Tuy nhiên, khi bạn đã bước qua tuổi 30 – cái tuổi không còn quá trẻ trung và thoải mái để có thể tự do bay nhảy; thì những vướng bận gia đình, những lo sợ khi phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu, những cơ hội mà bạn nghĩ người trẻ sẽ dễ tiếp cận hơn – có làm bạn chùn bước khi quyết định chuyển hướng sự nghiệp của mình?
Hãy cùng HR Insider phân tích hai khía cạnh dưới đây để có thể giúp bạn tự tin hơn cho sự lựa chọn cuối cùng của mình nhé!
Chuyển hướng – Thay đổi để nâng tầm bản thân
Richard Alderson bắt đầu sự nghiệp của mình với công việc cố vấn công nghệ thông tin. Ông nhớ lại: “Tôi đã làm việc ở bộ phận cố vấn cho một tổ chức lớn. Đến một ngày, tôi nhìn sếp của tôi, rồi nhìn đến sếp của sếp của tôi, để rồi nhận ra rằng: Tôi không muốn làm công việc giống như họ nữa”
“Tôi từng đi đến các bữa tiệc và giới thiệu về bản thân mình – rồi cảm thấy thật xấu hổ khi nói về công việc, vì đối với tôi lúc này, công việc dường như không còn nhiều ý nghĩa nữa. Vấn đề không nằm ở công việc hay ở công ty tôi làm. Vấn đề là tôi không còn thấy thích thú với nó nữa”
Sau đó, Alderson chuyển đến làm việc tại một công ty khởi nghiệp đang phát triển trong giai đoạn đầu, và đồng sáng lập một số doanh nghiệp xã hội. Hiện giờ, Alderson đang điều hành Careershifters, một công ty giúp những người đang phân vân về những vấn đề tương tự.
Như bạn thấy đấy, làm một công việc quá lâu có thể làm mất đi cơ hội tiền đồ tương lai của bạn. Thời gian ở một công ty quá dài sẽ khiến cho người khác có cảm giác bạn không muốn phát triển sự nghiệp phía trước của mình nữa. Khi đã đến độ tuổi 30, bạn sẽ nhận ra mình có năng lực và đam mê cho một cái gì đó mới mẻ và thu hút hơn. Hơn hết, khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm cần thiết, đã đến lúc bạn nên chọn một vị trí lý tưởng hơn – cần gì và không cần gì – cho con đường sự nghiệp của mình.
Thay đổi công việc ở tuổi 30 là một bước tiến vô cùng lớn, nhưng với thị trường lao động đầy linh hoạt và sôi nổi như hiện nay, không gì là không thể nếu bạn thật sự đã sẵn sàng và dám đối mặt với những thử thách ở phía trước!
Giữ nguyên – Cơ hội nằm ngay trong tầm tay
Không cần biết bạn đang làm công việc gì với chức vụ ra sao, chắc hẳn bạn đã là “một ai đó” không thể thiếu trong công ty của mình. Đừng vội xem nhẹ tầm quan trọng của nơi mà bạn đã rất gắn bó, có những thành tích đáng nể, hay thậm chí là góp phần tạo tiếng vang cho thương hiệu của bản thân cũng như tổ chức hiện tại.
Sự thật là, thay đổi một công việc hay thậm chí một ngành nghề mới tốn rất nhiều thời gian và công sức. Đặc biệt là khi bạn đang ở trong độ tuổi 30, cơ hội nghề nghiệp tuy nhiều nhưng cũng không kém phần mong manh như dây diều trước gió. Do đó, khi chọn ở lại với những gì đã trở nên quen thuộc, bạn sẽ gặt hái được gì?
- Sự thâm niên trong nghề: Thời gian bạn công tác ở công ty càng lâu sẽ giúp bạn có nhiều năm thâm niên trong nghề nghiệp, hơn là tranh giành một chỗ đứng tại một tổ chức hoàn toàn mới.
- Sự ổn định: Sự ổn định trong công việc có thể sẽ giúp bạn ứng phó với áp lực một cách hiệu quả hơn trên con đường sự nghiệp cũng như cuộc sống cá nhân bạn.
- Phúc lợi: Một trong những lợi ích khi làm việc lâu dài, đó là bạn sẽ được nhận nhiều phúc lợi cá nhân hơn (ví dụ như bảo hiểm y tế, nha khoa, giáo dục, thưởng lễ Tết, du lịch…)
- Cơ hội thăng chức: Khi bạn làm đủ lâu và hoàn thiện bản thân đủ tốt, cơ hội thăng tiến là vô cùng tươi sáng. Nếu bạn chuyển sang một công việc mới, khả năng cao là bạn sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ từ con số 0 tròn trĩnh.
Cuối cùng, hãy lưu ý rằng: Đừng đứng núi này trông núi nọ. Bạn không thể đảm bảo rằng công việc tiếp theo của mình tốt hơn công việc hiện tại. Một quyết định sai lầm sẽ kéo theo nhiều hệ quả đáng tiếc đấy!
Tóm lại, hãy tự hỏi bản thân: Liệu mình có sẵn sàng để rẽ hướng hay chưa? Nếu có, kế hoạch tương lai là gì? Nếu chưa, phải làm gì để tiếp tục theo đuổi công việc hiện tại trong suốt 8 tiếng đồng hồ mỗi ngày?
Trong trường hợp bạn vẫn còn phân vân chưa biết chọn phương án nào, hãy cùng HR Insider cân nhắc thêm một giải pháp khác đang được các công ty tổ chức khác nhau chú trọng, đó là Luân chuyển nội bộ.
Luân chuyển nội bộ, giống như tên gọi của nó, tức là bạn chọn ứng tuyển vào một vị trí mà bạn mong muốn ở công ty hiện tại.
Việc này sẽ đem lại cho bạn ba lợi ích lớn nhất. Thứ nhất, vì bạn đã quá quen thuộc với cơ cấu hành chính cũng như tổ chức của công ty, khả năng cao bạn cũng sẽ tiếp thu và hòa nhập nhanh với vị trí mới đó. Thứ hai, bạn sẽ có cơ hội được chọn vào làm cao hơn so với những ứng viên mới khác. Cuối cùng, những phúc lợi hay chế độ của bạn sẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều khi bạn chọn ở lại với công ty hiện tại.
Hi vọng qua bài viết này, bạn sẽ có những quyết định sáng suốt và thông minh cho con đường sự nghiệp ở ngưỡng tuổi 30 của mình nhé!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.