Vấn đề lương – thưởng luôn tạo nên tranh chấp giữa người đi làm và doanh nghiệp. Bộ Luật Lao Động 2019 đã có những đổi mới, quy định cụ thể hơn về vấn đề lương – thưởng nhằm bảo vệ quyền lợi, tính công bằng giữa người lao động và người sử dụng. Cùng HR Insider tìm hiểu những thay đổi này là gì trong bài viết sau đây nhé!
1. Quyền được ủy thác người nhận lương thay
Tại Điều 94 của bộ luật, nguyên tắc trả lương đã bổ sung, cụ thể như sau:
“Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp”.
Việc cho phép người lao động được ủy quyền cho người khác nhận lương là hợp lý, đặc biệt là trong các trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn không thể trực tiếp nhận lương,…
2. Không được ép buộc mua hàng hóa, dịch vụ công ty
Các vấn đề về việc ép buộc người lao động sử dụng tiền lương để mua sản phẩm, dịch vụ của công ty đã được quy định cụ thể hơn trong Bộ Luật Lao Động 2019. Qua đó, doanh nghiệp sẽ vi phạm luật nếu can thiệp và quyết định chi tiêu tiền lương của người lao động.
Đây là một quy định mới hoàn toàn so với Bộ Luật Lao Động 2020, cụ thể là:
1. Người sử dụng lao động không được hạn chế/ can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động;
2. Không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.
3. Công ty phải chịu chi phí mở tài khoản ngân hàng
Việc trả lương cho nhân viên thông qua hình thức chuyển khoản ngân hàng đã trở nên quen thuộc với hầu hết người lao động tại Việt Nam. Và nếu trước đây, chi phí mở tài khoản ngân hàng sẽ do doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận về mức chi phí. Thì theo Bộ Luật Lao Động mới, toàn bộ chi phí mở tài khoản phải do doanh nghiệp/ người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả.
4. Phải gửi bảng kê lương cho nhân viên mỗi lần trả lương
Để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong cách tính lương hàng tháng, Bộ luật Lao động mới yêu cầu mỗi lần trả lương, doanh nghiệp/ người sử dụng lao động phảigửi bảng kê trả lương đến người lao động, chú thích rõ các mục sau:
- Tiền lương đã quy định theo hợp đồng;
- Tiền lương làm thêm giờ;
- Tiền lương làm việc vào ban đêm;
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)…
Cũng liên quan đến vấn đề trả lương, Bộ luật này cũng bổ sung quy định trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể trả lương bằng ngoại tệ.
5. Có thể thưởng cho người lao động bằng hiện vật hoặc hình thức khác
Tại Điều 104, Bộ Luật Lao Động mới quy định về “Thưởng” thay vì “Tiền thưởng” như Bộ luật cũ.
Theo đó, thưởng có thể là tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Như vậy, Bộ luật mới đã mở rộng khái niệm “thưởng”, không chỉ bằng tiền mà bằng tài sản, hiện vật, các hình thức khác như chuyến du lịch, phiếu mua hàng… Điều này là phù hợp với thực tế tại các doanh nghiệp hiện nay.
>>> Xem thêm: Từ ngày 15/07/2020: Tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc sẽ thay đổi
— HR Insider/ Tham khảo luatvietnam.vn —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.