Ngoài các vấn đề tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp ra, bảo hiểm y tế (BHYT) cũng là một trong những thông tin mà người lao động cần nắm rõ. Khi đóng BHYT, người lao động được hưởng những quyền lợi gì và mức đóng sẽ là bao nhiêu cho từng đối tượng lao động? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
1/ Ai là người phải mua bảo hiểm y tế?
Căn cứ vào Nghị định 146/2018/NĐ-CP, gồm có 06 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế là:
Nhóm 1: Người lao động và sử dụng lao động
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.”
Nhóm 2: Đối tượng do cơ quan bảo hiểm xã hội đóng
Nhóm này bao gồm các đối tượng:
- Những người được hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng
- Những người được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ
- Những người được nghỉ việc có trợ cấp vì mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày cho Bộ Y tế ban hành
- Ngoài ra còn có một số đối tượng khác: những cán bộ xã, phường, thị trấn được hưởng trợ cấp, người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản, người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Nhóm 3: Nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng
Nhóm 4: Nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng
Nhóm 5: Nhóm đối tượng được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhóm 6: Nhóm những người sử dụng lao động
2/ Mức đóng bảo hiểm y tế khi làm việc tại các công ty theo quy định pháp luật
Căn cứ theo Khoản 1 Điều 7 trong Nghị định 146/2018/NĐ-CP
Điều 7. Mức đóng và trách nhiệm đóng BHYT
“1. Mức đóng bảo hiểm y tế hằng tháng của các đối tượng được quy định như sau:
- a) Bằng 4,5% tiền lương tháng của người lao động đối với đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này.”
Thêm vào đó, ở Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH về trách nhiệm đóng BHYT có quy định:
- Đối tượng tại Điểm 1.1, 1.2, Khoản 1 Điều 17: mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng, trong đó người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc quy định tại Điều 6.”
Như vậy, đối tượng thuộc nhóm 1 ở phần trên sẽ phải đóng 4.5% tiền lương trong một tháng. Trong đó, người sử dụng lao động sẽ phải đóng 3%, còn lại 1,5% sẽ do người lao động đóng.
Bên cạnh đó, đối với người lao động được nghỉ việc để hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong 1 tháng theo đúng quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì sẽ không phải đóng tiền BHYT nhưng vẫn nhận được quyền lợi từ BHYT.
3/ Một số lưu ý mà người lao động nên biết về BHYT
- Người lao động nếu đi lao động ở nước ngoài không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh, thì thời gian tham gia bảo hiểm y tế trước khi đi lao động sẽ được tính là thời gian đã tham gia BHYT.
- Đối với người lao động đang trong thời gian làm thủ tục để chờ hưởng bảo hiểm hiểm thất nghiệp theo quy định pháp luật thì thời gian tham gia BHYT trước đó sẽ được tính là thời gian tham gia BHYT.
- Đối với những đối tượng đã tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục trở lên, sẽ được hưởng các quyền lợi như: 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh nếu chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở. Trừ trường hợp khám bệnh trái (không đúng) tuyến.
- Đối với những đối tượng người lao động khám và chữa bệnh đúng tuyến sẽ được giảm 80% chi phí nếu đóng BHYT đủ 5 năm liên tục trở lên.
Với những thông tin cơ bản về bảo hiểm y tế trong bài viết, mong rằng bạn đã có thêm thông tin hữu ích cho bản thân về luật BHYT nước ta. Hãy thường xuyên cập nhật và theo dõi những sửa đổi, bổ sung trong luật BHYT để bảo vệ quyền lợi của mình bạn nhé.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.