Dũng cảm mở lời
Giống như học ngôn ngữ mới, chỉ khi dũng cảm mở lời, dũng cảm luyện nói thường xuyên thì bạn mới có thể nói một cách trôi chảy, chuẩn xác nhất. Giao tiếp khôn khéo cũng vậy, bạn cần thực hành bằng cách bỏ qua những mặc cảm, tự ti để đối diện với mọi người. Dù là đối tượng nào, bạn cũng hãy xem họ là một người bình thường đang đứng trước mặt mình, và cởi mở trò chuyện cùng họ.
Cách giao tiếp khôn ngoan chính là bí quyết tiên quyết chính là dũng cảm mở lời. Chỉ khi mở lời thì sau đó chúng ta mới tiếp tục áp dụng được các bí quyết tiếp theo. Vận dụng trí thông minh cảm xúc trong giao tiếp cùng cách diễn đạt, lập luận dễ hiểu và logic sẽ là điểm cộng lớn. Bên cạnh đó, việc chú ý đến ngữ cảnh cùng với tình huống xảy ra khi tiến hành nói chuyện cũng là điểm không kém phần quan trọng.
Biết lắng nghe và không làm người khác cảm thấy khó chịu ở nơi đông người
Người giao tiếp khôn ngoan cũng là người lắng nghe giỏi, thấu hiểu cho cảm xúc và suy nghĩ, những chia sẻ của đối phương. Vậy làm sao để thấu hiểu? Hãy đặt bản thân vào vị trí, vào câu chuyện của người đó, có thể bạn sẽ có cái nhìn và cảm nhận sâu sắc hơn về những gì họ đang muốn truyền đạt.
Lắng nghe là chìa khóa của sự kết nối, lắng nghe là tiền đề của sự tôn trọng và muốn chia sẻ cùng họ. Đây chính là cách giao tiếp khôn khéo được lòng nhiều người. Ngoài việc lắng nghe, bạn còn cần thể hiện quan điểm chừng mực và không làm đối phương cảm thấy khó chịu, nhất là lúc ở nơi đông người.
Nhu cầu thể hiện quan điểm của mỗi cá nhân đôi khi khá lớn. Lúc nói chuyện với đối phương, bên ngoài chúng ta tỏ vẻ lắng nghe nhưng thực ra trong đầu lại đang nghĩ về hướng đối lập, những quan điểm trái ngược. Chúng ta chờ họ kết thúc lời và lập tức thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của bản thân. Một vài người có thể kìm nén được nhu cầu này, nhưng đôi khi chính suy nghĩ và sự chống chế bản thân phải kìm nén nhu cầu lại ảnh hưởng tới sự tập trung của bạn đối với đối phương.
Chúng ta chỉ mất vài năm để học nói, nhưng chúng ta có thể mất cả đời để học cách im lặng. Đa phần con người lắng nghe quá ít nhưng lại nói quá nhiều. Hãy tập lắng nghe, bằng sự chân thành và tích cực của lý trí và cảm xúc, không chỉ là sự tôn trọng tối thiểu trong giao tiếp, mà còn là phương pháp nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Xem thêm: Sếp giỏi thường trò chuyện với nhân viên để cải thiện mối quan hệ
Khen nhiều chê ít, nhưng khen như thế nào mới đúng?
Những lời khen mang năng lượng tích cực và niềm vui cho người được khen, nhưng khen cũng là một nghệ thuật giao tiếp khôn ngoan. Khen quá nhiều sẽ hóa ra nịnh nọt, giả trân. Thay vì những lời khen qua loa, xã giao và đầy sự tổng quát hay không chân thật, hãy tập khen chân thành. Khen chân thành bằng cách tập trung vào những chi tiết đặc biệt của đối phương để tán dương, tìm kiếm những điểm khác biệt tích cực của họ.
Cách giao tiếp khôn ngoan này sẽ khiến cho người đó ấn tượng, cảm thấy được sự chú ý và quan tâm của bạn dành cho họ, và tất nhiên bạn đã tạo một thiện cảm rất lớn trong lòng người đó. Lời khen trao đi càng cụ thể, chi tiết, thì sẽ càng có khả năng giúp cho người được nhận lời khen cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc và sẵn sàng giúp đỡ khi bạn cần.
