Bạn cảm thấy khó chịu khi môi trường làm việc tồn tại những đồng nghiệp đáng ghét? Bạn cảm thấy họ thật khó gần? Quả thật, công sở là nơi có đến 1001 câu chuyện giữa các đồng nghiệp với nhau. Thế nhưng, tranh cãi mãi với đồng nghiệp cũng không phải là điều nên làm. Hãy tìm hướng giải quyết vấn đề giữa bạn với đồng nghiệp qua 4 cách dưới đây.
1/ Tìm kiếm nguyên nhân là bước đầu để giải quyết vấn đề
Ông bà ta có câu “Không có lửa làm sao có khói?”. Mọi chuyện xảy ra ắt có nguyên nhân của nó. Cách giải quyết triệt để nhất mọi vấn đề chính là tìm ra nguyên nhân, ngọn nguồn của nó.
Thông thường giữa các đồng nghiệp với nhau sẽ có 3 lý do cơ bản dẫn đến “không hợp cạ” là:
- Thái độ làm việc (làm việc thiếu tập trung, thiếu kỹ năng làm việc nhóm, để đồng nghiệp gánh việc giúp bạn…)
- Cách nói chuyện và cư xử. Có những trường hợp bạn vô tình nói ra lời không hay và bạn nghĩ rằng nó không là vấn đề, nhưng với đồng nghiệp thì không như thế.
- Chuyện tiền lương. Bạn nên hạn chế việc nói tiền lương của mình cho đồng nghiệp biết.
Ngoài những lý do trên, vẫn còn có rất nhiều những lý do khác khiến tình cảm đồng nghiệp bị rạn nứt. Bạn nên rà soát lại xem mình đã phạm phải những sai lầm nào khiến cho đồng nghiệp cảm thấy khó chịu. Từ đó, mới có thể thay đổi và giải quyết vấn đề hiệu quả.
2/ Lựa chọn giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề
Sau khi đã tìm ra nguyên nhân, bạn sẽ bắt tay vào cân nhắc lựa chọn cách giải quyết vấn đề tối ưu nhất.
Cụ thể, trong 3 nguyên nhân trên sẽ có các cách giải quyết tương ứng:
- Nếu bạn đang có thái độ làm việc như được đề cập ở trên thì hãy thay đổi ngay từ bây giờ. Đừng để tình trạng làm việc thiếu trách nhiệm kéo dài. Hãy tập đi làm đúng giờ, hoàn thành việc đúng thời hạn. Khi làm việc nhóm đừng ỷ lại vào người khác mà hãy đóng góp công sức của mình chung với tập thể,…
- Bạn đã từng nghe câu “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra” chưa? Vì thế, hãy cẩn trọng lời nói của bản thân. Dù có thân mấy đi chăng nữa cũng nên suy nghĩ thật kỹ rồi hẵng nói. Chớ quên nguyên tắc “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” của ông bà ta.
- Đôi khi sự chênh lệch mức lương giữa bạn và đồng nghiệp cũng gây ra tình trạng sứt mẻ tình cảm. Thế nên, cách tốt nhất là đừng nói cho họ biết về chuyện lương. Nếu được hỏi thì hãy trả lời khéo hoặc lãng sang một chuyện khác.
Hãy chọn cho mình những giải pháp tối ưu nhất để có thể xoa dịu mối quan hệ đồng nghiệp. Đừng để căng thẳng bị đẩy lên đỉnh điểm khi cả hai vẫn còn làm chung dưới 1 công ty.
3/ Kỹ năng giao tiếp giúp bạn giải quyết vấn đề
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng quan trọng mà bạn cần phải rèn luyện và trau dồi mỗi ngày. Một trong những nguyên tắc quan trọng để rèn luyện kỹ năng giao tiếp bao gồm:
- Chú ý quan sát: Quan sát đồng nghiệp và chú ý những lời nói, hành động của họ để có thể đánh giá được phần nào con người và cách ứng xử của họ. Từ đó mới có thể đưa ra cách giao tiếp phù hợp.
- Học cách lắng nghe: Lắng nghe là bí quyết để thành công trong mọi cuộc giao tiếp. “Khi ta lắng nghe, ta được nhiều hơn mất”. Chỉ khi bạn lắng nghe bạn mới biết được đối phương cần gì, nói gì để cuộc giao tiếp có kết quả tốt đẹp.
- Sử dụng ngôn ngữ cơ thể: Ngôn ngữ cơ thể là một trong những vũ khí lợi hại để bạn có thể giao tiếp tốt với đồng nghiệp. Cụ thể, bạn có thể sử dụng ánh mắt, hành động gật đầu, lắc đầu, mỉm cười,…Điều này sẽ giúp đồng nghiệp cảm thấy bạn thật sự đang lắng nghe và tôn trọng họ.
- Lựa chọn từ ngữ phù hợp: Cân nhắc những gì cần nói là yếu tố quan trọng nếu bạn muốn đồng nghiệp của mình không bị tổn thương hoặc tức giận.
4/ Hãy giúp đỡ đồng nghiệp
Giúp đỡ đồng nghiệp là phương pháp hiệu quả nhất để “giữ lửa” cho tình cảm đồng nghiệp thêm gắn bó. Trong nhiều trường hợp, có những vấn đề khi đi làm bạn không thể tự mình giải quyết và cần có sự giúp đỡ từ ai đó. Lúc này, chính là thời điểm thích hợp để bạn “ra tay tương trợ” để thể hiện tình đồng đội gắn kết.
Tuy nhiên, sự giúp đỡ này cần được cân nhắc kỹ càng. Bạn chỉ nên giúp khi họ thật sự cần đến bạn, đừng ôm đồm quá nhiều thứ rồi khiến bản thân thêm mệt mỏi. Phải xem xét tình huống kỹ càng: giúp việc gì, tại sao phải giúp, giúp như thế nào, bạn có thể làm gì để giúp…
4 bước cơ bản trong bài viết sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề với đồng nghiệp, trả lại môi trường làm việc lý tưởng với những đồng nghiệp thân thương. Chúc bạn và đồng nghiệp sẽ trở nên hòa thuận và gắn kết hơn trong tương lai.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.