Dù bạn là ai hay làm gì, việc kiểm soát ngôn ngữ và lời ăn tiếng nói của mình là rất quan trọng. Điều đó góp phần vào việc xây dựng thương hiệu cá nhân của bạn nơi công sở và về lâu dài, ảnh hưởng đến lộ trình thăng tiến của bạn. Vì thế, nếu muốn cấp trên của bạn không khiển trách, hoặc tệ hơn là đánh giá thấp năng lực của bạn, đừng vướng vào 7 lỗi giao tiếp sau đây:
1. Nói trước khi nghĩ
Không phải tự nhiên mà ông bà ta có câu: “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói”. Dù bạn nói bằng ngôn ngữ gì hay dùng các dạng từ như thế nào, cũng nên xác định rõ thông điệp cuối cùng mà bạn muốn truyền tải.
Cái ý đi trước cái chữ. Trước khi nói điều gì, dù có bị đặt trong tình thế cấp bách ra sao, cũng hãy cố gắng giữ bình tĩnh và diễn đạt trong đầu những ý chính mà mình cần nói, trước khi diễn giải chúng bằng ngôn từ để không ai phải hỏi lại bạn rằng: “Vậy, ý mà anh đang nói là gì?”
2. Nói nhiều, nói lan man
Nói nhiều không chỉ khiến bạn hao sức tổn lực, mà còn khiến cho những người xung quanh cũng hao tài tổn thời gian không kém. Việc “chia năm xẻ bảy” vấn đề, hay mở rộng câu chuyện sang những vấn đề “không mấy liên quan”, chẳng mấy chốc sẽ khiến mọi người trong buổi họp chán nản và sớm muộn gì cũng “từ bỏ sớm cuộc chơi”.
Tệ hơn, họ còn đánh giá bạn là một người không có tư duy sắp xếp logic. Giải pháp duy nhất. vẫn chính là hãy chuẩn bị dàn ý nội dung và những thông điệp chính mà bạn muốn truyền tải đến người nghe. Súc tích, cô đọng, dễ hiểu. Bạn chỉ cần làm như thế và họ cũng chỉ cần có như thế.
3. Hội chứng “đơ não”
Tiếp diễn cho lỗi “nói lan man” đó là “cạn ý cạn lời để nói”. Khi bạn nói một từ, não của bạn cũng vừa mất đi 1 đơn vị nhiên liệu. Và khi bạn “xuất ý thành ngôn” một cách vô kiểm soát, chẳng mấy chốc não bạn sẽ “cạn kiệt nhiên liệu” và rơi vào trạng thái “chết máy”. Lúc đó, những gì bản thân có thể làm chỉ là đứng trơ ra trợn mắt nhìn xuống đám đông một cách bần thần.
Giải pháp, một lần nữa, cũng lại đến từ “việc chuẩn bị kỹ lưỡng”. Tốt hơn hết, hãy tập dượt với bạn bè của mình và nhờ họ đánh giá, trước khi để người nghe đánh giá bạn… phía sau lưng và theo một mặt khác không mấy thiện cảm.
4. “Ùm…. Ờ …. À …..”
Một điểm trừ nghiêm trọng, một vết sẹo rất lớn cho người đối diện, đặc biệt khi đó là những cuộc họp quan trọng với đối tác và khách hàng. Việc chèn vào những thán từ “thiếu tự tin” trên góp phần khiến mức độ tin tưởng của người nghe cũng sụt giảm nghiêm trọng. Họ cũng cảm thấy bối rối và sao nhãng khi lời văn diễn đạt của bạn không được suôn sẻ mạch lạc.
Thay vì phải cố gắng chắp vá, hãy ứng dụng bí kíp “im lặng là vàng”. Cố gắng hoàn thành câu nói của bạn, tạm nghỉ vài giây, vừa để chuẩn bị ý và ngữ cho câu tiếp theo, vừa để cho người đối diện có thêm thời gian để lắng lại và thẩm thấu những gì họ nghe được từ bạn.
5. Giận cá chém thớt
Mỗi ngày đi làm có thể là một niềm vui, nhưng đôi lúc niềm vui ấy lại dễ dàng biến thành cơn ác mộng bằng những khoảnh khắc “khó đỡ” khiến bạn muốn tức phát điên lên. Tuy nhiên, dù có khó chịu đến dường nào, cũng đừng mang những cảm xúc tiêu cực của mình áp lên đồng nghiệp xung quanh.
Điều này càng quan trọng hơn khi bạn là cấp trên, trên vạn người, dưới 1 người. Họ sẽ không đánh giá cao 1 người quản lý không biết kiểm soát ngôn từ cảm xúc của chính mình.
6. Làm rối sự thật
Trong môi trường công sở, một là một. Khi tham dự vào những buổi họp, một lời bạn nói ra cần phải chắc như đinh đóng cột. Đừng để bản thân mình rơi vào thế bí, để rồi khi bị người đối diện thách thức thì sự thật của bạn nhanh chóng bị “dặm mắm thêm ít muối” một chút, khác biệt so với những gì ban đầu. Điều đó ảnh hưởng không ít đến cảm xúc và sự tin tưởng của người đối diện bạn.
7. Xem việc giao tiếp hằng ngày không quan trọng giao tiếp công sở
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ: Nếu bạn không ứng khẩu được trong cuộc sống hằng ngày thì làm thế nào bạn có thể hô khẩu nơi công sở? Suy cho cùng, công sở cũng không khác gì mấy một xã hội thu nhỏ, thậm chí còn khắc nghiệt và đầy tính cạnh tranh hơn. Một lời nói ra thì khó mà rút lại. Đặc biệt, đôi khi một phút thiếu cẩn trọng mà bạn có thể dễ dàng mất đi cả một chặng đường sự nghiệp dài ở phía trước.
— HR Insider / Theo fastcompany —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.