Thêm chút hài hước, tích cực trò chuyện, đừng than vãn nhiều
Hài hước là một năng khiếu mà không phải ai cũng có được. Đây cũng được xem là một cách giao tiếp khôn ngoan trong cuộc sống nếu biết cách vận dung. Nếu bạn có được tính hài hước, bạn chắc hẳn rất dễ dàng trong việc thu hút các mối quan hệ xung quanh. Bạn sẽ là tâm điểm của các cuộc trò chuyện bởi vì các câu chuyện của bạn rất thú vị và nhiều niềm vui. Tuy nhiên, bạn cũng cần hài hước ở chừng mực cho phép, chú ý đến hoàn cảnh giao tiếp để tạo niềm vui phù hợp, không gây khó chịu, lố lăng.
Nếu bạn không sở hữu được nét tính cách này, cũng đừng lo lắng. Thay vì hài hước hay cố gắng hài hước, bạn có thể truyền năng lượng tích cực và lạc quan, vui vẻ của mình cho họ. Chia sẻ niềm vui, nỗi buồn là thói quen, là điều tất yếu của con người trong cuộc sống. Niềm vui tất nhiên sẽ mang đến năng lượng tích cực, vậy còn nỗi buồn thì sao? Điều bạn cần làm đó là chia sẻ những điều tiêu cực có chừng mực, không quá nhiều. Năng lượng tiêu cực có thể ảnh hưởng đến cảm xúc đối phương, và ảnh hưởng đến cả ánh nhìn hay cảm nhận của họ đối với bạn. Dù đó là người thân hay người gần gũi với bạn nhất, bạn cũng nên chú ý điều này.
Chúng ta, bất kỳ ai trong cuộc đời này, đều phải trải qua nhiều thứ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố. Hãy chỉ chia sẻ những nỗi buồn cần thiết, cần được giải toả, những mệt mỏi và áp lực đủ lớn. Còn những thứ vụn vặt, hãy tập sống chung và xoa dịu chúng bằng nhiều biện pháp như: xem phim, nghe nhạc, viết nhật ký,…
Hài hước là một năng khiếu mà không phải ai cũng có được
Đừng vội vàng phủ nhận khi bị người khác phê bình
Ông cha ta có câu: “Thuốc đắng dã tật, sự thật thì mất lòng”. Không phải tất cả mọi lời phê bình đều xấu, đặc biệt từ những người cấp trên, ban lãnh đạo hay những người thực sự gần gũi và có sự kết nối gắn bó với bạn.
Khi được góp ý, đừng vội vàng phủ nhận chúng, cũng đừng vội cảm thấy phẫn nộ hay xấu hổ. Bạn cần bình tĩnh, đón nhận vấn đề và phân tích chúng. Xem xét lại bản thân là một cách để bạn tự cho chính mình cơ hội để sửa đổi và hoàn thiện lên mỗi ngày. Và người đang phê bình bạn đó, mục đích của họ liệu là gì, điều này phụ thuộc phần lớn vào sự quan sát và cảm nhận của bạn. Họ có thể muốn công kích bạn, nhưng rất có thể đang muốn bạn trở nên tốt lên! Dù là gì, bình tĩnh vẫn là nét tính cách đáng mến và phù hợp nhất bạn cần rèn luyện trong những tình huống như vậy.
Trên con đường sự nghiệp hay theo đuổi hạnh phúc, đều cần sự kết nối giữa người với người. Cách giao tiếp khôn ngoan là công cụ cực kỳ quan trọng giúp bạn đạt được điều bạn mong muốn. Hãy rèn luyện giao tiếp hàng ngày, trong tất cả các hoàn cảnh bạn gặp phải, từng bước sửa đổi các khuyết điểm đối diện trong lúc giao tiếp.
> Xem thêm: 4 kiểu giao tiếp nơi công sở mà bạn cần phải thấm nhuần để sớm thành công
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.