Ngoài ra, tôi cũng muốn bật mí những bí quyết rút ra từ kinh nghiệm của bản thân để vượt qua những nỗi sợ vô hình nơi làm việc.
1. Hội chứng ngày thứ 2
Khỏi phải nói thứ 2 đầu tuần luôn là cơn ác mộng của mọi nhân viên. Sau 2 ngày cuối tuần nghỉ ngơi vui chơi thì thứ 2 lại đến và bắt đầu tuần làm việc mới với những báo cáo, tổng kết, kế hoạch hàng tuần… Vì vậy, chúng ta thường có cảm giác mệt mỏi, chán nản và hoàn toàn không có hứng thú làm việc khi đối diện với ngày thứ 2. Thực tế cho thấy năng suất làm việc ngày thứ 2 thường thấp nhất trong tuần. Đây chính là hậu quả của hội chứng ngày thứ 2. Để tránh bị hội chứng này, tôi gợi ý áp dụng những cách sau:
- Tranh thủ hoàn tất trước một số công việc vào ngày thứ 6 tuần trước. Như vậy khi bắt đầu một tuần mới, bạn sẽ không có cảm giác bị núi công việc đè nặng.
- Đừng tham công tiếc việc, hãy dành 2 ngày cuối tuần để nghỉ ngơi, thư giãn, bổ sung năng lượng cho tuần tiếp theo.
- Dành vài giờ cuối tuần để tập luyện thể thao. Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện mới giúp bạn làm việc hiệu quả.
- Tối chủ nhật, đi ngủ sớm một chút và trước đó dành ra một ít thời gian sắp xếp, lên kế hoạch công việc vào tuần sau.
- Việc đầu tiên trong sáng thứ 2 là chuẩn bị một nụ cười sẵn trên môi để lan truyền năng lượng tích cực cho mọi người trong văn phòng.
- Trong ngày, sắp xếp thứ tự ưu tiên công việc trong một tuần sao cho công việc ngày thứ 2 tuần sau không quá nặng nề.
2. Deadline (thời hạn)
Khi đi làm, bất cứ một công việc, nhiệm vụ hay dự án nào cũng sẽ có deadline. Nếu không có deadline thì việc sẽ chẳng bao giờ xong vì chúng ta luôn có thói quen trì hoãn. Tuy nhiên, thời hạn càng gần thì áp lực mà bạn đối diện sẽ càng lớn. Để deadline không còn là nỗi sợ kinh hoàng của bạn nữa, dưới đây là một số bí quyết của tôi.
- Luôn đặt ra các deadline hợp lý cho bản thân khi bắt đầu thực hiện các công việc. Không nên đặt deadline quá xa vì bạn sẽ không có động lực để hoàn thành hoặc quá gần vì bạn sẽ tự tạo áp lực cho bản thân.
- Luôn đặt 2 mức thời hạn cho mỗi nhiệm vụ. Mức đầu tiên cách 1-2 ngày trước mức thời hạn sau cùng. Nhờ đó, bạn sẽ luôn đảm bảo có một khoảng thời gian dự trù cho những sự việc xảy ra không theo kế hoạch ban đầu, hoặc có thêm thời gian chuẩn bị tốt hơn cho những dự án/nhiệm vụ sắp tới.
- Bạn nên có 1 cuộn giấy note, ghi lại những deadline của mình và để nó ở một nơi bạn có thể dễ dàng theo dõi nhất.
3. Những đồng nghiệp họ “Hứa”
Hẳn không ít lần bạn đã lâm vào tình huống trớ trêu khi được hứa hẹn một việc gì đấy nhưng cuối cùng người đó lại quên mất hoặc không làm như đúng hẹn. Sợ nhất là khi công việc cần có sự hợp tác và hỗ trợ của nhiều người và sự thất hứa của một người sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc chung. Nếu gặp phải những đồng nghiệp họ “Hứa” như vậy bạn hãy thử áp dụng những phương pháp sau để đảm bảo lời hứa sẽ được thực hiện nhé.
- Luôn ghi chú lại mọi lời hứa, càng chi tiết càng tốt để sau này họ có giở chứng thì có cơ sở đối chứng.
- Yêu cầu xác nhận lời hứa qua email và lưu lại sao cho dễ tìm vì sau này có sẽ có lúc bạn cần dùng đến đấy.
- Luôn theo dõi để kịp thời nhắc khi sắp đến hết thời hạn của lời hứa mà bạn vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Bằng cách này, bạn cũng có thể có phương án chữa cháy kịp thời trong trường hợp người đó thực sự không thể giữ được lời hứa.
Trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như Sếp hứa tăng lương hay thăng chức cho bạn nhưng rồi lại chẳng thấy gì thì đây là một câu chuyện khác. Bạn nào có cách hay thì chỉ tôi nhé đề phòng trường hợp này xảy ra với tôi nhé!
4. Lương về nơi đâu
Đối với dân văn phòng (thường những người độc thân), không gì lạ khi đôi lúc chi tiêu quá mức dẫn đến cạn kiệt “hầu bao” trước khi lương về. Sống cầm chừng chờ lương về có lẽ là khoảng thời gian chẳng dễ dàng vượt qua chút nào. Nó trở thành nỗi sợ của rất nhiều người. Để tránh tình trạng này xảy ra, hãy thử áp dụng những cách sau.
- Ngay khi nhận được khoản lương của tháng này, bạn hãy bắt đầu lên kế hoạch chi tiêu. Nếu chưa biết cách lập bảng chi tiêu, bạn có thể tham khảo phương pháp 6 hũ tại đây.
- Lập ngay một tài khoản tiết kiệm nếu bạn chưa có để đề phòng trường hợp như này xảy ra.
- Hạn chế mượn tiền của đồng nghiệp. Nếu kẹt quá, hãy nhờ sự trợ giúp từ người nhà hay bạn thân.
5. Nói trước đám đông
Đây có lẽ là nỗi sợ cấp độ cao nhất của dân văn phòng. Thuyết phục một người đã khó, nói gì đến cả đám đông. Vì vậy, ngay cả những người giỏi thuyết trình nhất, họ cũng cảm thấy nhiều áp lực khi phải đứng trước đám đông để trình bày một vấn đề gì đó. Thật ra, đã từng có thời gian tôi rất sợ phải nói chuyện với người lạ, chưa nói đến chuyện trước đám đông. Tuy nhiên, khi đi làm tôi đã vượt qua nỗi sợ này bằng những cách sau:
- Tập làm quen với nỗi sợ bằng cách đối diện với chúng. Hãy xung phong thực hiện những bài chia sẻ (cũng là một dạng thuyết trình) với team. Bằng cách này, bạn có cơ hội luyện tập kỹ năng nói trước đám đông.
- Tham khảo mẹo thuyết trình khiến ai cũng phải lắng nghe của Mr. Vui Vẻ.
- Giữ bình tĩnh bằng cách hít sâu vào rồi thở ra vài lần trước khi bắt đầu.
- Luyện tập, luyện tập và luyện tập. Bạn luyện tập càng nhiều, bạn càng thành thạo kỹ năng này.
Chúc bạn can đảm và mạnh mẽ vượt qua những nỗi sợ ở văn phòng!
– Chia sẻ từ độc giả Vủ Nguyễn –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.