Đứng trước ngưỡng cửa của thay đổi, thông thuờng ai cũng sẽ có 2 sự lựa chọn: Thích nghi và dung hoà, hoặc chấp nhận rời đi và lựa chọn con đường phù hợp với mục tiêu của mình hơn.
Bài viết này sẽ đề cập đến 4 thay đổi lớn mà mọi công ty thường xuyên trải qua, và cách để bạn có thể dễ dàng đương đầu và tìm ra giải pháp cho chính mình.
1. Được thăng chức
Chức vụ càng cao, trách nhiệm cũng càng lớn.
Trước khi nhận vị trí mới, hãy hình dung những dạng công việc mà bạn sẽ không còn đảm trách, như nhà huấn luyện Elizabeth Grace Saunders đã từng viết trong một bài báo.
Việc được thăng chức cũng đồng nghĩa bạn đã được cấp trên tin tưởng và uỷ thác giao cho những trọng trách lớn hơn, với vai trò của một người quản lý. Điều này đòi hỏi bạn phải biết cách điều tiết công việc chuyên môn của mình, cũng như uỷ thác những phần việc mang tính thực thi xuống cho cấp dưới, còn mình thì làm tròn bổn phận quản lý.
Để làm được điều này, việc đầu tiên là hãy có niềm tin vào cấp dưới của mình. Hạn chế can dự quá nhiều vào quá trình làm việc của họ. Thay vào đó, hãy chủ động khuyến khích và thúc đẩy họ trong quá trình làm việc, và đưa ra lời đánh giá của bạn dựa trên kết quả cuối cùng. Điều này góp phần thúc đẩy năng suất công việc, vừa giúp bạn và cấp dưới tinh gọn hơn trong công việc.
2. Tái cấu trúc công ty
Không có điều gì khiến mọi người cảm thấy hồi hộp (và lo lắng) như việc “tái cấu trúc công ty”. Dù điều đó tích cực (hay không), chắc chắn một điều rằng, tổ chức của bạn sắp trải qua một sự thay đổi vô cùng lớn.
Dù câu chuyện có diễn biến như thế nào đi chăng nữa, thì cũng hãy luôn trân trọng mọi thành quả mà bạn đã bỏ ra trong thời gian gắn bó với công ty, như chia sẻ của Neil Lewis, đồng sáng lập Working Transitions, đến Gwen Morgan trong 1 bài báo của Fast Company.
3. Đón chào “sếp” mới
Hạnh phúc và cảm xúc của bạn nơi công sở, phần nhiều cũng bị chi phối bởi mối quan hệ giữa bạn và cấp trên của mình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể làm quá lâu ở một công ty. Sẽ đến một lúc, cấp trên mà bạn yêu quý sẽ tiếp tục sự nghiệp của mình ở một vị trí mới, một tổ chức mới, và bạn cũng sẽ phải bịn rịn nói lời từ biệt, dù muốn hay không.
Vậy, làm thế nào để tiếp tục gầy dựng mối quan hệ “nhân viên – cấp trên” với vị sếp mới mà không mang vẻ quá ư “xu nịnh”?
Cách đơn giản và vẫn luôn hiệu quả nhất, đó chính là bằng một tách cà phê vào giờ nghỉ trưa. Thông qua đó, bạn cũng có thể dễ dàng hiểu thêm về tính cách, phong cách và mục tiêu công việc của cấp trên của mình. Bên cạnh đó, hãy cho thấy sự chủ động và linh hoạt của bạn trong việc đưa ra ý kiến, nắm bắt được yêu cầu của họ trong công việc. Qua thời gian, tiểu tiết cũng sẽ làm nên đại sự.
4. Thay đổi quy trình và văn hoá công ty
Đôi lúc, bạn sẽ trải qua việc công ty của mình thay đổi hoàn toàn khác biệt theo thời gian, cả về quy mô lẫn văn hoá. Điều này thường khá là phổ biến ở những doanh nghiệp nhỏ, vừa và start-up.
Tuy nhiên, về lâu dài, song hành cùng quy mô và độ phát triển chính là những sự thay đổi thiết yếu về văn hoá – đốt sống cảm xúc và tinh thần của mọi người trong tổ chức và quy trình – kim chỉ nam để công việc trở nên hiệu quả và trơn tru hơn. Vì thế, việc chúng ta chấp nhận và thích nghi, xem chúng như 1 phần trong quá trình phát triển của bản thân và công ty thì cũng chẳng có gì là sai.
Thậm chí, hãy xem những giai đoạn này như một cơ hội để bạn “toả sáng” bằng việc đóng góp những ý kiến của mình.
— HR Insider / Theo fastcompany —
VietnamWorks.com – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.