Bạn nên để buổi phỏng vấn diễn ra một cách nhẹ nhàng, thay vì tra xét, bắt lỗi ứng viên, để rồi biến nó thành không khí ngượng ngập bao trùm đôi bên.
Một trong những buổi phỏng vấn đáng nhớ nhất của tôi là cuộc trao đổi thú vị với ứng viên về một phần mềm mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn bè. Đó không chỉ là buổi phỏng vấn vui vẻ mà còn giúp tôi hiểu rõ sở thích và tính cách của ứng viên.
Qua thời gian, tôi đã học được cách biến buổi phỏng vấn thành cuộc trò chuyện thoải mái cho cả hai bên. Bí quyết chính là nhờ 5 câu hỏi sau:
1. Hãy kể về khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong công việc của bạn.
Thay vì yêu cầu ứng viên liệt kê điểm mạnh, hãy tìm kiếm câu chuyện thực tế về những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của họ trong công việc. Ứng viên sẽ nói về cách họ vượt lên khó khăn để thành công, hay bày tỏ sự mừng rỡ khi biết được chính sách “làm việc tại nhà” của công ty (điều này chứng tỏ họ không kiên nhẫn ngồi làm việc tại bàn); từ đó bạn có thể kiểm tra liệu có mâu thuẫn trong những câu trả lời hay không.
Tôi cũng lắng nghe xem ứng viên chỉ nói về mình hay có nhắc đến những thành viên đã giúp họ thành công. Liệu ứng viên có kể ra kết quả bằng số liệu minh chứng cụ thể (ví dụ như câu khẩu hiệu mới giúp tăng doanh số 40%), hay chỉ kể đại khái như “Tôi nghĩ tôi đã giúp tăng doanh số”,…
Câu chuyện thành công sẽ giúp bạn hiểu nhiều về ứng viên hơn là một câu trả lời được chuẩn bị sẵn, và còn giúp cuộc phỏng vấn mang bầu không khí lạc quan hơn. Chẳng phải mọi người đều thích kể về thành tựu của mình sao?
2. Nếu có thể, bạn sẽ kinh doanh gì?
Tôi luôn dùng câu hỏi này thay cho “Bạn nghĩ bạn sẽ như thế nào trong 5 năm tới?”. Thông thường, ứng viên nghĩ bạn muốn nghe “Tôi sẽ làm việc ở công ty này và hỗ trợ bạn” – một câu trả lời chẳng nói lên được điều gì. Đồng thời, câu hỏi này có thể khiến ứng viên không thoải mái, vì sự thật có thể họ nghĩ là “Tôi sẽ chỉ ở đây đến khi tôi tìm được nơi nào khác tốt hơn”.
Bằng cách hỏi ứng viên về tầm nhìn kinh doanh, bạn vừa khám phá được mục tiêu và tham vọng của họ, vừa cho họ cơ hội hào hứng để thảo luận về tính sáng tạo và năng lực. Ai lại không thích nói về công việc mơ ước. Chính câu hỏi này cũng hé mở liệu ứng viên có thật sự đam mê với lĩnh vực hoạt động của công ty bạn, hay chỉ đang tìm kiếm công việc nào cũng được.
3. Hãy nói cho tôi nghe điều gì đó mà tôi không thể biết từ hồ sơ của bạn.
Nhiều buổi phỏng vấn bắt đầu với câu “Hãy giới thiệu bản thân bạn” và rồi nhà tuyển dụng sẽ được nghe “diễn văn” được diễn tập kỹ lưỡng về những điểm nổi bật nhất của ứng viên. Tôi thích hỏi những thông tin đào sâu về ứng viên hơn. Khi bạn hỏi những câu nằm ngoài lý lịch bóng bẩy, bạn sẽ khám phá nhiều điều thú vị về họ.
Ví dụ như, một người đã đặt chân đến 20 đất nước chắc hẳn sẽ không ngần ngại nếu công việc đòi hỏi đi công tác thường xuyên, nhưng có thể sẽ thấy mệt mỏi khi phải dính chặt ở bàn làm việc. Một người kể về cách quản lí xưởng sản xuất phim của con họ sẽ thể hiện khả năng lãnh đạo, sự sáng tạo và mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Bạn nên đặt những câu hỏi vượt ngoài hồ sơ ứng tuyển và dựa vào câu trả lời để đánh giá xem liệu ứng viên phù hợp với văn hóa công ty hay không.
4. Có câu hỏi nào bạn muốn trả lời lại không?
Nhiều buổi phỏng vấn sẽ kết thúc bằng câu “Bạn có điều gì muốn bổ sung thêm không?” hoặc những câu hỏi mơ hồ tương tự thế. Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết ứng viên đều tận dụng lúc này để ca lại “bài ca năm xưa” về học vấn và kinh nghiệm.
Tuy nhiên, nếu bạn hỏi ứng viên “Liệu bạn có muốn trả lời bổ sung cho câu hỏi nào không?”, bạn sẽ biết thêm về đặc điểm tính cách của họ. Đầu tiên, liệu ứng viên có dám thừa nhận cô ấy đã không hoàn hảo, thậm chí là sai, hay là muốn được làm rõ câu trả lời hơn. Đây là những đặc điểm quan trọng, một người không thừa nhận lỗi sai sẽ làm bạn mất nhiều thời gian và công sức trong công việc.
Thêm vào đó, câu hỏi này gây ấn tượng tốt với ứng viên. Sau buổi phỏng vấn, ứng viên nào cũng nghĩ lẽ ra mình nên trả lời khác đi. Họ sẽ rất vui nếu như bạn tạo cơ hội để trả lời lại câu hỏi mà họ đã trả lời không tốt.
5. Bạn có câu hỏi nào dành cho tôi không?
Đúng, đây là một câu hỏi quá bình thường. Nhưng tôi khuyên bạn nên giữ câu hỏi này. Đây là lúc thể hiện ứng viên chỉ chuẩn bị những câu hỏi an toàn, hay sẽ nhanh trí hỏi về thông tin nào đó vừa được trao đổi trong cuộc phỏng vấn. Ứng viên sẽ hỏi thêm về công việc sẽ phụ trách hay là có muốn biết thêm thông tin khác sau khi quan sát thực tế?
Mặc dù một số ứng viên ngại đặt câu hỏi, nhưng làm cách này sẽ thể hiện bạn tôn trọng ý kiến của họ, và luôn sẵn sàng đón nhận thông tin từ nhân viên. Ứng viên sẽ thật sự thấy thích thú khi có cơ hội đặt câu hỏi.
Nếu bạn hỏi ai đó về mức độ yêu thích buổi phỏng vấn gần đây nhất, có lẽ họ sẽ trả lời rằng nó giống như đi đóng thuế hay kiểm tra sức khỏe hằng năm. Phỏng vấn không nên nhàm chán đến thế. 5 gợi ý trên sẽ giúp bạn đánh giá ứng viên tốt hơn qua buổi phỏng vấn – và họ sẽ thấy hứng thú hơn khi trả lời.
– HR Insider / VietnamWorks –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.