Điểm yếu 1: Thiếu tự tin
Thiếu tự tin có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất công việc. Chẳng hạn, bạn cảm thấy không tự tin với ý kiến của mình, nên không dám góp ý trong cuộc họp. Hoặc phong thái thiếu tự tin khiến khách hàng chưa đủ tin tưởng để ký hợp đồng với bạn…
Khi chia sẻ với nhà tuyển dụng (NTD), bạn nên thể hiện bản thân đã và đang cố gắng vượt qua sự tự ti để tăng tự tin như thế nào. Ví dụ bạn đã tự khích lệ bản thân dám đứng lên đưa ý kiến trong các buổi họp. Hay bạn rèn luyện phong thái tự tin, tập dáng đi thẳng lưng và ngẩng cao đầu. Khiến khách hàng tin tưởng ký nhiều hợp đồng hơn với bạn…
Điểm yếu 2: Cầu toàn, quá tập trung vào chi tiết
Cầu toàn khiến bạn mất quá nhiều thời gian tập trung vào các chi tiết nhỏ. Chỉ vì bạn đòi hỏi mọi thứ phải hoàn hảo nhất. Bạn canh đi canh lại từng milimet cách trình bày các ký tự nhỏ trên bìa tài liệu sao cho cân đối nhất. Hoặc chọn đi chọn lại cả trăm đoạn nhạc chỉ xuất hiện chục giây lúc kết thúc bài thuyết trình…
Hãy chia sẻ với NTD về điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn này. Rằng bạn đang cố gắng khắc phục bớt tính cầu toàn quá mức. Bạn phải chấp nhận rằng mọi điều trong cuộc sống không thể lúc nào cũng hoàn hảo được. Thay vì mất quá nhiều thời gian và công sức vào các chi tiết vụn vặt, bạn sẽ ưu tiên tập trung vào hiệu quả của “việc lớn” nhiều hơn.
Điểm yếu 3: Khó kiểm soát cảm xúc
Mất bình tĩnh, hay nóng giận, dễ tự ái và khó kiểm soát cảm xúc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc và các mối quan hệ xung quanh. Bị Sếp la vài câu bạn đã tự ái, khách hàng yêu cầu vô lý khiến bạn sẵn sàng lớn tiếng cãi tay đôi…
Khi chia sẻ với NTD, bạn hãy bày tỏ mình đang cố gắng tập kiểm soát cảm xúc tốt hơn mỗi ngày. Gần đây khi Sếp cũ la bạn không còn cảm thấy quá tự ái, khách hàng yêu cầu sửa đi sửa lại dự án bạn vẫn sẵn lòng tiếp tục sửa cho khách… Bạn sẽ không để cảm xúc chi phối công việc quá nhiều. Tập giữ bình tĩnh hơn, kềm chế nóng giận cũng như không dễ tự ái như trước nữa.
Điểm yếu 4: “Rối cả lên” khi deadline cận kề
Mỗi khi deadline cận kề, bạn đều cảm thấy “rối cả lên”. Vì sợ trễ deadline nên bạn cuống quýt làm mọi thứ thật nhanh. Tuy nhiên do mất bình tĩnh và nóng vội khiến mọi việc càng rối tung lên.
Vậy nên hãy chia sẻ với NTD rằng bạn đang cố gắng tập giữ bình tĩnh mỗi khi cận kề deadline. Bạn đã nhận ra càng nóng vội chỉ càng khiến mọi thứ lộn xộn hơn thôi. Bạn sẽ bình tĩnh giải quyết từng việc một. Đặc biệt, sẽ sắp xếp thời gian hợp lý để không rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Điểm yếu 5: Ngại từ chối
Mỗi khi có người nhờ giúp đỡ, bạn rất ngại từ chối. Vậy nên nhiều lúc công việc ngập đầu nhưng đồng nghiệp nhờ làm giúp phần việc của họ, bạn vẫn nhận. Hoặc đồng nghiệp nhờ bạn mua đồ ăn sáng mỗi ngày dù đợi lâu có thể khiến bạn trễ giờ, bạn vẫn ngại từ chối…
Khi chia sẻ với NTD, nên thành thật bày tỏ bạn đang cố gắng tập nói KHÔNG với những đề nghị giúp đỡ không cần thiết. Vì sợ ảnh hưởng đến thời gian làm việc của bạn, cũng như sợ bị lợi dụng lòng tốt. Bạn sẽ chỉ giúp đỡ những trường hợp chính đáng mà thôi.
Điểm yếu 6: Ngại nhờ giúp đỡ
Bạn rất ngại khi phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác, vì sợ làm phiền họ. Chẳng hạn trong công việc có điều không hiểu rõ, bạn ngại hỏi tiền bối chỉ dạy. Hoặc khi deadline ngập đầu mà đồng nghiệp đang rảnh, bạn ngại nhờ đồng nghiệp làm giúp một phần việc…
Hãy chia sẻ với NTD rằng, bạn biết trong công việc đôi lúc phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Vậy nên bạn đang tập cách bỏ qua sự ngại ngùng để mạnh dạn nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Có như vậy mới giúp công việc đạt hiệu quả tối ưu nhất.
Điểm yếu 7: Khó cân bằng công việc và cuộc sống
Bạn là người rất khó cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Bạn thường lao đầu vào công việc mà quên ăn quên ngủ, bỏ bê sức khỏe và không dành nhiều thời gian cho người thân.
Nên thành thật chia sẻ với NTD rằng, trong thời gian tới bạn sẽ cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Bạn sẽ làm việc và nghỉ ngơi điều độ, giữ sức khỏe cũng như dành thời gian nhiều hơn cho người thân. Có như vậy mới duy trì được sức làm việc bền lâu. Cũng như đời sống tinh thần vui vẻ mới tác động tích cực đến hiệu suất làm việc được.
Nhớ đưa ra giải pháp khắc phục khi nói về điểm yếu của bản thân khi phỏng vấn bạn nhé. Hy vọng 7 cách trên giúp bạn dễ dàng vượt ải câu hỏi nhạy cảm này. Chúc các bạn phỏng vấn thành công và sớm khắc phục được các điểm yếu của mình.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.