Bạn có sợ mất thưởng Tết khi nhảy việc thời điểm cuối năm?
Nói về vấn đề này, anh Lâm (27 tuổi, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cả năm đi làm cống hiến cho công ty thì cuối năm nhận được thưởng Tết là quyền lợi chính đáng của mình mà. Chưa kể với tình hình kinh tế đầy biến động như hiện nay thì thưởng Tết là khoản tiền không nhỏ với nhiều người, trong đó có mình. Vậy nên nếu không có lý do bất khả kháng hay quá sức chịu đựng thì mình sẽ cố gắng ở lại công ty, đợi nhận thưởng Tết xong mới nhảy việc…”
Còn bạn Quỳnh (24 tuổi, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Thật ra thì cơ hội việc làm tốt không dễ tìm đâu. Do đó dù là bất cứ thời điểm nào trong năm, mình cũng sẽ sẵn sàng nhảy việc ngay khi tìm được công việc tốt với môi trường phù hợp hơn. Thưởng Tết thì cũng hấp dẫn đấy, nhưng với mình thì tìm được cơ hội phát huy năng lực để phát triển bản thân mới là điều quan trọng hơn cả…”
Cuối năm là thời điểm nhiều công ty gấp rút giải quyết và hoàn thành cho xong mọi công việc của năm cũ. Khối lượng công việc khổng lồ cùng áp lực tăng cao khiến nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, chán nản và dần nảy sinh ý định nhảy việc. Tuy nhiên, cuối năm lại là thời điểm khá nhạy cảm để nhảy việc nên bạn phải cân nhắc cho thật kỹ trước khi quyết định.
Tại sao cuối năm là thời điểm nhạy cảm để nhảy việc?
Thứ nhất và cũng là điều dễ nhận thấy nhất khi nhảy việc cuối năm, đó chính là nguy cơ mất thưởng Tết. Thưởng Tết là quyền lợi chính đáng bạn được nhận sau 1 năm làm việc vất vả.
Thứ 2, giữa thị trường lao động đầy biến động như hiện nay, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp kéo dài hoặc chấp nhận làm một công việc mới không ưng ý.
Thứ 3, bạn có thể không kịp thích nghi với môi trường làm việc mới vào thời điểm này. Vì cuối năm áp lực công việc tăng cao, cộng thêm kỳ nghỉ Tết kéo dài khiến bạn khó làm quen với công việc cũng như khó hòa nhập với môi trường làm việc mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những rủi ro kể trên thì nhảy việc thời điểm cuối năm cũng mang đến nhiều lợi thế hấp dẫn. Tâm lý các nhà tuyển dụng lúc này thường cần gấp nhân sự mới nhanh chóng thay thế nhân viên nghỉ việc, để kịp hoàn thành công việc của năm cũ. Do đó, ứng viên tìm việc dịp cuối năm sẽ rất được săn đón nếu có năng lực và kinh nghiệm làm việc.
Yếu tố cần cân nhắc để chọn “thời điểm vàng” nhảy việc
Muốn chọn được “thời điểm vàng” nhảy việc cuối năm, sau đây là 3 yếu tố bạn cần nên cân nhắc:
– Tìm hiểu chính sách thưởng Tết:
Bạn hãy chủ động tìm hiểu xem công ty hiện tại có thưởng Tết cho trường hợp nhân viên nghỉ việc ngay trước Tết hay không. Nếu có, cứ thoải mái tinh thần cập nhật CV để tìm việc mới ngay từ bây giờ bạn nhé. Còn nếu không, bạn nên cân nhắc chuyện ở lại công ty thêm 1-2 tháng đợi nhận thưởng Tết trong trường hợp bản thân đang có gánh nặng tài chính.
– Thời gian thông báo nghỉ việc:
Hãy chuyên nghiệp đến giây phút cuối cùng ở công ty cũ bạn nhé! Đừng đợi sát Tết mới đùng cái nghỉ việc khiến công ty không kịp xoay sở sắp xếp nhân sự hoàn thành công việc, và bạn cũng đừng nghỉ việc sớm quá kẻo mất khoản thưởng Tết hấp dẫn.
– Cập nhật tín hiệu thị trường lao động:
Nếu không muốn đối mặt với nguy cơ thất nghiệp kéo dài hoặc phải chấp nhận công việc mới không ưng ý, bạn nên thường xuyên cập nhật tín hiệu từ thị trường lao động hiện nay.
Chẳng hạn như phân tích nhu cầu tuyển dụng xem vị trí công việc bạn đang tìm có khan hiếm cơ hội lắm không? Mức lương mặt bằng chung trên thị trường hiện tại cho công việc của bạn có thấp hơn công ty bạn đang trả không? Năng lực và kinh nghiệm bản thân có đáp ứng tốt yêu cầu công việc mà các nhà tuyển dụng đang tìm ở ứng viên không?…
Hy vọng những chia sẻ trên giúp bạn chọn được “thời điểm vàng” để nhảy việc mà vẫn nhận đủ thưởng Tết. Chúc bạn sớm tìm được công việc mới ưng ý để phát triển sự nghiệp bản thân nhé!
Xem thêm: Vị trí chỗ ngồi làm việc phong thủy dành cho 12 Con Giáp trong năm 2025
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.