Du học quản trị kinh doanh đang là xu hướng của nhiều người Việt trẻ đã đi làm và muốn phát triển nghề nghiệp, nhất là trong vai trò một nhà lãnh đạo. Bên cạnh những đất nước nổi tiếng thế giới về đào tạo MBA như Mỹ, Anh, Đức, Singapore…, Nhật Bản những năm gần đây được nhiều du học sinh chọn lựa vì mức học bổng hấp dẫn đi cùng những trải nghiệm thú vị về văn hóa và các kỹ năng kinh doanh tại “cường quốc kinh tế” này.
Ngọc (23 tuổi) là một trong những sinh viên Việt Nam đạt học bổng toàn phần của trường Đại học Globis (Tokyo), nơi nổi tiếng về các khóa đào tạo quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh tại Nhật Bản. Ngọc chia sẻ: “Người Nhật xem trọng sứ mệnh của mỗi cá nhân với đất nước của họ chứ không đơn thuần là việc bạn sẽ đạt được những thành tựu gì trong sự nghiệp. Câu hỏi về sứ mệnh luôn có giá trị quyết định trong bài luận tôi nộp cho trường lúc đăng ký học, bên cạnh kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia. Tôi nắm được bí quyết này và may mắn nhận được học bổng 100%, dù không hề nộp đơn xin”.
Việt Nam có gần 27.000 du học sinh tại Nhật Bản, xếp thứ hai về số lượng người đi học ở xứ sở mặt trời mọc. Ngọc cho biết, ngoài chất lượng đào tạo, cô quyết định du học ở đất nước này vì yêu mến cảnh đẹp cũng như văn hóa, lối sống và con người Nhật. Những ngày đầu tiên đi học, Ngọc thường bị bạn bè trong lớp trêu vì thói quen “đeo ba lô ngược” mang theo từ Việt Nam. “Tàu điện quá đông nên tôi sợ cảnh chen lấn, móc túi. Nhưng chỉ vài ngày sau, tôi nhận ra nỗi lo của mình rất lạc lõng. Người Nhật có ý thức cao nhờ được giáo dục từ khi còn bé. Kể cả trong trường học, sinh viên cũng được dạy về đạo đức và các kỹ năng mềm trong từng ngành nghề đang theo đuổi”.
Tại ngôi trường mà Ngọc theo học, có một môn học rất mới mẻ và thú vị với cô sinh viên Việt, được đặt tên tiếng Nhật là Keiei Dojo (tạm dịch: đạo kinh doanh). Người Nhật có trà đạo, hoa đạo và cũng sáng tạo nên cả một môn đạo riêng cho giới doanh nhân. Đây là khóa học bắt buộc dành các sinh viên học toàn thời gian lẫn bán thời gian của trường, có nguồn gốc từ ngôi trường tư thục nổi tiếng Shoka-Sonjuku. Keiei Dojo được xem là động lực thúc đẩy Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế từ sau thời kỳ lịch sử mang tên “Minh Trị Phục Hồi”.
Yoishito Hori, Chủ tịch và là người sáng lập trường, đích thân chọn những đề tài liên quan đến quản trị kinh doanh cho sinh viên thảo luận. “Thông qua những buổi thảo luận, sinh viên sẽ tự tìm thấy những hướng đi để trở thành những chủ doanh nghiệp không chỉ giỏi chuyên môn mà còn có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Đó là phần quan trọng trong việc đào tạo ra những người làm chủ thế giới trong tương lai”, ông nói.
Ngọc giải thích thêm: “Đạo này lý giải vì sao các sản phẩm của Nhật ở mọi lĩnh vực luôn có chất lượng tốt nhất châu Á”.
Tinh thần trung thực của người Nhật còn được đề cao qua các tiêu chí sinh viên được cam kết trong ngày khai giảng. Lý Thị Hoan, một sinh viên Việt khác đang theo học ở Đại học Globis với học bổng 50% (khoảng 15.000 USD), hào hứng chia sẻ: “Học phí của các trường MBA ở Nhật rất cao. Nhưng bất cứ lúc bạn cảm thấy học phí mình bỏ ra không xứng đáng với chất lượng đào tạo, trường sẽ hoàn lại 100% số tiền ban đầu”. Theo quan điểm của nhà trường, sinh viên là những doanh nhân tương lai. Họ cần kiến thức và những kỹ năng để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, và không có lý do nào để họ phải “ăn gian” tiền học phí. Tuy nhiên, điều làm nhà trường tự hào là trong hơn 20 năm thành lập, chưa có ghi nhận nào về việc sinh viên đề nghị bỏ học giữa chừng.
Người Nhật nổi tiếng thế giới về lối sống khép kín, trầm lặng và máy móc. Đó cũng là một trong những điểm yếu của sinh viên Nhật so với các sinh viên quốc tế cùng lớp. Ngọc chia sẻ: “Trong những buổi thảo luận nhóm, thuyết trình, sinh viên Nhật có xu hướng ít nói hơn chúng tôi. Các giáo sư, cả người Nhật và Âu, Mỹ đều nhận ra điều này và khuyến khích họ phát biểu nhiều hơn để thay đổi thói quen. Tuy nhiên, sự khiêm tốn, hòa đồng và tinh thần cầu tiến của những người bạn bản địa làm tôi ngưỡng mộ. Tôi học được rất nhiều trong việc thay đổi bản thân và trở thành người truyền cảm hứng cho người khác”.
Tuy nhiên, cũng như tính cách của người Nhật, hệ thống giáo dục trường cô cũng mang tính nguyên tắc và sàng lọc khá khắc nghiệt. Bên cạnh việc điểm danh bằng đồng hồ điện tử, mức xếp loại cuối kỳ của sinh viên được phân bổ theo sĩ số lớp. “Đó là một cuộc cạnh tranh khốc liệt như trên thương trường”, Hoan nói. “Lớp chỉ có 10 sinh viên, 10% điểm A sẽ được học bổng, và 10% điểm F sẽ phải thôi học. Cách sàng lọc này đòi hỏi sinh viên nỗ lực hết sức, vì có thể bạn sẽ người bị loại”.
Những sinh viên đạt điểm cao sẽ nhận được cơ hội để phát triển nghề nghiệp. Ở Nhật, sinh viên các nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam, nhận được nhiều hỗ trợ từ chính sách nhà trường lẫn các thầy cô giảng dạy. Trong quá trình thực tập và sau khi tốt nghiệp, Ngọc và các sinh viên khác được giới thiệu vào các tập đoàn lớn liên kết tuyển dụng với nhà trường như: Aeon, Daiichi, Fujifilm, Kao, Shiseido… Nhà trường kỳ vọng các sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể cống hiến “sứ mệnh” của mình để giúp ích cho xã hội nơi họ sinh ra và lớn lên.
Trường GLOBIS đứng thứ hạng cao về chất lượng giáo dục. Vào năm 2009 và năm 2010, trường đạt thứ hạng đầu trong danh sách “Khảo sát Mức độ Hài lòng về Chương trình Giáo dục Thạc Sỹ Quản Trị Kinh Doanh của sinh viên tại Nhật Bản”, được thực hiện bởi Nikkei Human Resources. GLOBIS hướng tới việc đào tạo và phát triển những nhà lãnh đạo có tầm nhìn để kiến tạo và xây dựng thành công cho xã hội, những người có thể phát triển các mô hình kinh doanh tại Nhật Bản cũng như các quốc gia khác trong khu vực Châu Á nói riêng và Thế Giới nói chung.
Tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển học bổng Đại Học GLOBIS ngay dưới đây:
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.