phản ứng tiêu cực mà thất bại mang lại cho con người đã có nguyên do từ thời xa xưa, khi mà một người bị bộ lạc từ bỏ sẽ phải chịu những đau đớn về thể xác, hay thậm chí là cái chết. Khi thất bại không hề gây tổn thương, tổ tiên của chúng ta có thể đã phải tự mình dấn thân vào hiểm nguy, bằng cách chạy thẳng vào một đàn thú hoang dã, hay xông vào kẻ địch có trang bị vũ khí chẳng hạn. Khi bạn biết làm chủ cảm xúc và xem nó như bình thường, thì nó sẽ giúp bạn khiến cho nỗi đau ấy trôi qua một cách nhanh chóng mà thôi.
Tự hỏi bản thân: “Là do tôi, là do họ, hay là do tất cả chúng ta?”
Khi Chhaya bị từ chối khi còn là một tư vấn viên, phản ứng đầu tiên của ông ấy chính là tìm kiếm một lời giải thích. Tại sao các bạn cùng lớp được tuyển dụng, còn mình thì không? Có phải ông đã làm thiếu, hay làm sai điều gì? Liệu người phỏng vấn chưa nhìn ra được tiềm năng cũng như giá trị mà ông có thể đem lại cho công ty? Sự thật là khi bạn bị vuột mất một cơ hội, nguyên nhân thường nằm ở vấn đề có phù hợp hay không – ví dụ như là giá trị của bạn không khớp với giá trị của bên kia – hơn là việc gì đó mà bạn (hay một ai khác) làm không đúng.
Chhaya cuối cùng cũng nhận ra đam mê thật sự của mình chính là ở lĩnh vực huấn luyện doanh nghiệp. “Tôi nghĩ rằng nếu ngày xưa tôi được chấp nhận, tôi sẽ không có mặt tại vị trí như lúc này đây. Bởi vì nếu không nhờ có điều đó, tôi có thể đã không biết cách thúc đẩy bản thân cho đam mê của mình, hơn là cứ tranh đua với bạn học của tôi về những thứ lẽ ra tôi “phải” làm”, ông cho biết. Vẫn còn một lợi ích nữa cho sự thay đổi trong lối suy nghĩ này, chính là: Nhiều nghiên cứu gần đây cho rằng, khi mọi người xem thất bại như là một sự thiếu hụt cần phải hoàn thiện, thay vì tự đổ lỗi cho chính mình hay người khác; họ sẽ ít có xu hướng buông xuôi hơn và cố gắng để cải thiện bản thân nhiều hơn.
Nắm lấy điểm mạnh của mình
Từ sự từ chối mà Dorie Clark nhận được từ chương trình Tiến sĩ của mình, bà bắt đầu viết lách và tư vấn về các lĩnh vực thuộc thế mạnh của mình. Ngày nay, bà là tác giả của ba cuốn sách bán chạy nhất, là cây bút quý cho các nhà xuất bản danh giá, và sở hữu một công ty tư vấn đầy lớn mạnh. Nhận ra rằng tấm bằng Thạc sĩ không phải là cơ hội duy nhất để thành công, Clark cho qua đi giấc mơ đầu tiên của mình để tiến đến những bước đi tiếp theo trên hành trình, giúp cho tài năng của mình được phát huy một cách tối đa nhất. Nếu bạn cứ mãi nhìn về quá khứ, hay cứ dặm chân tại chỗ, bạn sẽ bỏ lỡ để đến với những cơ hội tươi mới hơn phía trước. Hãy nhớ lại trường hợp của Gina Warner khi quyết định làm tình nguyện ở Thượng viện Hoa Kì thay vì cứ nuối tiếc về kì thi luật sư chẳng hạn. Với nỗ lực luôn tìm tòi và tiến về phía trước sẽ giúp bạn phát triển bản thân hơn, và khám phá thêm được nhiều cơ hội đáng giá khác nữa đấy.
Ông bà ta đã từng nói, “trong cái rủi có cái may” – nhưng với điều kiện từ thất bại, bạn phải biết tiếp tục vươn lên và luôn giữ vững phong độ của mình. Cũng giống như giáo sư Adam Grant ở Wharton từng nói: “Chúng ta là hơn những gì được gạch đầu dòng ghi ra trong lá thư xin việc. Chúng ta tốt hơn những câu chữ được xâu chuỗi lại với nhau dưới cái kính lúp của nhà phỏng vấn. Không ai có quyền từ chối chúng ta. Họ chỉ đang từ chối một phần của những gì ta có thể làm, mà đôi khi chỉ là qua cặp kính chưa rõ của họ mà thôi”.
— HR Insider / Theo hbrascend —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.