Suy nghĩ #1: Sếp đi nói xấu hoặc so bì với nhân viên từ sau lưng.
“Nói xấu sau lưng” là điều không nên làm với bất cứ ai, đặc biệt nói xấu nhân viên là chuyện nực cười nhất trên đời. Mình tuyển dụng, mình hướng dẫn, mình đào tạo và mình quản lý, rồi mình đi nói xấu, giống như mẹ mà đi nói xấu con mình, chẳng khác nào đang tự làm xấu chính mình, tự thể hiện sự lãnh đạo yếu kém.
Suy nghĩ #2: Nhân viên của mình không thể làm được những điều mình còn không làm được.
Sếp thường nghĩ mình giỏi hơn nhân viên và nhiều kinh nghiệm hơn nên ít khi chịu đón nhận ý kiến khác biệt từ nhân viên. Hãy cho họ thể hiện ý tưởng và có sân chơi để phát triển. Mỗi người sẽ có ưu nhược khác nhau, không nên áp đặt mình vào nhân viên của mình. Tôi đã từng thấy nhân viên mình làm được rất nhiều việc mà tôi không thể làm. Điều đó không có nghĩa bạn ấy giỏi hơn tôi, nhưng bạn ấy không phải là tôi và bạn ấy có thế mạnh riêng.
Suy nghĩ #3: Sợ nhân viên giỏi quá, một ngày nào đó sẽ thay thế mình.
Trời ơi! Đây là ước mơ của bạn mới đúng. Bạn làm hoài một chỗ ko chán sao? Phải có người thay thế thì bạn mới có thể đi lên được. Còn nếu bạn chỉ thích ngồi một vị trí và làm những công việc ổn định, không cần thay đổi, thì bạn không nên làm sếp. Bạn có thể làm chuyên viên trong lĩnh vực nào đó, mà không cản trở đường thăng tiến của những người khác. Làm lãnh đạo đúng nghĩa là phải tự hào khi nhân viên mình thành công và thăng tiến.
Suy nghĩ #4: Nhân viên sinh nhật ngày nào không quan tâm.
Làm việc với nhau mỗi ngày hơn 8 tiếng, gặp nhau nhiều hơn gặp gia đình. Nhân viên hỗ trợ cho bạn, làm theo những điều bạn muốn, vậy tại sao không trân trọng mối quan hệ này; đừng coi họ là cái máy, chỉ làm việc. Ai cũng có cảm xúc và muốn được quan tâm. Có thể bạn không nhớ sinh nhật họ, nhưng hãy bằng cách này hoặc cách khác thể hiện sự quan tâm của bạn đối với họ, hơn cả công việc.
Suy nghĩ #5: Dùng tiền tạo áp lực để nhân viên làm việc.
Ai cũng cần tiền, đó là điều căn bản, nhưng tiền là yếu tố cần mà không đủ. Hãy đảm bảo rằng nhân viên bạn có đủ tiền để lo cho cuộc sống cá nhân họ, để họ an tâm tận sức làm việc cho bạn. Nếu bạn muốn họ nỗ lực hơn, hãy dùng những điều khác để làm động lực. Tiền không phải là tất cả, ý nghĩa công việc, sự công nhận của công ty, và cách đối xử của sếp đối với họ sẽ là những yếu tố đủ và cũng là yếu tố khác biệt giữ chân những nhân viên xuất sắc nhất.
– Tác giả: Chị Lê Hải Quỳnh –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.