Một nhân viên xuất sắc rời bỏ công ty sẽ gây ra những tổn thất lớn, khó mà đo lường hết được. Bạn sẽ phải đầu tư thời gian, tiền bạc để tìm kiếm và đào tạo người thay thế. Bên cạnh đó là những mất mát khác như những mối quan hệ làm việc của người đó với đồng nghiệp hay khách hàng, nguồn năng lượng và sự cống hiến họ đã dành cho công việc. Và hơn hết là dù tuyển được người mới thì cũng sẽ không có sự đảm bảo chắc chắn nào cho khả năng thành công trong tương lai.
Giữ chân nhân tài phải bắt đầu bằng việc tìm hiểu nguyên nhân khiến họ rời công ty. Dưới đây là những lý do hàng đầu:
1. Sự trì trệ trong công việc
Không ai muốn mắc kẹt trong một lối mòn cũ kỹ khi hằng ngày đến một nơi quen thuộc, làm những việc lặp đi lặp lại trong 20-40 năm. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ hội phát triển nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng, được truyền lửa là những lý do hàng đầu khiến người lao động gắn bó lâu dài với công ty. Nếu nhận thấy không có nấc thang nghề nghiệp hay cơ hội thăng tiến nào, chắc chắn họ sẽ đi tìm một công ty khác. Trong lúc chờ đợi thời cơ, họ thường tỏ ra chán nản và khó chịu; điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất làm việc và tinh thần của những người ở lại.
2. Làm việc quá sức
Hầu hết tất cả các công ty đều có những thời kỳ căng thẳng và áp lực, nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên thì sẽ gây ra những tác động tiêu cực lên nhân viên. Trong khủng hoàng, những nhân viên giỏi nhất và đáng tin cậy nhất là những người phải làm việc nhiều nhất và chịu áp lực lớn nhất. Nếu họ cảm thấy rằng bản thân phải nhận thêm ngày càng nhiều việc mà không có sự ghi nhận hay khích lệ nào như tăng lương, thưởng… họ sẽ cảm thấy bị lợi dụng và nghĩ ngay đến việc dừng lại.
3. Tầm nhìn mơ hồ
Không có gì làm nản lòng nhân viên hơn là một môi trường làm việc với đầy những tuyên ngôn về tầm nhìn và hoài bão của công ty nhưng lại không được chuyển tải thành thành các mục tiêu chiến lược cụ thể và có khả năng thực hiện được. Nếu không có sự kết nối đó, tất cả chỉ là lời nói sáo rỗng vô nghĩa. Những người tài giỏi luôn muốn dành nhiều thời gian và cống hiến năng lực của mình để tạo ra một điều gì đó rõ ràng và có ý nghĩa.
4. Đặt lợi nhuận lên trên tất cả
Khi một tổ chức đặt lợi nhuận của họ lên vị trí cao nhất và quan trọng hơn cả con người thì những người giỏi nhất sẽ tìm cách rời bỏ các nhà quản lý thực dụng và tầm thường để đến những môi trường tốt hơn. Kết quả là một môi trường làm việc năng suất thấp, tinh thần yếu kém và thậm chí phát sinh cả những vấn đề về kỷ luật. Tất nhiên, những thứ như lợi nhuận, năng suất, sự hài lòng của đối tác là rất quan trọng – nhưng sự thành bại của chúng cuối cùng phụ thuộc vào những người đang thực hiện các công việc đó.
5. Thiếu sự ghi nhận khen thưởng
Ngay cả những người khiêm tốn nhất cũng muốn được công nhận và khen thưởng khi một công việc được hoàn thành xuất sắc, đó cũng là một phần nhu cầu cơ bản của con người. Khi bạn không công nhận thành quả của nhân viên, bạn không chỉ thất bại trong việc tạo động lực cho họ mà còn bỏ lỡ cơ hội để tăng năng suất lao động. Thậm chí nếu bạn không có ngân sách cho tăng lương hay thưởng vẫn còn có nhiều cách khác tiết kiệm hơn để khích lệ nhân viên – một lời khen ngợi chân thành đâu tốn đồng nào. Hãy ghi nhớ nhân viên luôn cần được khích lệ, ghi nhận thành tích và sự chú ý từ người quản lý của mình.
6. Thiếu sự tin tưởng ở những người đứng đầu
Nhân viên thường có xu hướng quan sát cách cư xử của nhà lãnh đạo và đối chiếu với những cam kết của họ và công ty . Nếu cấp dưới nhận thấy người đứng đầu hành động không đúng nguyên tắc với nhà cung cấp, dối trá với cổ đông, lừa đảo khách hàng hay không giữ lời hứa thì những người giỏi sẽ bỏ đi. Những người ở lại còn tệ hơn, họ sẽ đi theo con đường sai lầm của nhà lãnh đạo.
7. Hệ thống phân quyền quá cứng nhắc
Mỗi một tổ chức đều cần một cơ cấu quản lý và các nhà lãnh đạo, nhưng khi hệ thống được phân quyền một cách cứng nhắc sẽ khiến cho nhân viên cảm thấy ngột ngạt. Nếu những nhân viên giỏi của bạn không được trao quyền quyết định hay phải làm theo ý muốn của người khác vì chức danh của họ hơn là trình độ chuyên môn thì chắc chắn họ sẽ không vui vẻ tí nào. Bất kỳ nhân viên nào cũng mong muốn được đóng góp ý tưởng và đưa ra những quyết định lớn, có ảnh hưởng đến tổ chức. Vì vậy các nhà lãnh đạo hãy luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân viên mình để kịp thời hỗ trợ.
Trên đây là một số yếu tố có thể khiến những nhân viên xuất sắc nhất nghĩ đến chuyện rời bỏ công ty và tìm kiếm cơ hội mới. Là người đứng đầu, bạn luôn cần phải theo dõi tỷ lệ nhân viên nghỉ việc và lý do khiến họ bỏ việc để có những điều chỉnh kịp thời trước khi quá muộn.
– HR Insider VietnamWorks –
Khóa huấn luyện sẽ diễn ra vào đầu năm mới 2017 tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội dẫn dắt bởi anh Tăng Trị Trọng – Giám đốc Kinh doanh Cấp cao của VietnamWorks. Với sự đam mê trong công tác đào tạo, kiến thức sâu rộng, lối dẫn dắt dí dỏm và dễ hiểu, cùng với những ví dụ thực tiễn sống động, anh Trọng sẽ giúp các nhà lãnh đạo, cấp quản lý nhân sự khơi gợi ra những ý tưởng hay và hữu ích nhằm thúc đẩy nhân viên làm việc hết mình, từ đó cả nhà quản lý và nhân viên đều có thể gặt hái được nhiều kết quả mong muốn.
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.