Thăng tiến thực chất là gì?
Khái niệm thăng tiến được hiểu là việc năng lực và sự đóng góp của một cá nhân trong công việc được tổ chức, đơn vị công nhận. Với những người sống thực tế thì thăng tiến đồng nghĩa với tăng lương. Bên cạnh mức lương, những chế độ đãi ngộ cũng được nâng cao khi nhân sự được thăng tiến như chăm sóc sức khỏe, chế độ du lịch nghỉ dưỡng… Đây chính là lợi ích của việc thăng tiến khiến ai cũng muốn đạt được. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi ai cũng có thể nhìn thấy, vậy còn bề chìm thì sao?
Thăng chức hay tăng lương là niềm vui trong cuộc sống nhưng cũng đánh đổi với cái giá của nó. Sự thật là quyền lợi thì luôn đi đôi với trách nhiệm. Bạn ở vị trí càng cao thì trách nhiệm của bạn càng nhiều. Lúc này, nhiệm vụ của bạn không còn đơn giản là hoàn thành tốt công việc thuộc về cá nhân nữa mà còn phải đảm bảo hiệu quả chung của tập thể, của đội nhóm. KPIs của bạn cũng từ đó nâng lên theo chức vụ, tiền lương và chế độ.
Liệu khi đó quyền lợi có đủ hấp dẫn bạn? Hay bạn chỉ cần một công việc tốt như hiện tại, không phải hy sinh hay đánh đổi điều gì?
Làm thế nào để làm việc hiệu quả khi được thăng tiến?
Khi được đề bạt lên một chức vụ mới, bạn sẽ phải đảm nhận những hạng mục công việc đòi hỏi chuyên môn cao hơn và kỹ năng khó hơn như kỹ năng phân tích chuyên sâu, kỹ năng quản lý con người,… Thậm chí, đó còn là những hạng mục công việc bạn chưa từng có kinh nghiệm làm việc trước đây. Thực tế không ít nhân sự sẽ rơi vào tình cảnh hoang man, căng thẳng và mất thể kiểm soát trong giai đoạn này. Nguyên nhân chủ đích đến từ việc chưa chuẩn bị kỹ càng về mặt tinh thần cũng như kỹ năng cá nhân trước khi đảm đương công việc mới, áp lực mới.
Do đó, bạn cần xây dựng lộ trình thăng tiến trước khi chấp nhận đổi sang chức vụ mới. Từ lộ trình này, bạn có thể hình dung được những tiêu chí, yêu cầu và áp lực của vị trí mới và dành thời gian trau dồi kiến thức, trang bị kỹ năng, phát triển năng lực toàn diện. Quá trình trang bị có thể áp dụng bằng cách học tập từ những đồng nghiệp xung quanh, lắng nghe truyền đạt từ cấp quản lý hay chủ động hơn bạn có thể đăng ký tham gia một khóa học kỹ năng liên quan.
Ví dụ, công việc của bạn đang đảm nhận liên quan đến lĩnh vực Marketing và vị trí bạn nhắm tới là Marketing Team Leader thì kỹ năng bạn cần xác định trau dồi không chỉ là kỹ năng chuyên môn mà còn là kỹ năng quản lý con người bởi vị trí này bạn phải biết cách lên kế hoạch cho tập thể, quản lý các thành viên trong đội nhóm hướng đến mục tiêu chung.
Thời gian chuẩn bị trước khi thăng tiến chính là bước đệm giúp bạn từng bước hoàn thiện bản thân nhằm đáp ứng tốt yêu cầu và áp lực của vị trí mới. Đừng để bản thân mất kiểm soát và thất bại ngay khi được bổ nhiệm lên vị trí mới – vị trí mà chính bạn đã mong mỏi đạt đến từ lâu. Hãy lên kế hoạch cụ thể để giai đoạn quan trọng này diễn ra thật tốt và bạn có thể bắt nhịp ngay với công việc bằng những kiến thức và kỹ năng bản thân đã chuẩn bị sẵn sàng từ trước.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.