Nhận thức
Lãnh đạo hiệu quả thể hiện qua khả năng nhận thức được tiềm năng của bản thân, của tổ chức cũng như cơ hội phát triển của lĩnh vực hoạt động, kinh doanh, từ đó xây dựng nên chiến lược, mục tiêu phát triển hoàn chỉnh. Nhận thức chính là nhận định rõ về khả năng của bản thân và đánh giá chính xác về những đối thủ cạnh tranh. Hầu hết những nhà lãnh đạo khi đã đạt được một mức độ thành công nhất định sẽ mắc phải sự tự mãn hoặc kiêu ngạo. Khi bạn có được những thành tựu trong một vài quý, một giai đoạn kinh doanh, bạn sẽ được tiếp thêm sự tự tin, nhưng đôi lúc sự tự tin ấy làm giảm khả năng phán đoán của bạn về tình hình hiện tại, dễ đưa ra những quyết định vượt ngoài tiềm lực có thể đạt được. Một nhà lãnh đạo cần phải học cách chấp nhận rằng có những điều mình vẫn chưa học được, hay làm chưa tốt. Nhận ra điều đó, bạn có trách nhiệm học hỏi để khắc phục điểm yếu bản thân, đóng góp cho tổ chức, hay liên kết, phối hợp với những nhân tố khác để tạo nên sức mạnh lớn cho doanh nghiệp.
Biết chính mình, cải thiện chính mình không chỉ là học hỏi cho bản thân, nhà lãnh đạo cần nhìn vào tổng thể của tổ chức. Tư cách là người đứng đầu, bạn có trách nhiệm dẫn dắt những nhóm với các cá nhân khác nhau, sở hữu những điểm mạnh có thể bổ sung cho nhau. Nhà lãnh đạo khi đó cần công bằng, thận trọng nhận thức được giá trị mà mỗi người trong nhóm của bạn có thể mang lại để đạt được mục tiêu tối ưu nhất cho tổ chức. Ngoài ra, yếu tố thông tin luôn rất quan trọng nếu bạn muốn thành công. Biết địch, biết ta trăm trận trăm thắng là một nhận định quá quen thuộc về ý thức này. Luôn cập nhật thông tin những đối thủ cạnh tranh là cách để bạn so sánh, hoàn thiện tổ chức cũng như định lượng được cơ hội cạnh tranh, hoạch định chiến lược chính xác.
Kiên trì
Nhà lãnh đạo phải kiên trì trong mọi quyết định của mình, kiên trì trong quá trình học hỏi của bản thân. Điều đó thể hiện qua ba điều, học hỏi từ kinh nghiệm của người khác, học hỏi từ trải nghiệm của bản thân, và cuối cùng là kết hợp từ những quan sát cùng kiến thức để đưa ra quyết định tối ưu. Ba điều đó đòi hỏi một đức tính mà nhà lãnh đạo nào cũng cần sỡ hữu, họ nhất định phải thực sự kiên trì, cầu tiến. Tinh thần học hỏi mọi lúc, mọi nơi sẽ hoàn thiện cho bạn từ những điều nhỏ nhất. Trong thực tế, luôn phát sinh rất nhiều những tình huống linh hoạt mà sách vở không thể định hướng cho bạn, khi ấy bạn cần linh hoạt tìm kiếm giải pháp từ trải nghiệm bản thân, những người xung quanh để tích lũy những kiến thức quý giá. Đặc biệt, ở vị trí người dẫn đầu, bạn là người chịu trách nhiệm cao nhất, ảnh hưởng càng cao, áp lực lại càng lớn. Nếu bạn không thể kiên trì theo đuổi những mục tiêu, định hướng đã vạch ra, bạn rất dễ mắc phải những sai lầm.
Tự đánh giá
Khác với nhận thức, việc tự đánh giá là việc bạn cần phải lặp lại thường xuyên, hàng ngày. Khi bạn duy trì một thói quen liên tục tự đánh giá bản thân như vậy bạn sẽ có thể theo dõi được hiệu quả làm việc của mình. Thứ hai, nhà lãnh đạo có thể kiểm soát được sự tự tin quá đà của bản thân thông qua những nhìn nhận thường xuyên, giữ cho mình cái đầu lạnh và đôi chân luôn ở trên mặt đất. Khi có bất kỳ sự trục trặc hoặc dấu hiệu sa sút nào xảy đến, bạn hoàn toàn có thể nhận ra kịp thời và có những điều chỉnh phù hợp để giữ cho bản thân cân đối giữa công việc và đời sống.
Thấu hiểu
Bất kỳ một nhà lãnh đạo nào cũng cần phải biết cách thấu hiểu, đắc nhân tâm. Bạn là nhà lãnh đạo khi bạn dẫn dắt một tổ chức, nơi với những cá nhân với những cá tính riêng biệt. Bạn sẽ không thể thấu hiểu họ ngay ngày một ngày hai, hay chỉ qua vài ba câu chuyện trò. Tầm vóc của nhà lãnh đạo tỷ lệ thuận với khả năng thấu hiểu nhân viên của họ. Mức độ thấu hiểu này sẽ tăng dần qua thời gian theo những tương tác, mở lòng của bạn với nhân viên. Chỉ khi có thể nắm bắt được tâm tư, khát khao của những cá nhân trong tập thể, bạn mới có thể đưa ra những nhiệm vụ chuẩn xác, dẫn dắt tổ chức đến những thành tựu.
Hợp tác
Tinh thần hợp tác luôn là điều mà mỗi nhà lãnh đạo cần phải khắc ghi nếu muốn hoàn thiện vai trò của bản thân. Hợp tác không chỉ là với những đối tác mà còn là cả trong tập thể, suy cho cùng những cá nhân chỉ có thể cùng hướng về mục tiêu chung khi được đảm bảo về mặt lợi ích cá nhân. Nắm vững tinh thần, cũng như những nguyên tắc trong hợp tác, bạn sẽ không chỉ cải thiện khả năng làm việc của bản thân mà còn cả về năng lực ngoại giao, giao tiếp. Từ những nguồn lực xung quanh, nếu bạn biết kết nối tốt, bạn sẽ không ngừng phát triển và tiến gần hơn đến những thành tựu vượt trội.
>>Xem thêm: 3 con giáp nên cẩn trọng trong năm 2023
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.