Nghĩ ra ý tưởng kinh doanh là một chuyện, thực hiện được điều đó lại là một chuyện khác.
Đã bao giờ bạn thấy một bài thuyết phục nhằm kêu gọi nhà đầu tư rót vốn vào sản phẩm của họ trên chương trình Shark Tank và tự nhủ: “Mình cũng đã từng có ý tưởng giống như vậy từ nhiều năm trước”, và sau đó tự hỏi tại sao trước kia mình đã không đưa nó ra thị trường?
Sự thật là, những cơ hội kinh doanh luôn ở xung quanh chúng ta, chỉ là trong khoảnh khắc nào đó chúng ta khó có thể phân biệt được đâu là ý tưởng hay, đâu là không. Và cũng không hề dễ dàng để bạn quyết định có nên nhảy vào chớp lấy cơ hội đó, hay là xóa sổ nó đi như chưa từng tồn tại.
Nghĩ ra ý tưởng kinh doanh là một chuyện, thực hiện được điều đó lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Có rất nhiều người, dù là xuất phát từ động lực hay đang nhen nhóm ý định trong đầu, đều không tận dụng được những cơ hội kinh doanh quý báu có sẵn ở xung quanh.
Chỉ có khoảng 10% người dân Mỹ sở hữu công ty riêng, và dĩ nhiên chỉ một số ít trong số họ thành công. Đơn giản là vì nhiều người chưa biết cách nắm bắt lấy cơ hội có sẵn đó.
Vậy, làm thế nào để ta biết rằng mình đang sở hữu một ý tưởng kinh doanh tuyệt vời? Ryan Robinson, nhà kinh doanh kiêm tác giả trên blog ryrob.com, nói rằng ông đã chứng kiến nhiều cơ hội tuyệt vời bị vụt mất, hay những rủi ro thất bại trong kinh doanh. Ryan quyết định sẽ khai thác ý kiến chuyên môn từ một vài nhà kinh doanh khác về cách tìm kiếm cơ hội, cũng như cách để xác định cơ hội đó có phải là một trong những ý tưởng kinh doanh ngoạn mục hay không.
David Trainavicius, nhà sáng lập và CEO của PVcase, là người khách đầu tiên Ryan có cơ hội ngồi xuống trò chuyện; cùng với một số Serial Entrepreneurs (dùng để chỉ những người thành lập các công ty mới sau khi đã làm chủ một hay nhiều doanh nghiệp trước đó) bao gồm Brad Feld and Dr. Sean Wise, đồng tác giả của Startup Opportunities, cho buổi phỏng vấn này. Những lời khuyên họ chia sẻ thì vô cùng hữu ích cho những ai đang gặp khó khăn trong việc xác định và tận dụng cơ hội của mình.
1. Làm những gì mà bạn thật sự yêu thích
“Sai lầm lớn nhất của những người (đang không biết công việc của mình thật sự là gì) đó chính là chỉ ngồi đó, bất động, và cố gắng “nặn” ra càng nhiều ý tưởng khác nhau càng tốt”, Feld chia sẻ.
Ông tiếp tục: “Thay vào đó, bạn cần để cho não của bạn tự nảy ra ý tưởng, rồi bắt lấy ý tưởng nào bạn cảm thấy thú vị nhất. Bạn không nên dành thời gian làm những việc mà mình không hề thấy hứng thú. Vì vậy, hãy gạt bỏ đi những ý tưởng bạn cho là không thể làm được trong vòng 10 năm tới”
Nếu bạn tìm được ý tưởng mà mình thật sự thích, bạn sẽ có xu hướng dành nhiều thời gian và tâm huyết để theo đuổi nó đến cùng. Cơ hội thường xuất phát từ sự ám ảnh, tức là bạn sẽ không ngừng nghĩ về nó. Và mặc dù cho ý tưởng đó nghe có vẻ không đầy hứa hẹn vào lúc ban đầu, nhưng nếu bạn sẵn sàng đầu tư và kiên trì, bạn sẽ nhận được nhiều hơn là mất đấy!
2. Tự giải quyết vấn đề của chính mình
“Tôi bắt đầu kinh doanh, vì tôi cảm thấy bất mãn với sự thiếu hụt về công cụ và máy móc mà tôi đang cần”, Trainavicius giải thích. “Nền công nghệ năng lượng mặt trời cần một sản phẩm như PVcase để giúp họ tiết kiệm thời gian và làm việc một cách chính xác hơn khi thiết kế nhà máy điện mặt trời. Từ sự bất mãn đó, sản phẩm của chúng tôi ra đời. Tự đáy lòng tôi biết rằng sản phẩm này sẽ giúp cho công việc của tôi dễ dàng hơn, và nó cũng sẽ giúp cho những người đang gặp vấn đề tương tự như vậy”.
Khi bạn đã làm ở lĩnh vực của mình được một khoảng thời gian dài, thì khi có một ý tưởng nào đó nảy ra, chính bạn là một trong những “chuột bạch” cho sản phẩm đó đấy. Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi kiểu như:
- Trăn trở của bạn là gì?
- Bạn cần những gì để thực hiện nó một cách suôn sẻ?
- Làm cách nào để công việc của bạn có thể dễ dàng hơn, tốt hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn?
Hãy xây dựng ý tưởng của mình từ những lỗ hổng của thị trường thương mại rộng lớn này nhé!
3. Bạn có một ý tưởng còn “thô”
Thỉnh thoảng những ý tưởng của bạn hoàn toàn không hề xuất phát từ những gì mới mẻ cả.
