Sau quá trình nghiên cứu, VietnamWorks đã tổng hợp 7 kỹ năng quan trọng góp phần tạo nên thành công của các nhà quản trị nhân sự giỏi trên thế giới. Bạn đã sở hữu bao nhiêu trên tổng số 7 kỹ năng này?
- Sắp xếp công việc hợp lý
Ngăn nắp trong quá trình tổ chức và điều hành công việc là kỹ năng cần có ở mọi nhân viên nhân sự. Việc bắt buộc phải giải quyết các vấn đề mới phát sinh dù có hàng tá công việc chưa xử lý hoàn toàn là điều mà người quản lý nhân sự thường xuyên gặp phải. Vì vậy, sắp xếp công việc hợp lý với tinh thần sẵn sàng đón nhận trách nhiệm là điều mà bạn nên làm.
- Giải quyết nhiều việc cùng lúc
Giải quyết các vấn đề cá nhân của nhân viên, lên kế hoạch tuyển dụng cho công ty, duy trì các mối quan hệ đối tác một cách tốt đẹp, hay rất nhiều vấn đề khác đều cần sự can thiệp của bộ phận HR. Do đó, khi đối mặt với lượng công việc khủng, bạn cần sở hữu khả năng giải quyết nhiều vấn đề khác nhau cùng lúc nhằm đảm bảo đúng tiến độ công việc.
- Kỹ năng thương lượng
Trong các cuộc họp, việc tồn tại nhiều ý kiến bất đồng là điều không còn xa lạ. Để tránh xảy ra bầu không khí căng thẳng và kết thúc cuộc họp trong viên mãn, trung hòa các ý kiến bằng những lập luận sắc bén là mục tiêu mà người đảm nhiệm vị trí nhân sự hướng đến. Bạn sẽ không thể giải quyết được vấn đề này theo cách tốt nhất nếu kỹ năng thương lượng của mình chỉ nằm ở mức trung bình.
- Kỹ năng giao tiếp
Không chỉ riêng quản lý nhân sự, bất kì ngành nghề nào cũng cần sự thành thạo trong giao tiếp. Ngoài đồng nghiệp và sếp, bạn thường xuyên phải tiếp xúc với đối tác, khách hàng, hay ứng viên tiềm năng của công ty mình. Bên cạnh đó, trở thành người đại diện của công ty và phát biểu trước các phương tiện thông tin đại chúng là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, với kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp, công việc của bạn sẽ trở nên thuận lợi hơn.
- Đạo đức trong nghề nghiệp
Bộ phận nhân sự chính là bộ mặt của công ty. Các đối tác hay khách hàng,…thường có xu hướng đánh giá văn hóa làm việc của toàn thể công ty thông qua sự thể hiện trong hành động, thái độ của các cá nhân giữ vai trò “bộ mặt”. Vì vậy, đạo đức nghề nghiệp là điều mà các nhà quản trị nhân lực cần đặt lên hàng đầu. Cốt là để giữ hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp, đồng thời xây dựng văn hóa công sở ngày một phát triển.
- Giải quyết mâu thuẫn nội bộ
“Bằng mặt nhưng không bằng lòng” là chuyện thường tình trong các tổ chức. Tuy nhiên, muốn đạt hiệu quả lẫn hiệu suất cao trong công việc cần hạn chế tối đa tình trạng đối đầu giữa các đồng nghiệp trong công ty. Người quản lý nhân sự chuyên nghiệp là người có khả năng chuyển hóa bầu không khí từ đố kỵ thành đồng lòng hợp tác.
- Linh Hoạt Trong Quản Lý Nhóm
Ngày nay, thật dễ dàng để bắt gặp nhiều thế hệ nhân viên trong cùng một công ty. Vì vậy, sự khác biệt về lối sống và suy nghĩ tạo nên mâu thuẫn trong quá trình hợp tác giữa các thành viên. Có thể nói, “kính trên nhường dưới” đã dần bị lãng quên trong môi trường cạnh tranh khốc liệt nơi công sở. Đây chính là lúc những chuyên gia HR cần linh hoạt trong quản lý các nhóm nhân sự khác nhau nhằm giúp nhân viên thích nghi với những sự thay đổi trong công ty.
— HR Insider / VietnamWorks —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.