Việc bạn cố gắng kéo dài thời gian làm việc ở một công ty là điều tốt, tuy nhiên, đôi lúc quyết định từ bỏ công việc mình đang làm mới là sự chọn đúng đắn của bạn. Vậy, làm sao biết thời điểm nào thích hợp để bạn thay đổi công việc? Hãy xem qua các dấu hiệu dưới đây nhé!
1. Bạn thường xuyên mang những cảm xúc tiêu cực về nhà
Julie Vessel, CMO của công ty quảng cáo MONO, cho rằng việc than phiền về công việc của mình là lẽ thường tình, vì không có điều gì là quá hoàn hảo. Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác đi khi bạn bắt đầu mang những cảm xúc tiêu cực nơi công sở về nhà của mình. Một khi điều đó xảy ra, đã đến lúc bạn cần phải xem xét lại, đâu là nguyên nhân chính khiến bạn cảm thấy bức bách đến thế và xem, liệu có giải pháp nào để giúp bạn ở thời điểm hiện tại hay không.
2. Bạn không có cảm giác thử thách
Khi một người có cảm giác được thử thách trong công việc, động lực làm việc của họ sẽ nhiều hơn và quá trình làm việc cũng trở nên hứng thú hơn. Họ sẽ không ngừng tìm ra cách giải quyết, thu thập cho bản thân nhiều kiến thức hơn nữa và có thể phát huy tối đa năng lực của mình. Hiện nay đã có khá nhiều công ty đặt ra thử thách để khuyến khích nhân viên “phát bỏ giới hạn của bản thân”.
Ngược lại, công việc quen thuộc diễn ra suôn sẻ hằng ngày sẽ khiến bạn dần dần mất nhiệt huyết. Điều này nếu kéo dài sẽ dễ khiến bạn trở nên thụ động hơn.
3. Đi làm một cách miễn cưỡng
Khi những ngày cuối tuần qua đi, bạn sợ hãi khi nghĩ đến việc phải đến cơ quan vào sáng hôm sau. Và khi đến cơ quan bạn lại mong ngóng đến 5h chiều ngày thứ Sáu.
Ai trong chúng ta cũng đều có ít nhất một lần hay một giai đoạn ngắn nào đó rơi vào tình trạng chán việc, chán đi làm. Nhưng nếu sự miễn cưỡng của bạn diễn ra trong một thời gian dài, đó là lúc bạn nên nghĩ về bước nhảy tiếp theo trong sự nghiệp của mình.
4. Môi trường khiến kỹ năng của bạn trì trệ
Những ý kiến của bạn đưa ra đều bị bác bỏ. Bạn không được thể hiện nhiều năng lực, làm việc một cách bị động. Công ty không cho phép bạn phá bỏ giới hạn của bản thân để phát triển mình hơn. Đây chính là lúc bạn nên từ bỏ và chọn cho mình một môi trường mới để có thể học hỏi, trau dồi kỹ năng và phát triển.
5. Chán công việc đến nỗi chẳng muốn đi làm
Chủ nhật là ngày để nghỉ ngơi, nhưng không ít người được nghỉ ngơi thật sự. Họ dành phần lớn thời gian để lo lắng về việc ngày mai phải đến công ty làm việc. Ngay cả khi bạn đang trong một buổi tiệc với bạn bè hay xem một bộ phim hài cùng gia đình, thì bạn vẫn không ngừng nghĩ đến ngày thứ Hai. Như vậy thật sự không ổn.
Một công việc khiến cho bạn cảm thấy sợ hãi mỗi khi nghĩ đến liệu có xứng đáng để bạn tiếp tục? Hãy dừng lại trước khi bạn thật sự gặp vấn đề lớn về sức khỏe và tâm lý.
6. Thường xuyên phạm lỗi trong công việc
Viết sai chính tả. Gửi email cho khách hàng nhưng không kiểm tra lại nội dung. Sắp xếp các cuộc họp chồng chéo nhau. Đó là những dấu hiệu cho thấy bạn đang mất đi sự tập trung trong công việc của mình. Không những vậy, càng lâu dài, điều này càng cho thấy bạn đang dần mất đi sự gắn bó và sự cam kết của mình với công việc, tổ chức và cấp trên của mình.
7. Môi trường làm việc “độc hại”
Văn hoá doanh nghiệp là một trong những yếu tố mà bạn không thể đoán trước được, trừ khi tự mình bước chân vào và trải nghiệm. Hầu hết các công ty chỉ muốn trưng ra những mặt tích cực, hào nhoáng bên ngoài. Chỉ sau 1 khoảng thời gian làm việc và tiếp xúc cùng mọi người, bạn mới có thể biết được liệu môi trường mình đang làm việc có phù hợp hay chỉ toàn những nhân tố “độc hại” : Cấp trên vô trách nhiệm, môi trường thiếu tính gắn kết, bị đối xử bất công. Chỉ bấy nhiêu đó thôi nhưng cũng đủ khiến môi trường làm việc của bạn trở nên áp lực vô cùng.
8. Sức khoẻ của bạn suy giảm
Tiền không mua được sức khỏe. Công việc áp lực có thể khiến bạn bị trầm cảm, mệt mỏi, mất ngủ, nhức đầu, bệnh tật triền miên… bạn phải cam chịu và không mấy khi thấy vui vẻ, hạnh phúc. Một công việc khiến cả sức khỏe và tinh thần của bạn “ốm yếu” thì chắc chắn nó đang “hủy hoại” bạn. Hãy mau chóng tìm cho mình một công ty khác.
Ngoài ra, bạn liên tục phải tăng ca, hoặc bị căng thẳng và khổ sở mỗi khi về nhà, thì đã đến lúc phải rời đi, bởi công việc của bạn đã bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống riêng.
— HR Insider / Theo fastcompany.com —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.