Thông thường, đó là những gì đã tồn tại trước đó, nhưng ở một phiên bản tốt hơn, tiện ích hơn, và hiệu quả hơn. Wiivv là một ví dụ điển hình. Nhà sáng lập của Wiivv nhận thấy trong ngành công nghệ dụng cụ chỉnh hình bàn chân, ông ấy có thể sáng tạo ra một loại mới với giá thành rẻ hơn so với những loại đang được bày bán sẵn trên thị trường.
Vậy bí mật của họ là gì? Đó chính là công nghệ in 3D, loại công nghệ vẫn chưa có tầm ảnh hưởng nhiều đến thị trường này. Sản phẩm của họ có thể cung cấp cho khách hàng những loại đế chỉnh hình được may đo sẵn với giá rẻ hơn rất nhiều so với những loại đế giày thông thường khác.
Một trong những cách xây dựng ý tưởng chính là tìm kiếm những gì đã có sẵn, đang có nhu cầu trong cuộc sống, và làm cho nó trở nên có ý nghĩa hơn. Đó là bước nền cho sự thành công của rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, bao gồm Uber và Facebook.
4. Chiếm giữ thị trường ngách
Thị trường ngách được hiểu là một phân khúc thị trường rất nhỏ so với toàn bộ thị trường.
Vậy, có thị trường ngách nào chưa đáp ứng được đúng nhu cầu của người tiêu dùng chưa? Bạn có lẽ sẽ không sở hữu một khối lượng khách hàng lớn, nhưng sự thâm nhập của bạn vào thị trường này sẽ được bảo đảm nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn đủ tốt!
Seth Godin, một thương gia kiêm tác giả, đã mở rộng về điểm này trên blog của ông ấy: “Khi bạn muốn thu hút tất cả mọi người, bạn khó có thể làm hài lòng từng họ. Khi bạn là một người dám thay đổi, bất di bất dịch, cần thiết và độc nhất vô nhị; bạn sẽ chẳng cần làm gì để thu hút người khác. Giải pháp cho việc này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại đi ngược với lẽ thường – dành lấy thị trường nhỏ nhất mà bạn có thể tưởng tượng. Qua đó, phẩm chất của bạn, câu chuyện của bạn, và cả sức ảnh hưởng của bạn sẽ trở nên tốt hơn rất nhiều”
Trainavicius cũng đồng tình với điều này: “Nếu bạn bắt đầu với một thị trường quá rộng lớn, có khả năng bạn sẽ tự hại chính mình đấy. Điều chúng ta cần làm, đó là đi theo những thị trường nhỏ lẻ. Nhưng bạn biết ở thị trường đó, khách hàng sẽ chuộng sản phẩm của bạn hơn. Khi bạn bán được một vài sản phẩm, họ sẽ nói với người khác – và khi họ thích sản phẩm của bạn, đã đến lúc bạn nên bắt đầu thực hiện các chiến dịch quảng cáo bằng cách truyền miệng nhằm quảng bá cho sản phẩm của mình rồi đấy. Ở thị trường ngách, nếu ý tưởng của bạn hay, lời truyền miệng sẽ là một cơ hội tuyệt vời để phát triển sản phẩm đó”
5. Bạn tìm thấy một ý tưởng có thể chia sẻ được
Một trong những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, chính là đưa vấn đề đó về dạng cơ bản nhất, và trình bày nó với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực tương tự.
Một bài báo của Harvard Business Review đã đối chiếu các ví dụ, và danh sách đưa ra trải dài khắp các lĩnh vực – từ người trượt giày patin đã thiết kế ra thiết bị bảo hộ lao động, cho đến nghệ sĩ trang điểm sân khấu đã nghĩ ra cách nhằm giảm thiểu tối đa sự lây nhiễm của phẫu thuật thẩm mỹ.
Nếu bạn đang tìm kiếm một ý tưởng kinh doanh hay, hãy thử làm quen và tiếp xúc với những người đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên với những gì mà mình sẽ khám phá ra đấy!
6. Bạn có một lợi thế cạnh tranh độc quyền
Không cần biết bạn đến từ ngành nghề nào, bạn cần phải chuẩn bị cho mình một lợi thế độc quyền – lợi thế mang tính cạnh tranh cao – nếu bạn muốn ý tưởng của mình trường tồn với thời gian.
Lợi thế đó có nằm trong kiến thức, trình độ chuyên môn hay kinh nghiệm của mình không? Các mối quan hệ xã hội của bạn ra sao? Có thể bạn sẽ phát triển một loại công nghệ mà chưa ai chạm tay đến, hoặc chưa biết cách làm giống như bạn được. Có thể bạn có nhiều vốn để có thể mạnh tay chi trả hơn đối thủ của bạn.
Thậm chí một công ty bình thường cũng có thể biến thành một cơ hội cực kì lớn nếu bạn có lợi thế cạnh tranh độc quyền.
Nếu bạn có tư duy tốt, những ý tưởng kinh doanh ngoạn mục luôn ở đâu đó xung quanh chờ bạn đến và khai phá nó. Hãy cởi mở với mọi thứ, sẵn sàng thử nghiệm và trau dồi các kĩ năng giải quyết vấn đề thật tốt. Sau cùng, việc còn lại, hãy cống hiến hết 100% tâm huyết của mình và biến ý tưởng đó thành sự thật. Chúc bạn may mắn!
— HR Insider / Theo forbes.com —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.