Mặc dù cảm xúc là phần không thể thiếu của con người, nhưng khi nó chi phối quá mức, người sếp có thể làm mất đi tính công bằng và sự chuyên nghiệp…
Sếp cảm tính – Khi cảm xúc lấn át lý trí
Quản lý bằng cảm xúc có thể mang lại sự ấm áp và gần gũi, nhưng khi nó chi phối quá nhiều, những quyết định không còn dựa trên lý lẽ hay dữ liệu nữa mà sẽ biến thành những phản ứng bộc phát. Tình huống này không phải là hiếm gặp. Khi người sếp bị cảm xúc dẫn dắt, họ thường dễ đưa ra những quyết định vội vàng, thiếu cân nhắc.
Anh Tuấn Hùng (24 tuổi, Quận 8) hiện đang là một nhân viên kinh doanh cho một công ty chuyên về thiết bị điện tử cho biết: “Khoảng thời gian làm việc với người sếp cũ có cách quản lý cảm tính thực sự là một cơn ác mộng với mình. Có những ngày vốn dĩ rất bình thường, khi cả nhóm đang làm việc chăm chỉ để hoàn thành dự án đúng hạn. Thế nhưng khi, sếp bước vào phòng với khuôn mặt căng thẳng sau một cuộc họp không mấy tốt đẹp cùng các phòng ban khác, cả nhóm mình bắt đầu cảm thấy “chẳng lành”.
Vậy là cả ngày hôm đó chỉ cần có điều gì hơi phật ý sếp thì cả văn phòng sẽ phải chìm trong cơn giận dữ. Chỉ cần một lỗi nhỏ trong báo cáo hay vài chi tiết không hoàn hảo trong công việc, sếp liền lớn tiếng trách mắng, không hề quan tâm đến nguyên nhân hay những nỗ lực của cả nhóm. Điều này khiến không khí làm việc căng thẳng đến mức không ai dám lên tiếng hay đưa ra bất kỳ ý kiến nào, chỉ mong qua ngày để tránh bị ‘vạ lây.’”
Những tình huống như vậy càng xảy ra thường xuyên thì càng khiến nhân viên cảm thấy mình bị đối xử bất công và công việc trở nên nặng nề hơn bao giờ hết. Khi sếp để cảm xúc cá nhân lấn át lý trí, hiệu suất làm việc của cả đội ngũ không những bị ảnh hưởng mà còn làm tổn hại đến sự gắn kết trong tổ chức. Việc quản lý cảm tính, nếu không được kiểm soát, có thể dẫn đến mất niềm tin từ nhân viên và tạo ra một môi trường làm việc thiếu lành mạnh.
Chuyển đổi từ cảm tính sang lý trí: Giải pháp để quản lý hiệu quả hơn
Việc chuyển đổi từ quản lý cảm tính sang quản lý dựa trên lý trí không phải là điều dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện nếu người sếp biết kiểm soát cảm xúc và áp dụng các phương pháp phù hợp.
Tức giận không giúp giải quyết vấn đề
Trước hết, quan trọng nhất là sếp cần nhận thức được vai trò của cảm xúc trong các quyết định hàng ngày. Khi một tình huống phát sinh, thay vì phản ứng ngay lập tức, hãy tạm dừng, lùi lại một bước và đánh giá vấn đề từ góc độ khách quan.
Điều này giúp loại bỏ những cảm xúc nhất thời và cho phép sự cân nhắc thấu đáo hơn. Người quản lý nên rèn luyện kỹ năng giữ bình tĩnh và kiên nhẫn trước áp lực, không chỉ giúp đưa ra những quyết định lý trí hơn mà còn giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực.
Học cách đánh giá khách quan, đa chiều
Thêm vào đó, việc sử dụng dữ liệu và thông tin đa chiều trong quá trình ra quyết định là một yếu tố cốt lõi để giữ cho quản lý luôn ở mức độ lý trí. Các công cụ quản lý công việc, báo cáo hiệu suất, và phản hồi từ nhân viên đều là những nguồn thông tin hữu ích giúp sếp có cái nhìn toàn diện và chính xác.
Luôn đặt sự lắng nghe lên hàng đầu
Ngoài ra, việc học cách lắng nghe và tiếp nhận ý kiến từ nhân viên, thay vì phản ứng theo cảm xúc, sẽ giúp sếp trở thành một người lãnh đạo sáng suốt hơn. Sự cảm tính thường làm người quản lý bỏ qua ý kiến của nhân viên hoặc đồng nghiệp. Do đó việc lắng nghe một cách khách quan và mở lòng đón nhận các góc nhìn khác nhau sẽ giúp sếp ra quyết định công bằng và hợp lý hơn.
Quản lý cảm tính không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất công việc mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho các mối quan hệ trong công ty và môi trường làm việc chung. Khi để cảm xúc lấn át lý trí, người sếp sẽ khó có thể duy trì được sự công bằng và uy tín của mình.
Việc chuyển đổi từ quản lý cảm tính sang quản lý lý trí là một quá trình cần sự kiên nhẫn và nỗ lực. Tuy nhiên, nếu thực hiện thành công, những nỗ lực này sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho người quản lý mà còn cho toàn bộ đội ngũ. Vì một người sếp lý trí và công bằng sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của công ty!
Xem thêm: Trong thế giới người trưởng thành, không hề có hai chữ dễ dàng.
— HR Insider—
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.